Các doanh nghiệp lách bằng giá niêm yết và giá đón đầu
Các Website khác - 06/03/2006
Vì quyền lợi của người tiêu dùng,
giá tân dược cần sớm được
điều tiết bằng thị trường, bằng
công cụ thuế là chính.
Bất chấp Cục Quản lý Dược Việt Nam bố cáo từ hai tuần nay sẽ thanh tra các cơ sở dược, bất chấp một số nhà phân phối tự hạ giá, mặt bằng giá tân dược vẫn cao, gánh nặng giá thuốc đè lên vai người bệnh.
Cách lý giải giá thuốc tăng 4,6% năm 2005 và vài phần trăm mỗi năm gần đây trong công văn của Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam (QLDVN) ngày 15-2-2006 không sai nhưng không có gì mới.

Cách lý giải của Cục QLDVN thực ra không khác gì cách lý giải của các đại gia dược nước ngoài mỗi khi đề nghị tăng giá. Điều đó cho thấy tư duy của Cục QLDVN không thoát ra được cái bóng “ngôn ngữ” của doanh nghiệp. Bởi vậy, giải pháp Cục QLDVN đưa ra nghe có vẻ quyết liệt song cũng chẳng khác gì so với chính Cục QLDVN từ cách đây hai năm, hồi mà giá một số tân dược nước ngoài tăng vọt.

Hồi đó, một trong những mục tiêu được Cục QLDVN nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là kiên quyết không cho tăng giá, thậm chí kéo giá tân dược xuống. Nhưng mục tiêu đó chưa bao giờ đạt được mà ngược lại. Chỉ cần xem biểu đồ tăng giá do chính Cục QLDVN trích dẫn trong Công văn gửi tổng biên tập các báo cũng đủ thấy đường biến thiên giá tân dược chưa bao giờ “giáng” mà chỉ có “thăng”.

Mặt bằng giá thuốc ngoại vẫn cao chót vót và buồn nhất là khoảng cách “giàu nghèo” giữa giá thuốc ngoại với thuốc nội chưa hề có dấu hiệu được thu hẹp. Vì sao?

Giá niêm yết và giá thực

Sản phẩm có ý nghĩa nhất của thời kỳ khủng hoảng giá tân dược có lẽ là việc cho ra đời Thông tư 08 năm 2004 yêu cầu các nhà phân phối niêm yết giá thuốc trên vỏ bao bì. Kết quả thế nào, xin nhắc lại, giá thuốc vẫn đến hẹn lại tăng.

80% doanh nghiệp dược Việt Nam cam kết không điều chỉnh giá thuốc trong năm 2006

Theo tin từ Cục quản lý dược Việt Nam, bốn đoàn thanh tra sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình giá thuốc, quản lý giá thuốc, việc thực hiện các quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc phòng và chữa bệnh cho người tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đợt thanh tra bắt đầu từ ngày 2-3 đến hết tháng 3-2006. Tiến sĩ Cao Minh Quang - Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam cho biết hoạt động của các đơn vị kinh doanh dược phẩm sẽ được kiểm tra toàn diện nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ thuốc, nâng giá thuốc bất hợp lý, mua bán thuốc qua nhiều tầng nấc trung gian. Qua đó bảo đảm cung ứng đủ và sử dụng thuốc hợp lý an toàn. Ông Quang cho biết thêm, hiện có khoảng 80% doanh nghiệp dược Việt Nam (chiếm từ 90% - 95% số mặt hàng thuốc trên thị trường) cam kết không điều chỉnh giá thuốc trong năm 2006.


Khảo sát một số hiệu thuốc ở Hà Nội, chúng tôi thấy, trừ một số thương hiệu có tiếng như Sanofi Synthelabo, Mega,v.v..., nhiều nhà phân phối không thực hiện niêm yết giá trên bao bì sản phẩm bán lẻ. Do không niêm yết giá và do không bắt buộc phải công bố giá thuốc nhập khẩu (giá CIF), các nhà bán buôn và bán lẻ tăng giá bao nhiêu so với giá thành hoặc giá gốc, cơ quan quản lý hầu như không biết, không quản được.

Thiệt thòi không chỉ đối với người tiêu dùng do phải mua thuốc với giá đắt không đáng có mà cho cả Nhà nước. Do không biết chính xác mức lãi thực của doanh nghiệp, cơ quan thuế không áp được mức thuế thích hợp và không thu được đủ thuế cho nhà nước.

Vì công cụ thuế không phát huy tác dụng điều tiết giá, vì không bắt buộc phải công bố giá CIF, các nhà phân phối không ngần ngại niêm yết giá cao hơn giá bán thực tế.

Ưu điểm duy nhất của các mức giá niêm yết công khai có lẽ là người tiêu dùng không bị mua thuốc với giá cao hơn mức niêm yết. Song, sẽ là ngớ ngẩn nếu ai mua thuốc với giá đúng như giá niêm yết. Khảo sát cho thấy giá bán thực ở quầy dược bao giờ cũng thấp hơn giá niêm yết 5-15%. Các quầy cạnh tranh nhau, thu hút khách của nhau chính là bằng việc bán thuốc với giá thấp hơn giá niêm yết từng ấy phần trăm.

Giá đón đầu

Có lẽ chỉ ngành dược mới có loại giá độc đáo này và không hiểu sao Cục QLDVN chưa bao giờ đề cập đến nó trong các văn bản chính thức nếu không muốn nói còn xem thường. Điều tệ hại của giá niêm yết hình thức như nêu ở trên là nhà phân phối dùng nó để đối phó với chính sách kiểm soát giá của Nhà nước mà cụ thể là của Bộ Y tế. Họ nâng giá niêm yết lên cao hơn so với giá thực để đón đầu cho việc tăng giá trong thời gian tới.

Làm thế không những không mang tiếng vi phạm quy chế của Bộ Y tế, họ còn đàng hoàng tăng giá theo chiến thuật “tý một” trong phạm vi an toàn của “giá đón đầu”. Có doanh nghiệp đăng ký giá đón đầu xa với giá thực đến mức họ tăng “tý một” liên tiếp ba bốn năm trời mà vẫn chưa chạm trần “giá đón đầu”. Có doanh nghiệp còn được khen vì mánh lới đó.

Một trong những cách phổ biến nhất để tăng giá trong hành lang an toàn của “giá đón đầu” là khuyến mãi kiểu giật lùi. Thoạt đầu, nhà phân phối đưa ra mức khuyến mãi mua mười hộp tặng mười hộp. Dần dần số hộp được khuyến mại trên số hộp mua giảm và người bình thường nào cũng hiểu điều đó tương đương với việc tăng giá. Cho đến khi số hộp khuyến mãi giảm đến không (0) trong vòng một đến vài năm, giá bán thực đụng với “giá đón đầu”, một chu trình tăng giá mới với chương trình khuyến mãi mới lặp lại.

Trong chương trình khuyến mãi của nhà phân phối Sanofi Aventis áp dụng cho các nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc từ ngày 10 - 27-2-2006, thuốc Amaryl loại 4mg/viên được áp dụng khuyến mãi theo mức mua 10 hộp loại 30 viên/hộp tặng 5 hộp cùng loại. Nhưng với loại 2mg/viên trong hộp 30 viên, cũng thuốc ấy được khuyến mãi theo mức mua 20 hộp chỉ được tặng một hộp cùng loại, v.v... Có sự khuyến mãi khác nhau đó của cùng một loại thuốc đơn giản chỉ vì giá thực bán của loại thứ nhất còn cách xa “giá đón đầu” so với loại thứ hai và ngược lại.

“Lợi” cả đôi đàng

Nhờ đưa ra “giá đón đầu” có “tuổi thọ” rất cao, các nhà phân phối thuốc cho các bệnh viện không cần phải tăng giá sau một thậm chí vài năm bất chấp bên ngoài giá cứ tăng “ầm ầm”.

Ai đó cất công đi so sánh giá bán thuốc trong bệnh viện với giá niêm yết ở các quầy dược ngoài bệnh viện hầu như chỉ uổng công bởi hai giá ấy luôn luôn bằng nhau. Có trường hợp giá đấu thầu bên trong bệnh viện thấp hơn bên ngoài (đương nhiên mức thấp ấy bao giờ cũng nằm trong phạm vi khuyến mãi và rất ít khi chạm xuống giá thực).

Việc niêm yết giá vô hình chung giúp ngành y tế đạt được cả hai nhiệm vụ. Nó vừa chứng minh chính sách đấu thầu thuốc trong bệnh viện có hiệu quả và kiểm soát được giá thuốc trong bệnh viện vừa cho thấy thị trường giá thuốc bên ngoài cũng được kiểm soát.

Với việc đấu thầu bằng giá niêm yết, bệnh nhân trong bệnh viện lãnh đủ cái gọi là “giá đón đầu” vì họ không bao giờ được hưởng khuyến mãi.

Một nguồn tin thức cho biết, cuộc điều tra của chính Cục QLDVN cuối năm ngoái trên 5 tỉnh thành phát hiện đúng là có hiện tượng trên, theo đó, giá thuốc bệnh viện một số nơi cao hơn giá thuốc thị trường. Xin lưu ý một lần nữa là giá thực ngoài thị trường không phải và không bao giờ là giá niêm yết.

Theo Tiền phong