Tại những chợ đầu mối lớn ở Ðà Lạt, Bảo Lộc, Ðức Trọng, Di Linh... thịt gia cầm và thủy cầm vẫn được bày bán công khai. Trong một số nhà hàng, thịt gà vẫn xuất hiện trên tờ thực đơn. Tại một vài trục đường chính của TP Ðà Lạt, những chiếc lồng chim cảnh vẫn được treo bán. Từ những tuyến đường xuyên rừng, xuyên núi ở những nơi không có trạm chốt kiểm dịch, con và trứng gia cầm, thủy cầm vẫn tìm đường về địa bàn tỉnh...
Tại cuộc họp do Tỉnh ủy Lâm Ðồng tổ chức vào ngày 10-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Sỹ Sơn đã nêu rõ và phân tích thực trạng báo động về nguy cơ dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Ông Sơn cho rằng, các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành liên quan của tỉnh chưa thật sự quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về nội dung đặc biệt quan trọng này. Thế nhưng, cho đến lúc có cuộc họp khẩn cấp này, các cơ quan thông tin đại chúng vẫn gần như chưa hề nhận được một văn bản nào từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng. Không một phóng viên nào biết có chỉ thị "Về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn tái phát dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng", do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng ban hành ngày 3-11.
Năm 2004, Lâm Ðồng là một trong số 31 tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra dịch cúm gia cầm và số người tử vong do nhiễm virus H5N1 chiếm tới 75% trên tổng số người mắc bệnh.
Nhắc lại những thông tin cũ để thấy rõ hơn mức độ nghiêm trọng khi đại dịch xảy ra, nhằm có kế hoạch ứng phó kịp thời. Nhìn chung, thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Mầm bệnh lưu hành trong gia cầm còn tiềm ẩn lớn. Việc xử lý dịch cúm còn gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để, virus có khả năng phát tán ra môi trường. Ðàn gia cầm, thủy cầm sống và sản phẩm gia cầm, thủy cầm kinh doanh trên thị trường chưa được kiểm soát khi đưa vào giết mổ. Tình trạng kinh doanh sản phẩm gia cầm không có bao bì, nhãn hiệu, không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra phổ biến. Hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở giết mổ chưa bảo đảm quy định. Ðó là những nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại về dịch cúm gia cầm.
Đến thời điểm này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Ðồng đã hoàn thành một chương trình hành động khẩn cấp khá cụ thể và chi tiết, nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm và ứng phó với đại dịch cúm ở người. Ðối với công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, tỉnh tập trung thực hiện các công việc: giám sát hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn và chính sách hỗ trợ đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; giáo dục, thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, giám sát dịch bệnh; kiểm soát giết mổ. Ðối với việc phòng, chống dịch cúm ở người, tỉnh cũng chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan chức năng thực hiện một loạt các thao tác cấp bách, nhằm chủ động trước các tình huống có thể xảy ra. Nguồn kinh phí trung ương và địa phương phân bổ cho các ngành chức năng thực hiện các giải pháp nêu trên vào khoảng 100 tỷ đồng...
Ngày 9-11, UBND tỉnh Lâm Ðồng cũng đã quyết định thành lập sáu đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người trên địa bàn tỉnh. Các trưởng đoàn được phân công là các ủy viên UBND tỉnh và giám đốc các sở, ngành liên quan cùng với sự tham gia của đại diện các sở NN và PTNT, Y tế, Thương mại - Du lịch, Tài nguyên - Môi trường và Công an tỉnh. Các đoàn kiểm tra đã bắt đầu vào cuộc cũng như những biện pháp cấp bách bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, nỗi lo còn nhiều!
|