Hình ảnh những bà lão, em bé nhếch nhác xin ăn trên đường phố TP.HCM đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng đằng sau những số phận cùng khổ này là gì? Các phóng viên đã lần theo dấu vết và một sự thật được phơi bày hết sức tàn nhẫn...
Những cảnh đau lòng trên phố
![]() |
Bà Bàng đang xin tiền khách đổ xăng tại cây xăng 127 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh |
Từ nhiều tháng qua, người dân khu vực cầu Đỏ, đường Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) ngạc nhiên khi tờ mờ sáng thấy trong một căn nhà trọ ven dòng kênh đen xuất hiện những đứa trẻ quần áo cáu bẩn, mũ đội lụp xụp, các cụ già tay bị tay gậy lũ lượt ra đi và đến tối mịt mới lục tục kéo về.
Có khi đi bộ, lắm lúc có xe của “người nhà” đưa rước. Họ khá đông, khoảng 30 người và đều nói giọng miền Bắc.
Một chiều mưa lất phất, chúng tôi bám theo chân hai cô bé nhỏ xíu của nhóm người cơ nhỡ này. Hai cô bé được “người nhà” đưa đến bên hông bến xe miền Đông.
Qua theo dõi nhiều ngày, chúng tôi được biết khoảng một tháng một lần, vợ Minh từ Thanh Hóa vào gặp chồng và cùng nhau đi đổi tiền. Những tờ tiền lẻ ăn xin 500đ, 1.000đ, 2.000đ được đem đổi thành tiền 50.000đ mới cứng và được xếp thành cục to tướng, sau đó chuyển về quê nhà. Có lần chúng tôi còn nghe Minh khoe với những đồng nghiệp trong khi ngà ngà say rượu: “Mỗi ngày trừ các khoản chi phí cơm nước cho khoảng 30 “nhân viên”, tao bỏ túi không dưới 1 triệu đồng”. |
Vừa đến nơi, cô bé nhỏ nhất bắt đầu quì run rẩy dưới chân cột đèn giao thông, chắp tay lạy khách qua đường mỗi khi có đèn đỏ. Quì hơn 10 phút, môi cô bé bắt đầu tím lại và người run lên. Chẳng biết vì lạnh hay do “lập trình” mà cô bé bắt đầu khóc nấc...
Cách đó không xa, cô bé nhỉnh hơn một chút cũng quì trước một quán ăn, khách ngồi trong quán ăn uống, còn bé quì ngoài mưa chắp tay lạy, những đồng tiền lần lượt được chìa ra... Từ phía xa xa, một cô gái ngồi trong quán nước quan sát nhất cử nhất động hai cô bé ăn xin.
Khi cơn mưa vừa dứt, cô gái ngoắc hai cô bé ăn xin lại, hai cô bé tự động trút ngược túi tiền vào tay “cô chủ”. Nhận tiền xong, cả ba gọi một chiếc xe ôm chở tất cả qua đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh). Đến ngã tư Ung Văn Khiêm - D2, kịch bản “cô bé quì giữa cơn mưa” lại bắt đầu...
Ngày hôm sau, cũng từ ngôi nhà trọ bên cầu Đỏ, một người đàn ông chở một bà cụ trạc 80 tuổi trên chiếc Dream Trung Quốc mang biển số 36H6-1104 chạy xuống bến xe miền Đông, rồi bất ngờ trở ngược lại hướng cầu Đỏ, đến trước Trường tiểu học Trí Đức (Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) thì tấp vào lề đường.
Bà cụ xuống xe, cặm cụi chống gậy từng bước nặng nhọc đến cây xăng 127 Nơ Trang Long ngửa nón ra xin.
Sau nhiều ngày quan sát và bám theo, chúng tôi lân la làm quen với bà cụ và các em nhỏ. Bà cụ cho biết: “Tôi tên Bàng, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà nghèo lắm, nợ nần tùm lum, có anh Minh cùng quê đưa tiền cho tôi trả nợ và bảo tôi theo anh vào miền Nam tìm việc”.
“Cụ nợ bao nhiêu?”, “500.000 đồng! Tôi muốn về lắm nhưng sợ anh Minh không cho”. Cũng như bà cụ, những đứa trẻ ăn xin chúng tôi tiếp xúc đều sợ sệt khi nhắc tới cái tên “anh Minh” hay “chú Minh”.
Đứa bé tên T. khi được hỏi đã rụt rè và trả lời trong nước mắt: “Chú Minh tới nhà đưa cho mẹ trước 500.000 đồng, rồi bảo cho con theo vào miền Nam bán vé số, nhưng vào đây con lại bị bắt đi ăn xin. Con rất muốn về nhà nhưng chú Minh không cho, bảo hợp đồng ký với mẹ con đến hết tháng tám chú Minh mới cho về...”.
D. cùng tuổi với T. nhưng đã qua tay nhiều “ông chú cùng quê ”. Em cho biết: “Ngày trước ông Thành ở Quảng Thái, Quảng Xương đưa em vào và đưa về Vũng Tàu ăn xin. Ông hứa sẽ gửi về quê cho mẹ em 400.000 đồng/tháng nhưng thật ra chẳng có đồng nào. Mấy tháng sau ông chuyển em qua ông Minh, cũng đều đi ăn xin trên đường chứ không bán vé số gì hết”.
Những kẻ “chăn dắt”
![]() |
Bà Ngọc - vợ "trùm" Minh - đang chở bà Bàng và Trung đến khu vực Bệnh viện Gia Định ăn xin trên xe mang biển số 36H6-1104 |
Để tìm hiểu “chú Minh”, chúng tôi “định cư” hẳn trong khu nhà trọ để tìm hiểu “qui luật” của những người ăn mày. Cứ vào 22g30 mỗi đêm, căn phòng trọ nhỏ bé chứa gần 30 người lại trở nên chật chội hơn với người đàn ông cao lớn khoảng 40 tuổi bắt đầu “qui trình xem xét” nguồn thu từng người một.
Đó là Minh, người “chăn dắt” bọn trẻ và bà lão từ xứ Thanh xa xôi vào đây hành nghề ăn mày! Gã và hai cô con gái bắt đầu đếm mớ tiền lẻ nhăn nhúm. Những gương mặt “cái bang” lặng lẽ ngồi nhìn.
Đếm xong, người đàn ông nhặt ra mấy đồng tiền lẻ rồi ngoắc từng đứa trẻ lại. Mỗi đứa trẻ được “thưởng” 2.000-5.000 đồng tùy theo “năng suất làm việc” trong ngày. Bọn trẻ rụt rè nhận tiền với ánh mắt đầy vẻ biết ơn, rồi nhét vào những con heo đất để trên kệ gỗ.
Còn người đàn ông mở khóa chiếc rương to và cất những xấp bạc vào trong khóa cẩn thận. Gần nửa đêm lũ trẻ và bà cụ ăn mày mới được ăn cơm.
Buổi sáng, khi những người ăn xin cất bước ra đi cũng là lúc “chú Minh” thư thả rít thuốc lào một cách sảng khoái và chốc chốc lại “alô” với chiếc điện thoại di động.
Có lần chúng tôi nghe ông ta gọi điện thoại cho ai đó ngoài Thanh Hóa: “Trong này làm ăn được lắm, kiếm thêm người vô nhé!”. Mỗi sáng, cứ 8-9g, gã đàn ông bắt đầu công việc “nội trợ” của mình: phóng Dream ra chợ, mua bó rau, mấy con cá bé tí cho đội quân ăn mày.
Nhưng với ông ta, rất nhiều buổi trưa lại tổ chức tiệc tưng bừng, chiến hữu là những người đàn ông mặt mày bặm trợn chạy xe máy hầu hết mang biển số 36 (biển số Thanh Hóa) kéo đến ăn nhậu, đánh bạc và cả đánh nhau gây huyên náo cả khu nhà trọ.
Không chỉ ông Minh “chăn dắt” ăn xin, có hàng chục người khác như Yên, Hoàng, Dân, Sáu... cũng là những “ông trùm” trong mạng lưới kinh doanh ăn mày. Mỗi “ông trùm” hùng cứ một nơi, một địa bàn nhất định ở Q.5, Q.6, Bình Dương... mà “qui luật” hoạt động không khác gì các băng nhóm xã hội đen.
Một đêm, chúng tôi chứng kiến một nhóm thanh niên mặt mày hung tợn, tay cầm mã tấu chạy xe gắn máy vào đập cửa ầm ầm căn phòng trọ của tên Minh: “Thằng Minh đâu ra đây. Sáu cầy đây. Sao mày cho lính sang làm ăn trên đất của tao? Mai mày ra đường là tao chém ngay”.
Thế nhưng sau khi dàn xếp ổn thỏa, phân chia lại địa bàn, chuyển nhượng, sang tay những người ăn mày khốn khổ là bọn họ lại tổ chức chè chén bù khú liền tù tì với rượu thịt tuôn trào như suối, sống “đế vương” bằng chính đồng tiền của “đàn cừu” mang về.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Nhân viên thu phí đỗ ôtô liên tục bị đánh (16/08/2005)
▪ Lại một quả trứng gà khác thường ở Hà Nội (16/08/2005)
▪ Tăng thuế thuốc lá, giảm 1.000 ca tử vong/năm (15/08/2005)
▪ Thực hiện công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe (16/08/2005)
▪ Quê tôi từ khi có Ðảng (16/08/2005)
▪ Miền tây Nghệ An qua lũ quét (16/08/2005)
▪ Chuyện ở thị trấn Bần (16/08/2005)
▪ Về Cách mạng Tháng Tám (16/08/2005)
▪ Chín khẩu hiệu kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (16/08/2005)