Đó là bốn đề án: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán PNTE (do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì); Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em (do Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì); Tiếp nhận và hỗ trợ những PNTE là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì); và Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán PNTE (do Bộ Tư pháp chủ trì).
Thông qua việc thực hiện các đề án nói trên, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010 phấn đấu đạt được những mục tiêu cụ thể như: bình quân mỗi năm tăng 10% số phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi, trẻ em gái vị thành niên và gia đình được tuyên truyền để nhận biết thủ đoạn, hậu quả, cách phòng, chống buôn bán PNTE. Từ năm 2005 – 2007, làm giảm 20% tội phạm buôn bán PNTE tại các địa bàn trọng điểm; và đến năm 2010 làm giảm trên 50% tội phạm buôn bán PNTE trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ PNTE là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về được hỗ trợ hoà nhập cộng đồng đạt 70% vào năm 2007 và 90% vào năm 2010.
Theo số liệu của Bộ Công an, đến nay đã có hàng chục nghìn PNTE Việt Nam bị buôn bán để làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, bóc lột lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác.
Theo ước tính, đến năm 2005, số PNTE là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về trong những năm qua là khoảng 10.000 người; và từ năm 2006 đến năm 2010, con số trở về mỗi năm khoảng 1.000 người.
Thế nhưng, con số này mới chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với số PNTE bị buôn bán. Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên, tại một số địa phương, số PNTE là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về mới chiếm 7,9% tổng số nạn nhân.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy, hầu hết nạn nhân tự giải thoát trở về; một số khác được phía bạn trả về qua con đường chính thức; và một số ít do bọn tội phạm buôn người bị tố giác, phát hiện nên chúng buộc phải thả các nạn nhân và cho về. Phần lớn các nạn nhân trở về với hai bàn tay trắng, sức khoẻ bị suy giảm, bị mắc các bệnh xã hội.
Trên thực tế, các nạn nhân trở về được các đơn vị Bộ đội Biên phòng chủ động hỗ trợ tiền ăn ở, lưu trú tạm thời tại cửa khẩu, tàu xe trở về địa phương; và được địa phương tạo điều kiện làm chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu, hỗ trợ làm nhà ở, hoặc tín chấp cho vay vốn. Tuy nhiên, do việc tiếp nhận nạn nhân chủ yếu dưới hình thức không chính thức, cho nên mới chỉ có một tỷ lệ rất thấp nạn nhân trở về nhận được sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ PNTE bị buôn bán trở về còn bị nhiều địa phương xem nhẹ, coi đó như việc của cá nhân, của gia đình nạn nhân, mà chưa thấy hết trách nhiệm của cộng đồng.
Các khảo sát cho thấy, đối tượng dễ bị buôn bán chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 35, và trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Các đối tượng này thường sống ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ văn hoá thấp, nhận thức xã hội hạn chế. PNTE ở các tỉnh phía Bắc thường bị bán sang Trung Quốc; PNTE ở các tỉnh phía Nam chủ yếu bị đưa sang Campuchia. Một số PNTE khác còn bị lừa bán cho người nước ngoài thông qua môi giới hôn nhân, nhận làm con nuôi.
Ở nước ngoài, do tình trạng nhập cư trái phép, các nạn nhân phải sống lén lút, mất quyền tự do, nhân phẩm bị chà đạp.
Mặc dù không có một đạo luật riêng về chống buôn bán phụ nữ và trẻ em nhưng nhiều văn bản pháp luật của chúng ta đã hàm chứa các quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, trước diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng của loại tội phạm buôn bán PNTE, hệ thống văn bản pháp luật đã bộc lộ một số bất cập, làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng, chống loại tội phạm này.
|