Tấc đất cắm dùi không có, chuyên đi cày thuê cuốc mướn cho điền chủ. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, "củ chuối thay cơm, rau lang thay cháo". Hàng trăm người đã rời bỏ quê hương ra Hòn Gai cuốc mỏ, hoặc vào đồn điền đất đỏ làm phu để rồi "thịt xương vùi gốc cao-su mấy tầng".
Làng quê tôi ngày ấy xơ xác tiêu điều. Nhà dột, cột xiêu lều tranh vách đất. Mỗi khi mưa gió, giông tố bão bùng, thì trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài sân. Năm 1944, phát-xít Nhật bắt người dân quê tôi nhổ lúa trồng đay. Không những thế lại còn sưu cao thuế nặng, dưới hai tầng áp bức bất công. Do đó, đã dẫn đến nạn đói Ất Dậu (1945). Những người đã sống qua hai chế độ, không thể nào quên cảnh chết đói đầy đường, những tấm thân da bọc xương, không một manh quần tấm áo che thân, nằm vắt lên nhau mà chết. Có người mẹ chết rồi, mà đứa con nhỏ vẫn còn nhai cái vú lạnh ngắt. Ðã thế lại chẳng có đất để chôn vùi, chẳng người "mạc mặt", chẳng ai "gọi hồn". Những tuần đinh ngày ấy, đã dùng thừng chão tròng vào cổ, rồi kéo xác họ, chôn trong những cái hố ven đường. Có gia đình cả năm người chết cả năm.
Và hy vọng về một cuộc sống mới đã mở ra khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời. Ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm trên quê hương tôi. Từ chi bộ Ðảng đầu tiên (1936) với số đảng viên ít ỏi, đã lãnh đạo nhân dân quê tôi xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, sau đó lan rộng ra toàn xã, bí mật rèn dao kiếm, giáo mác và luyện tập quân sự, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8-1945.
Những ngày tháng 8-1945 cả quê tôi chìm trong biển nước mênh mông, hậu quả của nạn nước lũ phá đê. Nhưng với lòng căm thù sâu sắc chế độ thực dân phong kiến, đã gây đau thương tang tóc, bất chấp đói cơm rách áo, theo Ðảng vùng lên với gậy tầm vông giáo mác, như thác đổ triều dâng, lật đổ bộ máy cai trị của bọn tay sai bán nước, giành chính quyền về tay nhân dân và tổ chức chiếm thuyền gạo của giặc Nhật và địa chủ để cứu đói dân nghèo. Ðồng thời cùng nhân dân cả nước thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu: Diệt giặc đói, giặc dốt và tiếp đó là giặc ngoại xâm. Cách mạng Tháng Tám thành công, hàng nghìn thanh niên trai tráng quê tôi đã tình nguyện gia nhập Vệ quốc đoàn để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quê tôi đã làm trọn nghĩa vụ với Tổ quốc là thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.
Ngày hòa bình lập lại quê tôi đã có gần 500 người hy sinh tại khắp các chiến trường và 150 người con đã để lại một phần cơ thể ở nơi đó, 20 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhờ có Ðảng và Bác Hồ chỉ lối đưa đường, trong hơn nửa thế kỷ qua, quê tôi ngày một thay da đổi thịt. Hình ảnh xã An Vệ tổng Quỳnh Côi nghèo đói khi xưa, đã lui về quá khứ. Vì ở tất cả 11 thôn làng thuộc hai xã Quỳnh Hải và Quỳnh Hội ngày nay nhà nào cũng no cơm, ấm áo, con cái được học hành, xã nào cũng có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học cao tầng cùng những ngôi nhà bê-tông kiên cố.
Những con đường bê-tông, láng nhựa và những con đường lát gạch xi-măng trải dài khắp đường thôn, ngõ xóm. Ðiện lung linh tỏa sáng vùng quê, con em nhân dân từ tuổi ấu thơ đến tuổi thiếu niên, nhi đồng đều tung tăng cắp sách đến trường. Ở hầu hết khắp các làng xóm, đều có các nghề thủ công như mây tre đan xuất khẩu, thêu ren, móc sợi, mộc, nề... tạo việc làm cho người lao động khi nông nhàn.
Hàng trăm trang trại, gia trại được mọc lên để nuôi gia cầm, gia súc và cá nước ngọt. Năng suất lúa mỗi năm một tăng, từ 5 tấn/ha, nay đã đạt 15 tấn/ha, và có nhiều cánh đồng đạt giá trị kinh tế từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Ðời sống kinh tế ngày càng tăng trưởng đã thúc đẩy đời sống tinh thần ngày một nâng cao. Bình quân 1,5 gia đình có một máy thu hình. Số hộ giàu có ngày càng tăng nhanh, hộ nghèo ngày càng giảm, không còn hộ đói.
Hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" ngày càng hiếm thấy khi người nông dân đã mua sắm được máy cày tay, máy lồng, máy đánh rạch, đánh luống, nên buổi sáng vừa gặt xong, buổi chiều đã có thể làm đất để gieo trồng vụ mới. Người không phải chờ ruộng nên đã cày cấy kịp thời vụ để tạo ra năng suất cao.
Có thể nói còn nhiều và rất nhiều điều đáng nói về sự thay đổi trên quê hương tôi. Những người già đã từng chịu cảnh "một cổ đôi tròng" dưới chế độ hà khắc của thực dân phong kiến, thường ngày vẫn kể cho con, cháu nghe về sự đổi thay ở quê mình so với 60 năm về trước. Giờ đây, mơ ước về một cuộc sống ấm no, đã trở thành hiện thực.
Hoàng Nam Việt (Quỳnh Phụ, Thái Bình)
|