Chuyến thăm VN của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với quan hệ hai nước, đặc biệt là việc ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985. Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn nhằm làm rõ hơn về nội dung cũng như ý nghĩa của Hiệp ước này.
VietNamNet xin đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn này để quý vị độc giả cùng tham khảo.
>>VN - Campuchia ký hiệp ước bổ sung về biên giới
Còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết
- Thưa Thứ trưởng, hai nước đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985. Vậy tại sao đến nay hai nước lại ký Hiệp ước bổ sung?
- Quá trình giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia là một chặng đường dài. Trong lịch sử, Việt Nam và Campuchia chưa từng có biên giới. Khi Pháp chiếm Đông Dương, họ đã lập ra một bản đồ biên giới giữa hai nước có tên là bản đồ Bonne. Hiến pháp Campuchia cũng tuyên bố lãnh thổ Campuchia là theo bản đồ Bonne. Trong những năm 1980, chúng ta có tiến hành thương lượng với Campuchia về vấn đề biên giới, tập trung vào biên giới trên bộ, còn biên giới trên biển và những vùng nước lịch sử thì chưa bàn đến. Đến năm 1985, Hiệp định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã được ký kết.
Trong thời gian đó, ta và nước bạn Campuchia tiến hành đàm phán trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, với mục tiêu là xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, tạo thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Tuy nhiên, trong Hiệp ước đó có những vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, ví dụ như các mảnh bản đồ khi khớp với nhau lại bị lệch, hoặc là trong bản đồ Bonne có những đoạn biên giới chưa được vẽ. Đầu những năm 1980, VN và Campuchia đã nhất trí kết hợp sử dụng bản đồ Bonne của Pháp và bản đồ UTM cuả Mỹ, chỗ nào mà không rõ trên bản đồ Bonne thì dùng bản đồ UTM, chỗ nào trên bản đồ UTM không rõ thì dùng bản đồ Bonne. Mặc dù vậy, có rất nhiều điểm biên giới chưa được phân giới rõ ràng. Do vậy, nhu cầu điều chỉnh lại biên giới là rất cần thiết.
Trong thời gian qua, VN và Campuchia đã trao đổi rất nhiều để điều chỉnh lại biên giới cho hợp lý và kết quả những cuộc đàm phán đó đưa đến việc chúng ta ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước biên giới năm 1985. Hiệp ước bổ sung này nhằm chỉnh sửa những điểm mà hai bên thấy bất hợp lý và thống nhất phương án chỉnh sửa bao gồm cả trên đất liền và trên sông suối.
Trên cơ sở kết hợp giữa những điều chỉnh hiện nay, quản lý biên giới hiện tại cũng như những văn bản ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước như Tuyên bố của hai Thủ tướng năm 1995 để điều chỉnh biên giới cho hợp lý. Hiệp ước bổ sung này là sự cần thiết, khẳng định giá trị pháp lý của những hiệp ước đã ký trước, đồng thời một bước triển khai chủ trương của hai nước là xây dựng một đường biên giới rõ ràng, hoà bình, hữu nghị và tồn tại vĩnh viễn.
Những điểm chưa hợp lý trong biên giới Việt Nam - Campuchia
- Xin Thứ trường nói rõ hơn về những điều chưa hợp lý trong đường biên giới giữa hai nước?
Theo thống kê của chúng tôi thì có khoảng gần 30 điểm chưa hợp lý hoặc chưa chuẩn xác. Theo thông lệ, việc phân định biên giới trên sông suối có những nguyên tắc nhất định. Những đoạn sông suối nào tàu thuyền đi lại được thì đường biên giới sẽ nằm theo luồng chính của tàu thuyền. Những đoạn sông suối nào mà tàu thuyền không đi lại được thì người ta phân định đường biên giới theo rãnh sâu, theo dòng chảy chính.
Nhưng đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia theo bản đồ của Pháp, bản đồ của Mỹ lại có nhiều đoạn sông suối đi bên bờ VN hoặc đi bên bờ Campuchia. Do vậy, cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp, thuận tiện cho việc quản lý. Đồng thời, cũng thuận tiện cho việc sinh hoạt, sản xuất của cư dân ở hai vùng biên.
Tôi cũng nói thêm để các bạn hiểu là nếu như một đoạn sông suối mà đường biên giới chạy bên bờ của một bên thì cư dân bờ bên này muốn uống nước lại phải xin bờ bên kia.
Hơn nữa, có nhiều đoạn, nhiều điểm trên biên giới mà bản đồ Bonne hay bản đồ UTM đã bỏ sót. Trong những năm 1950, kỹ thuật vẽ bản đồ chưa phải là cao lắm. Bản đồ của Pháp trong thời gian đó chủ yếu là để xác định khung quản lý về hành chính chứ không phải là đường biên giới quốc gia vì khi đó, toàn bộ bán đảo Đông Dương thuộc Pháp. Còn bản đồ UTM của Mỹ chủ yếu phục vụ cho các hoạt động quân sự trong thời gian Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam.
Cho nên, cả hai bản đồ này đều vẽ không kỹ và không thật chính xác đường biên giới VN và Campuchia, mặc dù Việt Nam và Campuchia đều lấy đường biên giới trên bản đồ Bonne để xác định đường biên giới giữa hai quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải làm chuẩn xác lại cho đúng với thực tế quản lý và địa hình cũng như cuộc sống nhân dân vùng biên. Biên giới càng rõ ràng thì hợp tác càng hiệu quả.
![]() |
Thủ tướng Hunsen (trái) và Thủ tướng Phan Văn Khải trong lễ ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước phân định biên giới VN-Campuchia năm 1985 |
- Những nội dung cơ bản nhất của Hiệp ước bổ sung này là gì, thưa Thứ trưởng?
- Trước hết là chúng ta chỉnh sửa các điểm còn sai lệch hoặc chưa chuẩn xác. Hai là, chúng ta định hướng cho việc phân giới, cắm mốc trong thời gian tới. Thứ ba là nêu một số nguyên tắc để tiến hành quản lý biên giới.
Về vấn đề chỉnh sửa các điểm chưa chuẩn xác, trong Hiệp ước bổ sung này, VN và Campuchia đã đồng ý giải quyết, xử lý 6 điểm chưa chuẩn xác. Ở đây, cũng khẳng định một điều: 6 điểm này là điều chỉnh biên giới cho hợp lý chứ không phải cắt đất của bên này nhường cho bên kia vì vấn đề lãnh thổ, vấn đề biên giới là vấn đề thiêng liêng, không thể cắt được. Bản đồ chưa chuẩn xác thì chúng ta phải thì chúng ta phải sửa lại cho chuẩn xác, đúng với thực tế.
Thứ hai, hai bên nhất trí chỉnh sửa đường biên sông suối, chỗ nào chạy bên bờ bên này bên kia thì chúng ta chủ trương chỉnh sửa.
Điểm thứ ba rất quan trọng là hai bên thoả thuận sẽ tiến hành phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa VN và Campuchia, cố gắng hoàn thành trước tháng 12/2008. Và cuối cùng, nếu như còn điểm gì hai bên chưa thoả thuận được thì hai bên tiếp tục đàm phán, thương lượng để tìm được giải pháp thoả đáng, có lợi cho cả hai bên trên cơ sở công bằng, tôn trọng lẫn nhau.
- Vậy việc ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới VN - Campuchia năm 1985 này mở ra triển vọng gì để hai bên giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền?
- Trước hết, Hiệp ước phải có hiệu lực thì mới thực hiện được. Muốn thế Hiệp ước này phải được Quốc hội hai nước phê chuẩn. Việc ký Hiệp ước này đã khẳng định giá trị pháp lý, tính bền vững của các hiệp định, hiệp ước chúng ta đã ký với Campuchia trong những năm đầu 1980. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn để cho hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc, tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng đường biên giới hoà bình, ồn định, hữu nghị để hợp tác, phát triển.
Hơn nữa, chúng ta thu hẹp được rất nhiều những khác biệt giữa hai nước về vấn đề biên giới. Điều này thuận cho việc xây dựng, quản lý vùng biên của cả hai bên. Và cuối cùng, Hiệp ước đã giúp cho nhân dân Campuchia và VN hiểu rõ sự quan tâm, chỉ đạo của chính phủ hai nước trong việc hoạch định biên giới và động viên nhân tài vật lực của cả hai nước nhằm xây dựng đường biên lâu dài.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen và triển vọng hợp tác của hai bên?
- Đây là một chuyến đi hết sức quan trọng. Ngoài hội đàm, gặp gỡ của Thủ tướng Hunsen với các lãnh đạo cao cấp của VN, hai bên cũng đã ký kết 8 văn kiện. Điều này khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa VN và Campuchia. Đây cũng là một bước triển khai, thực hiện khuôn khổ quan hệ mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Quốc vương Campuchia Sihamoni ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Campuchia tháng 3/2005, tạo dựng khuôn khổ quan hệ 16 chữ, trong đó mục tiêu là hợp tác, hữu nghị, vì sự phồn vinh của cả hai nước.
Chuyến đi đã khẳng định rõ nhu cầu tất yếu trong việc không ngừng vun đắp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia. Một kết quả mà chúng tôi thấy rất rõ là hai bên đã khẳng định lại cơ chế hợp tác giữa các địa phương trên biên giới.
Điều này vừa thúc đẩy mối giao lưu, tình hữu nghị của nhân dân vùng biên giới vừa thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương biên giới của hai nước, giúp giải quyết vấn đề nảy sinh trên biên giới mà không cần nhờ đến trung ương giải quyết. Quan trọng hơn là quan hệ hai nước muốn phát triển được và phát triển nhanh, lành mạnh thì một trong những yếu tố quan trọng là các địa phương biên giới phải hợp tác hữu nghị với nhau. Đây có thể nói là vì lợi ích của khu vực biên giới, nhưng rộng lớn hơn là vì lợi ích lâu dài của hai nước.
Có thể thấy, chuyến đi này mở ra triển vọng rất tốt đẹp cho quan hệ hai nước, bởi lẽ lãnh đạo hai nước, chính phủ hai nước đều thấy rất rõ hai nước không thể không hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc phát triển của mình. Hai nước đều nhận thấy các lực lượng chống đối muốn sử dụng lãnh thổ của bên này hoặc bên kia để chống phá quan hệ hai nước hoặc chống phá an ninh, ổn định chính trị của Campuchia hoặc Việt Nam, nên cần phải phối hợp để xử lý. Chỉ có làm như vậy mới tăng được đoàn kết, tăng hiểu biết và mới có thể giúp nhau cùng hợp tác và phát triển.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Ngân Phương - Hồ Vân (Tuần báo Quốc tế)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Tổ chức Tháng đoàn kết vì người nghèo (14/10/2005)
▪ Giới khoa học kêu gọi sản xuất thêm thuốc mới chống cúm gia cầm (17/10/2005)
▪ Nuôi gấu trong nhà - Hiểm họa thường trực (17/10/2005)
▪ Cắt khoản tiền trợ cấp khi giáo viên chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn là không hợp lý (17/10/2005)
▪ Tình trạng người lang thang xin ăn vẫn tiếp diễn (17/10/2005)
▪ Cần khai thác đúng chức năng Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (17/10/2005)
▪ Nét độc đáo của cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine (17/10/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam (17/10/2005)
▪ Quyền lực phát sinh (17/10/2005)