Các địa phương triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Báo Tiếng chuông - 03/03/2017
Năm 2017, các địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp kiềm chế tội phạm, đẩy lui tệ nạn xã hội.

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2017. Kế hoạch nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; xử lý nghiêm tội phạm mua bán người, hạn chế các nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người; kịp thời xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ bảo vệ nạn nhân bị mua bán, tạo điều kiện để nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Chỉ tiêu của Kế hoạch nhằm tăng thời lượng, tần suất và kịp thời đưa tin truyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào các địa bàn xa trung tâm, ven biển, nhóm đối tượng có nguy cơ cao; nâng cao chất lượng mô hình tự phòng, tự quản, truyền thông chuyên sâu, lồng ghép về phòng chống mua bán người; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

Hướng dẫn, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật và số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống mua bán người cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, doanh nghiệp xuất khẩu lao động… hoặc các lĩnh vực dễ bị tội phạm mua bán người lợi dụng như: cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm giám sát phát hiện và thông báo các trường hợp có dấu hiệu mua bán người.

Lực lượng Công an tỉnh phối hợp lực lượng Biên phòng tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp tuần tra, kiểm soát và quản lý cư trú với đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm (Quốc lộ 10 đi Hải Phòng, Quảng Ninh; tuyến Thái Bình đi Lạng Sơn và các tỉnh Tây Bắc; địa bàn hai huyện giáp biển là Tiền Hải, Thái Thụy…), kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội; xác minh, giải cứu và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành phố để trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội mua bán người, đồng thời giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về…

Tại Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Kế hoạch  triển khai công tác cai nghiện ma túy năm 2017. Theo đó, về công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện: Tổ chức tiếp nhận, lập hồ sơ, quản lý và thực hiện tốt chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc. Bên cạnh công tác điều trị cắt cơn cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục truyền thông, thường xuyên tổ chức luyện tập để phục hồi sức khỏe, lao động trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục hành vi, nhân cách, thay đổi nhận thức và tái hòa nhập cộng đồng. Duy trì các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hình thức sinh hoạt tập thể do đơn vị tổ chức; tạo điều kiện cho người nghiện ma túy thực hiện tốt công tác cai nghiện, đảm bảo nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy, hạn chế tỷ lệ tái nghiện.

Về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người nghiện ma túy đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện. Phấn đấu năm 2017 có ít nhất 35 người nghiện ma túy đăng ký tham gia.

Duy trì 24 xã, phường, thị trấn đã tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy trong năm 2016 và triển khai, nhân rộng công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 4 xã, phường năm 2017. Phấn đấu năm 2017, ít nhất có 20% số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, cai nghiện ma túy tại gia đình.

Bên cạnh đó, thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tự nguyện nhằm cung cấp dịch vụ toàn diện cho người nghiện ma túy, với chức năng tư vấn giúp người nghiện ma túy lựa chọn phương pháp điều trị, cai nghiện thích hợp; tư vấn và hỗ trợ giúp người nghiện ma túy tuân thủ điều trị.

Còn tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm thành phố mới đây đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

 Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2016, lực lượng công an thành phố đã phát hiện bắt giữ 547 vụ về ma tuý, đấu tranh triệt xoá 6 đường dây, 20 ổ nhóm hoạt động phạm tội về ma tuý; điều tra, triệt phá 4 chuyên án về mại dâm, khởi tố 12 vụ với 21 bị can, xử lý hành chính 40 đối tượng về mại dâm… Các cơ sở cai nghiện tập trung thành phố đã tổ chức tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho gần 3 nghìn lượt người; công tác điều trị Methadone được triển khai hiệu quả, toàn thành phố hiện có hơn 3.800 bệnh nhân đang điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone, đến nay, khoảng 90% bệnh nhân đã đạt liều duy trì. Bên cạnh đó, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đạt nhiều kết quả tích cực: số người nhiễm HIV mới phát hiện và số người tử vong do AIDS đều giảm so với năm 2015, theo thống kê hiện con đường lây truyền HIV chủ yếu vẫn là qua tiêm chích và quan hệ tình dục không an toàn.

Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí Hải Phòng tập trung cao cho công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý mại dâm, đặc biệt là tác hại của ma tuý và ma tuý đá. Ngành Y tế tập trung điều trị nghiện thay thế bằng Methadone, đến hết năm 2017 phải đạt 100% chỉ tiêu Chính phủ giao về điều trị Methadone cho các đối tượng nghiện; Đồng thời, tiếp tục tăng cường vận động các đối tượng nghiện ma tuý về điều trị tại các Cơ sở cai nghiện, trong đó ưu tiên các đối tượng sử dụng ma tuý đá. Lực lượng công an thành phố chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường trấn áp các ổ nhóm tội phạm hình sự, ma tuý, mại dâm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…