- Theo ông, tài sản ảo bao gồm những loại nào?
- Hiện nay, các nghiên cứu về tài sản ảo chưa đi tới một khái niệm thống nhất. Hiểu theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo. Hiểu theo nghĩa rộng, tài sản ảo bao gồm tên miền, địa chỉ e-mail, các đối tượng ảo trong thế giới ảo.
- Bộ Thương mại có ủng hộ việc coi tài sản ảo là tài sản không?
- Khái niệm tài sản ảo rất mới mẻ. Mặc dù thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc mua bán tài sản ảo diễn ra rất sôi động nhưng cho tới nay, vẫn còn rất ít nước thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản và ban hành luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Bộ Thương mại đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu vấn đề này.
- Theo ông, căn cứ vào những yếu tố nào để khẳng định tài sản ảo là tài sản hợp pháp theo quy định của pháp luật?
Game MU.
| - Cần phải dựa vào Bộ luật dân sự để xét xem tài sản ảo có phải là tài sản không. Theo điều 163 của Bộ luật Dân sự, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Điều 181 xác định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Theo nghiên cứu bước đầu của chúng tôi, có thể coi tài sản ảo thuộc loại quyền tài sản.
Trong trò chơi trực tuyến đã có những sản phẩm ảo được bán với giá lên tới 80.000 USD. Trên mạng internet, giao dịch mua bán sản phẩm ảo diễn ra sôi động hằng ngày với giá trị bằng tiền thật không phải là nhỏ. Chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu sâu để thấy tài sản ảo có phải là tài sản không và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy những mặt tích cực của thế giới ảo nói chung, trò chơi trực tuyến nói riêng, và hạn chế những mặt tiêu cực của chúng.
- Về mặt cá nhân, ông có ủng hộ việc bảo hộ quyền sở hữu đối với tài sản ảo không?
- Về mặt cá nhân, tôi ủng hộ việc thừa nhận tài sản ảo là tài sản và cần đưa ra những quy định pháp luật xác đáng để bảo vệ nó như chúng ta đã đưa ra các quy định pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu các tài sản thông thường khác. Sự phát triển của khoa học và công nghệ khiến cho khái niệm tài sản không ngừng mở rộng. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm khi chưa có internet, có ai nghĩ rằng cụm từ www.business.com là tài sản và có giá lên tới 7 triệu USD !
- Cùng với sự phát triển của game online, trên thị trường đã xuất hiện một số game thủ chơi chuyên nghiệp để "cày" tài sản ảo sau đó bán lấy tiền thật. Chơi game nhưng lại là kiếm tiền. Ông thấy điều này có gì bất thường không ?
Game PTV.
| - Tôi thấy đó không có gì quá bất thường. Đối với đại đa số mọi người, bóng đá, tennis chỉ là những trò chơi. Tuy nhiên, đối với nhiều vận động viên, chơi bóng đá và tennis là những nghề nghiệp nghiêm túc và có thể đem lại thu nhập rất cao. Game online cũng vậy. Đối với đa số người chơi game, đó chỉ là một trò chơi thông thường nhưng đối với một số người thì đó có thể là một nghề nghiệp thực sự. Họ chơi game để kiếm các đồ vật ảo sau đó bán lại cho những người khác ít có thời gian chơi hơn hoặc chơi kém hơn. Bây giờ có thể nhiều người hoài nghi về điều này nhưng biết đâu thập kỷ sau lại coi đó là bình thường!
- Tại các nước và vùng lãnh thổ khác, người ta nhìn nhận vấn đề tài sản ảo như thế nào?
- Đứng về luật pháp thì Đài Loan, Hàn Quốc đang đi tiên phong trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo. Ở Đài Loan, Hàn Quốc, pháp luật đã thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản, ăp cắp tài sản ảo cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Mỹ chưa ban hành các quy định pháp luật thừa nhận tài sản ảo nhưng không cấm mua bán công khai các tài sản này.
Đặc biệt là tại Mỹ, có nghiên cứu nghiêm túc cho rằng nếu Mỹ không nhanh chóng ban hành những quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản ảo thì sẽ tụt hậu so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan trong việc phát triển ngành kinh tế ảo - một ngành kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Thế giới ảo không chỉ dừng lại ở trò chơi trực tuyến mà nó còn có thể có ích trong các lĩnh vực khác như thương mại, y tế, giáo dục...
Tài sản ảo trong game online thuộc về ai ? Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom: Game thủ là chủ sở hữu tài sản ảo Cho dù pháp luật có thừa nhận hay không thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản ảo trong game online thì cộng đồng game thủ vẫn coi những nhân vật, đồ vật ảo trong game online là sở hữu của họ chứ không thuộc sở hữu của nhà cung cấp trò chơi. Chúng tôi tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp về tài sản ảo của các game thủ trong những game online mà chúng tôi cung cấp: người chơi là chủ sở hữu các tài sản ảo mà họ kiếm được trong game. Người chơi có thể mua, bán tài sản ảo trong game online bằng tiền trong game hoặc tiền thật và các giao dịch đó được chúng tôi thừa nhận và bảo hộ. Đồ vật ảo trong game online bản chất là một loại dữ liệu máy tính có giá trị bằng tiền thực sự. Mà thứ gì đó có giá trị bằng tiền thật lại không được pháp luật bảo hộ quyền tài sản thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp phức tạp. Nếu không có quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản ảo trong game online thì trong trường hợp có tranh chấp về tài sản ảo xảy ra, người chơi sẽ buộc phải tự giải quyết với nhau. Rõ ràng, việc giải quyết "ngoài vòng pháp luật" có thể dẫn tới những hệ quả không tốt. Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaGame: Công ty phát triển trò chơi là chủ sở hữu tài sản ảo Tài sản ảo trong game online là những đoạn mã lập trình thể hiện hình ảnh và công dụng của một vật phẩm trong trò chơi game online. Theo quan điểm của VinaGame, những vật phẩm trong trò chơi là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi (trong trường hợp Võ lâm truyền kỳ là hãng KingSoft - Trung Quốc) vì toàn bộ vật phẩm là một phần không tách rời của phần mềm này. Người chơi khi tham gia Võ lâm truyền kỳ chỉ có quyền sử dụng phần mềm trò chơi với mục đích giải trí mà thôi. Theo thông lệ của việc sử dụng các sản phẩm như phần mềm, sách báo, nhạc, phim... thì người dùng cuối được phép sử dụng và phải chấp nhận những quy định của nhà cung cấp khi sử dụng (ví dụ không được sao chép, không được kinh doanh lại...). Và chắc chắn là không thể có chuyện người dùng cuối có quyền sở hữu sản phẩm (hay một phần của sản phẩm) được. Cho đến nay, chưa có bất kỳ công ty phát triển phần mềm nào trên thế giới cho phép người dùng cuối được sở hữu tài sản cả. Một quan chức của Bộ Thương mại: Người chơi đã trả phí cho nhà cung cấp... Về bản chất, một nhân vật, một thanh kiếm, một bộ giáp... chỉ là các mã máy tính trong cơ sở dữ liệu trên máy chủ của nhà cung cấp. Tuy nhiên, người chơi đã trả phí cho nhà cung cấp và nhà cung cấp phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo cam kết. Theo quan điểm của tôi, tài sản ảo mà người chơi có được trong game online phải thuộc về người chơi vì 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, người chơi phải bỏ tiền bạc, công sức và thời gian của mình thì mới tạo ra được các đồ vật ảo. Thứ hai, người chơi có thể có được các đồ vật ảo qua việc mua bán, trao đổi một cách hợp pháp.
|
|