Quyền lực phát sinh
Các Website khác - 17/10/2005

Quyền lực phát sinh
Lê Thanh Phong


Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị về vấn đề cấp phép kinh doanh vào ngày 14.10. Tại hội nghị này, các đại biểu nhận được thông tin rất đáng lo ngại, rằng có trên 300 loại giấy phép con thuộc 22 ngành nghề.

Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định bãi bỏ giấy phép con, nhưng nay điểm lại, không giảm đi, mà còn tăng thêm hơn 100 giấy nữa. Nói tóm lại, các bộ, ngành vỡ kế hoạch trong việc sinh con có tên chung là "giấy phép". Nó như một thứ "quyền lực phát sinh" song song với sự vận hành của bộ máy công quyền.

Nạn lạm phát giấy phép con này tác động xấu đến đời sống xã hội. Ở địa phương nào, người dân càng thiếu hiểu biết về pháp luật, thì ở đó càng bị nhiều loại giấy tờ gây phiền hà. Người dân, doanh nghiệp phải chi tiền bạc, vật chất để chu cấp cho các "ông con" giấy tờ này.

Thêm nữa, Nhà nước cũng phải chi ngân sách, thời gian cho các hoạt động, in ấn, phát hành giấy phép. Chúng lớn lên, sinh sôi, trở thành một "đội quân văn bản" đủ sức cản ngăn sự phát triển, đủ lực để hành dân và làm nghèo đất nước.

Điển hình nhất, các cơ chế hành chính, thủ tục, giấy phép con thuộc loại "quyền lực phát sinh" buộc đối tượng điều chỉnh hoặc tiếp nhận phải phụ thuộc, phải bỏ tiền chung chi, dần trở thành tệ nạn. Tệ nạn hành chính này làm giảm đi hình ảnh một VN năng động trên trường quốc tế, làm vẩn đục môi trường đầu tư.

Có một nguyên tắc căn bản và văn minh của nhà nước pháp quyền là những gì pháp luật không cấm thì mỗi cá nhân công dân, tổ chức được quyền làm. Nhưng thứ quyền lực của giấy phép con lại ngăn cản quyền tự do hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp trong khuôn khổ của pháp luật.

Nhận thấy mối nguy hiểm đó, Chính phủ đã chỉ đạo dẹp bỏ, nhưng giấy phép con ngày càng nhiều, chứng tỏ phép nước chưa được áp dụng, chưa nghiêm khắc. Để "kế hoạch hoá" việc đẻ ra loại "quyền lực phát sinh" này, biện pháp sắp tới là thành lập một hội đồng trực thuộc Chính phủ, xử lý việc ban hành các giấy phép con, thẩm định trước các loại giấy phép trước khi được ban hành.

Được như vậy quả đáng mừng, nhưng vấn đề quan trọng phải đặt ra là ngoài việc xử lý, bãi bỏ, cần phải có biện pháp xử phạt những cá nhân, cơ quan sinh ra giấy phép con "ngoài kế hoạch".