Buông lỏng quản lý kính thuốc
Các Website khác - 18/10/2005
Hiện nay nhu cầu sử dụng kính thuốc ngày càng nhiều do số người bị các bệnh về mắt đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề đo khám và chất lượng các loại kính đang bị "thả nổi". Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng cơ sở kinh doanh kính thuốc lớn nhất nước, công tác quản lý của các cơ quan chức năng rất lỏng lẻo.
Khám ba nơi, ba kết quả khác nhau

Khi mắt "có vấn đề" thì người bệnh phải đi đo, khám mắt để mua kính. Tuy nhiên, để biết chính xác mình bị bệnh tới mức độ nào, lựa chọn đúng loại kính để đeo quả là một chuyện nan giải.

Chị Võ Thị Hoa (đường Hàm Tử, quận 5) cho biết: Tôi có đứa con trai 10 tuổi bị bệnh mắt nhưng đi khám ở ba nơi thì cho ra ba kết quả khác nhau. Nơi bảo cận 1,5 độ, chỗ thì nói mắt phải cận 1 độ, mắt trái cận và loạn 1,25 độ, còn Bệnh viện Mắt lại cho kết quả: mắt phải cận 1 độ, mắt trái cận 0,75 độ. Thật không biết nên tin kết quả nào nữa. Nhìn cậu con mới có học lớp 2 mà đã phải đeo cặp kính cận tới 3,5 độ, anh Nguyễn Thanh Phong bực bội, nói: "Lên năm tuổi cháu đã bị bệnh mắt. Nghĩ đơn giản, tôi đưa cháu ra tiệm kính đầu ngõ khám và đo mắt người ta bảo cháu bị cận và loạn thị 1,25 độ. Cứ thế tôi mua kính cho cháu đeo. Cách đây hơn 6 tháng, tôi có đưa cháu đi kiểm tra ở chuyên khoa mắt thì mới té ngửa cháu chỉ bị cận và độ đã tăng lên tới 3,5 độ". Chỉ vì tin vào cái máy đo điện tử mà anh đã vô tình làm bệnh của con nặng thêm.

Bác sĩ Tô Hồng Anh, làm việc tại trung tâm mắt kính Điện Biên Phủ (đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết: Kết quả đo mắt thường có sự sai lệch phụ thuộc vào tình trạng điều tiết mắt của khách hàng trong khoảng thời gian gần. Người đeo kính có độ không chính xác sau một thời gian sẽ điều tiết mắt theo kính, do đó rất khó xác định độ thật và độ ảo của mắt. Người không có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm sẽ không đưa ra được một kết quả chính xác. Cũng theo bác sĩ, đối với những trường hợp khó xác định, cần phải cho khách hàng nhỏ thuốc chuyên dụng và cho nghỉ ngơi một thời gian ngắn để mắt trở lại trạng thái tự nhiên thì mới có kết quả đúng.

Chất lượng, giá cả các loại kính cũng "vàng thau lẫn lộn". Theo một chủ cơ sở kinh doanh kính thuốc, trên thị trường có khoảng 200 loại kính khác nhau. Rất khó phân biệt loại nào tốt xấu, thật giả. Giá kính thì tùy do cửa hàng đặt ra, mỗi nơi một giá.

Thả nổi quản lý

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 500 cơ sở kinh doanh kính thuốc. Những hiệu trên đường Điện Biên Phủ, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Cách mạng Tháng Tám... hiệu nào cũng trưng bảng đo mắt bằng máy điện tử miễn phí và chính xác tuyệt đối, được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn miễn phí... Ngoại trừ một số địa chỉ lớn, nhiều uy tín, có bác sĩ phụ trách khám, đo mắt, có sổ theo dõi mắt và kiêm luôn tư vấn cho khách hàng, thì phần lớn nhân viên đo mắt ở các hiệu kính là dân "tay ngang". Về nghiệp vụ hầu như là con số không, cùng lắm chỉ được tham dự một lớp tập huấn ngắn hạn về quang học, cách sử dụng máy đo điện tử. Họ chỉ biết bán được nhiều kính cho khách là được.

Theo quy định của Bộ Y tế, người đứng đầu cơ sở kinh doanh kính thuốc phải có bằng trung cấp y tế trở lên, thời gian làm trong chuyên ngành mắt từ 2 năm trở lên, có chứng chỉ về trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào đạo và cấp. Tuy nhiên, số cơ sở kinh doanh kính thuốc có người phụ trách chuyên môn trong thành phố chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại là nhân viên tự đo, khám, kết luận, cắt kính cho khách hàng. Thực tế chưa có một quy định nào đối với nhân viên tư vấn, bán hàng tại các cơ sở kinh doanh kính thuốc.

Thị trường kinh doanh kính thuốc hiện nay đang trong tình trạng "lênh đênh". Với thực trạng này, người bệnh chỉ biết trông mong vào kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cơ sở kinh doanh kính thuốc mà thôi. Và như thế thì thật nguy hiểm cho đôi mắt, một trong những giác quan quan trọng bậc nhất của con người.

Theo số liệu mới nhất của Cục Y tế dự phòng, qua điều tra đầu năm 2005 trên 10.000 học sinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ nói chung là 49,16%, tỷ lệ cận thị là 48,1%, cận thị nhẹ cả hai mắt là 56%, cận thị vừa là 27,7%, cận thị nặng chiếm tới 15,5%. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ đó là do khối lượng, thời gian học tăng lên, nhưng hầu hết học sinh lại học trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trong điều kiện ánh sáng bình thường, khoảng 6% học sinh có khả năng bị cận thị, tỷ lệ này tăng lên 15% nếu điều kiện ánh sáng không đảm bảo, không đúng chuẩn. Cường độ hoạt động của thị giác quá cao: quá trình học tập làm việc căng thẳng, tiếp xúc thường xuyên với máy vi tính, ti vi cũng dẫn đến cận thị, viễn thị, loạn thị. Một số nguyên nhân khác nữa như do di truyền chiếm trên 30% số người bị bệnh về mắt, và do không phát hiện bệnh sớm để chữa trị kịp thời.


Theo Theo Tin tức