Cán bộ ta đi công tác
Các Website khác - 05/12/2005

(VietNamNet) - Đã đành chế độ công tác phí đi lại, ăn, ở đã có quy định rõ ràng, thế nhưng, cứ mỗi chuyến đi công tác ngoại tỉnh về, ngoài công việc chuyên môn, nhiều cán bộ công chức vẫn phải thắc thỏm lo toan việc thanh toán công tác phí.

Những trớ trêu trong công tác phí được độc giả Trần Đình Toàn viết ra đây không có gì lạ lẫm, song cũng là một câu chuyện buồn về sự bất cập của hệ thống các quy định mà chúng tôi muốn chuyển đến quý độc giả.

Soạn: AM 640299 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đi công tác - nỗi lo của cán bộ công chức.

Ai cũng biết, nếu cứ "ốp" các khoản công tác phí theo quy định thì chắc rằng chẳng ai dám đi công tác, bởi chi phí thực tế bao giờ cũng vượt chế độ, đặc biệt là trong giai đoạn giá cả leo thang từng ngày như bây giờ. Bởi thế, cán bộ ta cứ phải lo lót làm sao hợp lý hoá chứng từ để bù chi phí cho mỗi chuyến đi công tác xa.

Từ chuyện chiếc vé tàu 

Nếu chuyến đi không có sếp thì ta chịu khó đi ô tô khách cho rẻ, nhưng lại phải đến các ga tàu mua vé loại để về thanh toán. Từ hiện trạng này đã nảy sinh ra một đội ngũ bán vé... loại tại các ga tàu. 

Mỗi chiếc vé loại ít nhất bạn cũng phải mua từ 5 - 15 ngàn đồng, tuỳ theo mệnh giá của chiếc vé. Biết là vô lý khi phải đôi co ngã giá mua chiếc vé tàu loại, nhưng nhiều người cũng phải chặc lưỡi bởi " thỉnh thoảng mình mới đi công tác cơ mà". 

Nhẩm tính sơ bộ, những tay buôn "vé loại" này mỗi ngày cũng thu nhập từ 50 - 70.000 đ/ngày, chưa kể có ngày "số đỏ" gặp được người đi mua vé thanh toán cho cả tập thể đi công tác thì "doanh thu" còn đáng nể hơn nữa...

Đ
ến chuyện ngủ khách sạn

Giá khách sạn hiện nay ở các thành phố lớn trung bình cũng phải từ 150.000 đ/ngày trở lên. Đường đường là cán bộ nhà nước, nhưng đến khi làm thanh toán tiền phòng thì không ít người phải muối mặt năn nỉ mấy em lễ tân ghi thêm cho... vài đêm nữa. Tất nhiên cũng phải "phong bì" cho các em vài chục phần trăm giá trị mấy đêm "khuyến mại" đó.

Chính vì thế, nhiều cơ quan đã thành lệ, thủ trưởng hoặc trưởng phòng thường hào phóng cho thêm vài ba ngày để thanh toán bù. Trong công lệnh công tác cũng phải làm thế nào cho khớp với vé tàu và hoá đơn khách sạn.

Dĩ nhiên, các sếp đi công tác thường đỡ vất vả hơn nhiều, bởi có thể "bù chi" bằng những khoản khác như thanh toán tiền chi tiếp khách... Cái khoản chi tiếp khách tưởng chừng là vô thưởng, vô phạt, nhưng thực tế lại rất hiệu quả nhất vì cái hoá đơn có khi đội lên vài ba triệu cũng là chứng từ hợp lệ, thanh toán được tất.

Trong khi đó, lái xe cho các sếp thường tận dụng "khai thác" các khoản hoá đơn xăng xe, mỗi thứ một chút, cộng với các khoản phong bì nho nhỏ và có khi được sếp cao hứng cho lộc là cũng có thể xông xênh.

Thế nên, hầu hết trong các cơ quan Sở, Ban ngành, đời sống của cánh lái xe còn có phần dư dả hơn so với các chuyên viên rường cột, có trình độ đại học chính quy hẳn hoi.

Kết quả cho từng ấy lo toàn là mỗi cán bộ công chức như chúng tôi cứ phải làm dối và nói dối, mà cũng không phê bình nhau được bởi rồi cũng đến lượt anh phải làm dối cho mà xem...?

Thế mới thấy, nói dối trong cơ quan nhà nước cũng không khó lắm!

  • Luật gia Trần Đình Toàn

Ý kiến của bạn?