Chuyện ở thị trấn Bần
Các Website khác - 16/08/2005
Cuộc sống của người dân thị trấn Bần Yên Nhân đang bước sang trang mới. Thị trấn sầm uất, nổi tiếng với nghề làm tương nay được quy hoạch mở rộng thành thị xã, nhiều nhà máy, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, trong nước chen nhau dừng chân trên địa bàn, duy chỉ có chiếc lô cốt bên đường như vẫn nhắc về một thời kỳ chiến tranh.
Ông Ðặng Văn Tọa, năm nay 83 tuổi, một trong những người từng tham gia trận đánh năm đó kể lại: Lúc đó ở Hà Nội, Nhật đã đảo chính Pháp, nhưng đồn Bần vẫn do quân Pháp chiếm giữ. Biết rõ tình hình địch đang hoang mang, dao động, nên Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định đánh ngay đồn Bần. Ðêm 12-3-1945, lực lượng của ta đóng giả làm quân Nhật, đi đầu là hai đồng chí mặc quần áo của quân Nhật, các đồng chí đi sau đóng giả là Ðại Việt (một đảng do quân Nhật dựng lên lúc bấy giờ), tiến thẳng vào cửa đồn. Ðược nhân mối mở cổng đồn, quân ta tiến thẳng vào trong, vừa hô lớn: Ðầu hàng thì sống! Quân Pháp hoang mang, bạc nhược, nên không chống cự và ngoan ngoãn giao nộp súng. Quân ta thu được 26 khẩu súng và năm hòm đạn rồi rút khỏi đồn trước khi quân Nhật kéo đến ngay sau đó.

Trận đánh đồn Bần là một trận đánh hay, biết tận dụng thời cơ, mạnh dạn sử dụng lực lượng tự vệ non trẻ tại chỗ, sử dụng cách đánh mưu mẹo và hợp lý, sử dụng nhân mối, khéo nghi binh, bất ngờ áp đảo địch, ta không bị thương vong. Trận thắng ở đồn Bần đã thổi bùng lên cao trào chống Nhật. Cả tỉnh bước vào tiền khởi nghĩa. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn thị trấn Bần Yên Nhân có diễn ra nhiều trận đánh quan trọng và ác liệt khác nữa.

Ở tuổi 83 nhưng ông Tọa vẫn còn khá minh mẫn. Ông bảo: Cách mạng Tháng Tám thật kỳ diệu! Mới đó mà đã 60 năm, nghĩ lại cảnh người người chết đói, kiếp sống nô lệ, lầm than, tôi cảm tưởng hôm nay là một cuộc đời khác của mình và hàng triệu người khác. Trước năm 1945, cả làng này chỉ có bốn người biết chữ, ai dám mơ tới viễn cảnh như hôm nay, chỉ riêng mình tôi thôi đã có năm đứa cháu nội ngoại có bằng đại học.

Với vị trí thuận lợi nằm trên trục quốc lộ số 5, nên không chỉ trong chiến tranh, mà ngay cả trong hòa bình, thị trấn Bần Yên Nhân luôn là một vị trí quan trọng cho phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở kinh tế trên địa bàn, anh cán bộ UBND thị trấn có tên là Tuấn vừa vui vẻ, tự hào nói về thị trấn của mình như vậy. Quả không sai, ai ai đi trên quốc lộ số 5 đoạn qua thị trấn Bần Yên Nhân hôm nay đều nhận thấy thật sầm uất. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chen chân nhau mọc lên trên địa bàn thị trấn. Giờ tan tầm, nườm nượp người xe từ các nhà máy tỏa về các khu dân cư. Toàn thị trấn hiện có 31 dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó có chín dự án đã đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động là con em địa phương. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị trấn như: mộc, cơ khí... cũng phát triển hết sức mạnh mẽ. Năm 2004, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thị trấn đạt 34,4 tỷ đồng, chiếm 43% tổng giá trị thu nhập của thị trấn. Riêng nghề truyền thống sản xuất Tương Bần có 25 hộ tham gia, hằng năm xuất ra thị trường gần hai triệu lít tương, tạo giá trị thu nhập gần 10 tỷ đồng. Bác Ngô Xuân Triệu, chủ cơ sở sản xuất tương Triệu Sơn, một trong những cơ sở sản xuất tương lớn và lâu năm ở đây kể cho chúng tôi nghe về quy trình để làm nước chấm đặc sản thật cầu kỳ, với nhiều bí quyết, kinh nghiệm nhà nghề. Bác Triệu khoe sản phẩm Tương Bần đang được làm các hồ sơ, thủ tục để đăng ký thương hiệu. Có thương hiệu rồi, sản phẩm của chúng tôi sẽ có điều kiện vươn đến các thị trường trong nước và ngoài nước, chứ hiện nay cũng có Tương Bần xuất khẩu, nhưng là phải xuất ủy thác.

Về thương mại, dịch vụ, với lợi thế của hai phố, Bần và phố Nối cùng với chợ Bần và sự gia tăng dân số cơ học do lao động các địa phương vào các doanh nghiệp đã tạo môi trường thuận lợi cho các ngành dịch vụ phát triển. Toàn thị trấn có hơn 400 hộ tham gia kinh doanh các ngành dịch vụ, tạo ra giá trị thu nhập năm 2004 đạt 28,9 tỷ đồng bằng 35% tổng giá trị thu nhập của thị trấn.

Theo báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ thị trấn lần thứ 23 vừa diễn ra, trong năm năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị trấn đạt 17,6%/năm, tăng 6,6% so với mức tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm trước đó. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn tăng từ 386 USD năm 2000 lên 650 USD năm 2004. Cơ cấu kinh tế của thị trấn có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 60% năm 1999 xuống còn 22% năm 2004.

Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Văn Khải cho biết: Khu đô thị mới phố Nối với diện tích hơn 300 ha đã được quy hoạch, chúng tôi đang tích cực phối hợp các cấp, các ngành xúc tiến việc giải phóng mặt bằng để đến năm 2008 khu đô thị mới sẽ được hoàn thành. Từng ngày, từng giờ, thị trấn vươn mình lớn mạnh để trở thành một thị xã công nghiệp và dịch vụ. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu để thực hiện bằng được lời dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi về thăm quê hương là làm sao để tên "Bần nhưng không bần".

Nguyễn Thế Ðắc và Quốc Việt