Khó kiểm soát!
Các Website khác - 06/03/2006
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 24 tháng. Trên thực tế, thị trường sữa dành cho trẻ em đang có nhiều vấn đề.
Thực trạng đáng lo ngại!

Trên thị trường Hà Nội hiện có hàng trăm nhãn hiệu sữa do các công ty trong và ngoài nước sản xuất. Chị Hoàng Oanh, chủ một đại lý sữa trên đường Đội Cấn cho biết, cứ khoảng hai ba tháng, trên thị trường lại xuất hiện thêm một số loại sữa bột mới, với bao bì bắt mắt, quảng cáo rất ấn tượng như "thành phần được bổ sung hàng chục dưỡng chất mới”… Thêm chất, tất thêm tiền. Nhưng chất lượng thực tế có đúng như lời quảng cáo không thì rất khó kết luận!

Anh Hoàng Việt Thắng (khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính) phàn nàn, anh "không thể tìm thấy ở đâu những thông tin "chính thống của cơ quan có thẩm quyền về kết quả phân tích mẫu sữa để biết thành phần các loại và chọn loại nào thì phù hợp cho đứa nhỏ". Các tờ gấp và sách hướng dẫn do các hãng sữa tự in thì quá nhiều, nhưng chỉ nói tốt về sản phẩm của hãng mình.

Cô Nguyễn Thị Vân, cán bộ ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển cũng công nhận "hầu như chỉ mua theo kinh nghiệm truyền khẩu", hoặc khi trẻ không chịu ăn thì đổi sữa khác.

Mới đây, một quan chức thuộc Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, do mỗi sản phẩm sữa bột có đến mấy chục chỉ tiêu cần kiểm định với thời gian và chi phí khá lớn nên cơ quan này thường chỉ kiểm định ngẫu nhiên 1/3 số chỉ tiêu của sản phẩm. Chỉ khi phát hiện chỉ tiêu được kiểm định có sai phạm hoặc khi có khách hàng khiếu nại thì Cục mới tiến hành kiểm định toàn diện. Vẫn quan chức trên thừa nhận, so với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế thì hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam thiếu khá nhiều chỉ tiêu và các chỉ tiêu đã có cũng bộc lộ nhiều bất hợp lý cần sớm điều chỉnh.

Đó là sữa bột, nhưng sữa tươi còn đáng lo ngại hơn! Một khảo sát mới đây của Cục Thú y cho thấy, tình trạng ô nhiễm vi sinh vật trong thịt và sữa ở Hà Nội là rất cao (cao hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh). Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật trong sữa (đặc biệt là nhiễm tụ cầu vàng) ở Hà Nội lên tới 90% số mẫu lấy từ các cửa hàng bán lẻ!

Đừng làm khổ cho trẻ vì thiếu hiểu biết

Dạo một vòng qua phố Hàng Buồm, chợ đồ ngọt lớn nhất Hà Nội, ngoài sữa bột của những hãng nổi tiếng được đóng gói cẩn thận, trên thị trường còn có nhiều loại sữa cân đóng gói thủ công (được chủ hàng giải thích là hàng “nhập cả thùng về chia lại") nên không rõ nhà sản xuất, hạn sử dụng. Thế nhưng nhiều cơ sở mẫu giáo, mầm non tư thục mua sữa này cho các cháu uống; các cơ sở sản xuất bánh kẹo, kem... đều nhập sữa này làm nguyên liệu, thậm chí một số phụ huynh dễ tính cũng mua, vì giá rẻ (chỉ khoảng 60.000 đồng/kg). Dù chưa có trường hợp ngộ độc sữa trầm trọng nào được ghi nhận ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã có khá nhiều. Năm 2005, Bộ Y tế Thái-lan đã phải thu hồi một số loại sữa bột cho trẻ em của hai hãng sữa rất nổi tiếng do nhiễm khuẩn. Còn nhiều trẻ em Trung Quốc đã bị suy dinh dưỡng, thậm chí bị dị tật do uống phải sữa giả... Vì vậy, thận trọng hơn khi quyết định mua sữa cho trẻ nhỏ quả là một lời nhắc nhở không thừa!

- Các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trước khi đưa ra thị trường phải được công bố chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

- Thầy thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

- Nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

(Trích Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27-2-2006)


Theo Theo Sài Gòn giải phóng