Dự báo mùa đông năm nay: lạnh nhất trong 30 năm qua
Các Website khác - 05/12/2005
Thời tiết lạnh làm số trẻ em
nhập viện tăng cao.
Mùa đông năm nay miền bắc được dự báo lạnh giá hơn so với trung bình nhiều năm và các bác sĩ cảnh báo nguy cơ bệnh tật có thể trầm trọng thêm bởi dịch cúm gia cầm.
Miền bắc lạnh và thiếu mưa

Bằng chứng đầu tiên của mùa đông giá lạnh năm nay là, sau đợt gió mùa kéo dài bất thường cuối tháng 11, đợt gió mùa hiện nay dài không kém và có thể lạnh hơn. Đáng chú ý, gió lạnh tràn vào hầu hết lãnh thổ nước ta vốn trải dài trên vĩ độ rộng.

Sau khi tăng cường mạnh vào đêm mùng 3, ngày mùng 4-12, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, lưỡi cao lạnh có cường độ mạnh còn tăng cường thêm trong 6, 7 ngày tới.

Các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nằm sâu trong lưỡi cao lạnh này sẽ rét đến hết tuần. Các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa.

Trong dài hạn, cho cả khoảng thời gian còn lại của mùa đông năm nay đáng lo ngại là nền nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Hai khu vực này có nhiệt độ phổ biến ở mức thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nói cách khác, mùa đông năm nay được dự đoán rét hơn so với mức trung bình trong vòng 30 năm qua.

Về mưa, Nam Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, Trung và Nam Trung Bộ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, và Bắc Trung Bộ có lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng vùng Bắc Bộ lại có lượng mưa phổ biến xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm.

Như vậy, bất chấp xu thế khí hậu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ba tháng tới được dự báo vẫn ở trạng thái trung gian là chính, mùa khô năm nay, khu vực phía Bắc nước ta vẫn có diễn biến bất thường dù không phải nhiều. Đó là trời lạnh hơn và ít mưa hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ có khả năng hụt chuẩn từ 0 - 1oC từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

Bệnh tật đe dọa nhiều hơn

Đông về, theo các chuyên gia đông y, cả khí và huyết đều có nguy cơ tổn thương, nhất là với người cao tuổi và trẻ em, những người mẫn cảm với thời tiết và người có tâm lý không ổn định.

Rét và rét kéo dài dễ khiến các bệnh viêm đường hô hấp, tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi diễn tiến nặng và nhanh. Không chữa trị kịp thời, có thể bị áp xe phổi.

Nguy cơ bệnh tật tấn công nhiều nhất những ngày đông giá lại rơi vào các đô thị lớn.

Mấy ngày qua, các bệnh viện đều ghi nhận hiện tượng gia tăng bệnh nhân viêm phổi, bệnh đặc trưng của mùa lạnh và ô nhiễm không khí. Viện Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, mặc dù cảnh báo nhiều, vẫn nhận nhiều ca nghi nhiễm virus H5N1 mà cuối cùng lại không phải. Một số bệnh nhân có biểu hiện tiến triển nhanh, chỉ từ sáng đến chiều phổi đã bị tổn thương nặng, dù không có sự “can thiệp” của virus H5N1.

Dấu hiệu khác của mùa đông khắc nghiệt bị ám ảnh bởi virus H5N1 là nhiều người bỗng tìm cách đi tiêm phòng cúm. PGS.TS Ngô Quý Châu - Trưởng khoa Hô hấp BV Bạch Mai - cũng khuyên nên tiêm vaccine phòng cúm, nhất là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim, tiểu đường, gan hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.

Một quan chức ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) thừa nhận tuần này NIHE hầu như cạn kho vaccine cúm. Đơn đặt hàng của NIHE mua 10.000 liều vaccine trong tháng 11/2005 chưa được thực hiện. Nguyên nhân chính là do nhà cung cấp và là nhà sản xuất Aventis Pasteur không đủ hàng phân phối khi đông về.

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần...

Mùa đông lạnh hơn, cơ hội kinh doanh cho các hàng quần áo rét.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tập thể dục đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt chú ý đến những người có cơ địa nhạy cảm với virus. Chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn nhiều rau, trái cây nhằm bổ sung vitamin nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, nhất là khi ngủ.

Phòng bệnh mũi họng bằng thuốc xịt mũi hằng ngày. Tăng cường ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên, sử dụng các loại thuốc sát khuẩn mũi, họng.

Tránh ra ngoài ban đêm, nhất là những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí. Với trẻ em, chú ý tiêm phòng hô hấp như tiêm phòng cúm, viêm phổi, tiêm phòng phổi phế cầu hàng năm.

Tóm lại, như lời dạy của đại danh y Tuệ Tĩnh, đối phó với thất thường thời tiết, chỉ cần luôn chú ý “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.

Chống lại mùa đông bằng đôi chân
Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân. Tác động tích cực lên bàn chân có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân và ngược lại.

Theo đông y, bàn chân có nhiều đường kinh ba âm ba dương, có các mạch xung và mạch kiểu chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho toàn cơ thể.

Chân ở dưới cùng hệ tuần hoàn, nằm xa tim, máu chảy ngược lên khiến dinh dưỡng cho chân có phần khó khăn hơn so với các bộ phận khác. Trong điều kiện nóng lạnh thất thường của miền Bắc, chân càng dễ bị thương tổn hơn.

Có mấy cách “dinh dưỡng” cho chân như luyện đi chân đất (không guốc, dép). Mùa đông, nếu chưa quen, có thể đeo tất. Ra ngoài sân tản bộ mỗi ngày 2 lần sáng và tối, mỗi lần một tiếng.

Tập đi trên nền cát, sỏi, đá, để các huyệt vị được kích thích thông qua hệ thống dày đặc các đầu mút thần kinh với 62 khu phản xạ thần kinh lên não.

Nếu có điều kiện, ngâm rửa chân hàng ngày vào buổi tối và kéo dài khoảng nửa tiếng trước khi đi ngủ bằng nước ấm, kèm thêm lá thơm càng tốt, rồi giảm dần nhiệt độ. Hoặc xen kẽ nóng lạnh trong hai chậu nước riêng biệt.

Các cụ nói “Sau ăn ba trăm bước- Trước ngủ một chậu ngâm chân” là thế. Kết hợp với liệu pháp tâm sinh lý, bình tâm, thảnh thơi, ngâm chân càng có hiệu quả.

Đương nhiên, nếu là trẻ em, chỉ cần rửa chân nhanh. Với bệnh nhân viêm nhiễm cấp, xuất huyết, cũng không nên ngâm chân. “Người già chân già trước”. Với quan niệm ấy, đông y đưa ra nguyên tắc chống lão suy rất hiệu quả từ đôi chân.

Nếu có điều kiện, cũng có thể kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi tháng một lần qua gan bàn chân. Châm một điếu ngải và để đầu cháy cách huyệt Dũng Tuyền 0,5-1 cm. Sau 10-30 giây, nếu cảm thấy nóng ở chân, sức khoẻ coi như bình thường. Thời gian để cảm giác chân nóng lên càng lâu, càng cho thấy nội tạng bị suy nhược hoặc đang mắc bệnh trọng.


Theo Tiền phong