“Sứ giả” văn hóa ẩm thực Việt Nam
Các Website khác - 05/12/2005
Hà Mai (bìa trái) đang
phục vụ món ăn cho thực
khách tại nhà hàng Mai
Là một bà chủ nhà hàng Việt thành đạt ở Singapore, cộng tác với truyền hình Singapore trong chương trình dạy nấu ăn, Hà Tuyết Mai được biết đến như là một sứ giả của ẩm thực Việt Nam.
Sang Singapore được hai ngày, tôi bỗng thấy nhớ món ăn quê nhà da diết. Dạo khắp khu China Town, quanh đi quẩn lại chỉ mấy món ăn rặt Tàu. Đâu rồi những canh chua, cá kho tộ, dưa cà muối, bún bò...? Ngồi nhai trệu trạo cái bánh bao trước khu thương mại People’s Park, bỗng nhận được tin nhắn của một người bạn ở Everton: “Muốn ăn món Việt, sao không tới Dhoby Ghaut, tìm quán Mai?”

Từ China Town, 15 phút đi bằng MRT (Mass Rapid Transportation, một loại phương tiện vận chuyển nhanh như tàu điện ngầm metro) là tới Dhoby Ghaut. Đêm, Dhoby Ghaut hiện ra lung linh, tráng lệ. Cái vẻ sầm uất, náo nhiệt của ban ngày trên khu phố này chợt biến mất khi màn đêm xuống, hòa vào không gian thanh bình của xứ sở Simhapura. Thật bất ngờ, giữa hàng trăm ánh đèn hắt ra từ các dãy nhà trên đại lộ Orchard, lại thấy thấp thoáng tà áo dài Việt Nam. Tôi nện gót giày trên những phiến đá xanh mòn nhẵn, nhắm bóng áo dài ấy mà bước theo... Bên dưới một bóng dừa, hiện ra một bảng hiệu với cái tên rất Việt Nam – Mai. Nhà hàng Mai đây rồi! Một không gian ẩm thực thuần Việt thật đầm ấm, gần gũi...

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Mai là nhà hàng món ăn Việt lớn nhất Dhoby Ghaut, thậm chí lớn nhất Singapore cho đến thời điểm này. Đối với những lưu dân người Việt đang sống trên đảo quốc Sư tử, hầu như ai cũng biết đến nhà hàng Mai. Mai được biết đến nhiều bởi không chỉ là nơi giữ gìn, tôn vinh giá trị món ăn Việt, mà ở đó còn có cô chủ quán tên Hà Tuyết Mai xinh đẹp, giỏi giang, được gọi bằng cái tên thân mật: Hà Mai.

Hà Mai quê Thái Bình, vào TPHCM từ nhỏ. Năm 1991, Mai lấy chồng người Singapore rồi theo chồng về nước. Những ngày đầu ở quê chồng, ăn món Singapore không được, lang thang khắp phố tìm không ra món ăn quê nhà, Mai nghĩ: Tại sao không gầy dựng một quán bán món ăn Việt tại Singapore, nơi có rất đông người Việt Nam sinh sống?

Mai bắt đầu giai đoạn khởi nghiệp bằng những ngày rảo khắp nơi để học hỏi cách mở nhà hàng, cách chọn nguyên liệu và đặc biệt là cách nấu thức ăn. Chưa đủ, Mai về Việt Nam, đăng ký học nấu ăn tại Trường Nghiệp vụ Du lịch và sau đó thực tập ở các khách sạn lớn như Rex, Continental... Chỉ một thời gian ngắn sau, nhà hàng Mai ra đời.

“Sứ giả” tài năng

Hơn 14 năm sống ở Singapore, với vốn liếng 200.000 đô la Singapore bỏ ra ban đầu, Hà Mai nay đã trở thành một bà chủ nhà hàng ăn nên làm ra, nói tiếng Hoa như gió và giọng phát âm tiếng Anh cũng rất chuẩn. Mỗi ngày, Mai đều biểu diễn cách chế biến món ăn Việt Nam trước hàng trăm thực khách. “Lai lịch” của những bì cuốn, bánh xèo, phở, chạo tôm, bún bò... được Mai giới thiệu rành rẽ, hấp dẫn, đặc biệt những món ăn ấy, qua đôi bàn tay của cô chủ quán trẻ, xinh đẹp, đã hút hồn thực khách tứ phương. Một lần, ghé quán Mai, được xem và thưởng thức món ăn Việt tại đây, người phụ trách kênh 8 và kênh U của Đài Truyền hình Singapore đã mời Hà Mai dạy nấu ăn bằng tiếng Hoa trên tivi cho nhà đài. Đài radio FM 93.5 của Singapore cũng tìm đến Mai, thực hiện hai cuộc phỏng vấn trực tiếp trên sóng phát thanh. Từ đó, gương mặt chị, cũng như nhà hàng Mai, được biết đến nhiều hơn, ngày càng đông khách hơn.

Có một thực khách người Việt, sau nhiều năm sống ở Singapore, tìm đến quán Mai để ăn món Việt và để lại nhận xét: “Mai – sứ giả văn hóa ẩm thực Việt trên đảo quốc”. Và nhận xét ấy đã được người Việt Nam tại Singapore với đủ các thành phần, truyền miệng. Chẳng biết tự khi nào, Mai được mệnh danh là “sứ giả” văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Quán Mai hiện đang có 100 món ăn thuần túy ba miền Việt Nam. Phở bò Hà Nội; bánh bèo, bún bò xứ Huế; mì Quảng; chả giò rau ghém Nam Bộ hay cả những món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét đều có cả. Ăn xong, dạo một vòng quanh quán Mai, một người bạn của tôi - chị Kiều Linh - nhận xét: “Tôi cũng từng ở Pháp, từng ăn món Việt ở Paris nhưng không “đã” bằng ở quán Mai. Món ăn ở đây nhiều, đậm đà hơn”. Anh Ong Yew, người bản địa, kể: “Bạn gái tôi là người Việt Nam. Trước đây tôi chưa hề biết quán Mai, nhờ cô ấy rủ đi, một lần chưa quen, sau nhiều lần đến đây, nay tôi đã nghiện món ăn Việt, nhất là món bún bò”. “Cô ấy (Hà Mai) xứng đáng với mệnh danh “sứ giả” văn hóa ẩm thực Việt Nam” - chị Kiều Linh nói.

Yan nấu được thì Mai cũng có thể nấu được!

Tôi dừng lại khá lâu trước tấm hình Mai chụp chung với “vua đầu bếp” Martin Yan treo ở quán. Trong một dịp gặp gỡ với những đầu bếp nổi tiếng, Mai đã gặp người phụ trách chương trình Yan Can Cook lừng danh thế giới. Trước đó, “vua đầu bếp” gốc Hoa này cũng đã biết đến cô chủ quán người Việt tên Mai. Tấm hình chụp chung, đối với nhiều người chỉ đơn thuần là kỷ niệm; còn đối với Hà Mai, đó là một slogan đầy ý nghĩa, khẳng định niềm tin: “Yan nấu được thì Mai cũng có thể nấu được”!

“Authentic Vietnamese Cuisine” (Món Việt đích thực), “Traditional Vietnamese Preparation” (Hương vị truyền thống Việt Nam), những lời rao ấy trên bảng hiệu Mai cạnh bông hoa mai rực rỡ đập vào mắt thực khách, khiến ai trước khi vào quán cũng phải ngoái nhìn. Đặc biệt hơn nữa là cô chủ quán với nụ cười thật tươi, đôi mắt đen tròn, dáng thon thả trong tà áo dài tím Việt Nam nền nã, đích thân ra tận cổng chào khách, rồi tận tình phục vụ món ăn cho khách. Hà Mai cất giọng miền Bắc nhỏ nhẹ: “Chúng tôi tâm niệm rằng khách đến đây không chỉ để ăn ngon, ăn no, mà còn có thể hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Chính tà áo dài, chiếc nón lá là những công cụ “tiếp thị văn hóa” đầy ý nghĩa. Đó cũng là cách tiếp thị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Xứng đáng là “sứ giả”


Hà Mai xuất hiện trên trang bìa cuốn sách nấu ăn do cô biên soạn, có tên: Những món ăn mang linh hồn Việt, do NXB Marshall Cavendish Cuisine phát hành tại Singapore

Những việc “sứ giả” làm không chỉ dừng lại ở đó. Cách đây nửa năm, Nhà Xuất bản Marshall Cavendish Cuisine nổi tiếng của Singapore đã mời Hà Mai biên soạn cuốn sách dạy nấu ăn món Việt, có tên Những món ăn mang linh hồn Việt (Vietnamese Soul Food), gồm 70 món, xuất bản và trình làng trước công chúng trong tháng 10-2005 với chân dung của Hà Mai xuất hiện trang trọng trên trang bìa. Sách hiện bán rộng rãi tại các nhà sách ở Malaysia và Singapore, kể cả Trung Quốc. Chị cho biết: “Tôi gửi gắm rất nhiều vào cuốn sách ấy, đặc biệt là tình cảm của mình đối với nơi chôn nhau cắt rốn qua các món ăn được giới thiệu đến bạn bè bốn phương”.


Theo Người lao động