Thành phố Hạ Long đang đối mặt với hiện trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chất lượng không khí bẩn tại nhiều khu đô thị đã ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người dân.
Bụi, nước thải, rác thải
Những ngày cuối tháng hai trời mưa dầm, những con đường chạy dọc thành phố Hạ Long nhớp nháp bùn, nước. Ðoạn đường trong khu du lịch Bãi Cháy, ngày mưa đất đỏ, cát từ trên núi chảy xuống ngập ngụa. Vỉa hè ở khu du lịch này luôn luôn bị đào bới bởi các dự án cấp nước; thoát nước; cáp quang; trong khi trên núi thì bị san gạt làm khách sạn, nhà hàng.
Bụi càng nhiều, đậm đặc hơn ở Mạo Khê, Uông Bí, thị xã Cẩm Phả. Những ngày nắng, đi qua các vùng "nóng" kể trên nhìn phía sau xe chạy, bụi vần vũ như mây đen, người đi bộ cảm thấy nghẹt thở, tức ngực. Một đoạn đường sông Sinh lúc nào cũng có hàng trăm chiếc xe tải lớn chở than từ Uông Thượng - Vàng Danh cắt ngang quốc lộ. Ðoạn km6 Cẩm Phả có đến hàng nghìn chuyến xe nối đuôi nhau chở than từ trên núi xuống. Còn phải kể đến bụi sinh ra từ nhiều dự án lấn biển, làm khu công nghiệp, xây nhà máy điện, nhà máy sản xuất xi-măng...
Tài liệu quan trắc và phân tích môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh khẳng định: Hoạt động sản xuất than đã làm ảnh hưởng chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường không khí các khu đô thị Cẩm Phả, Cao Sơn, Cửa Ông, Hà Tu, Cao Xanh, Uông Bí, Mạo Khê... Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm. Trên các đoạn đường đô thị có xe chở than, đất đá chạy qua, hàm lượng bụi lơ lửng đều vượt tiêu chuẩn cho phép thông thường từ một đến hai lần có nơi đến bốn lần. Liền với bụi, nước thải, rác thải cũng đang thành vấn đề lớn. Nước thải từ sản xuất, nước thải từ sinh hoạt ở các đô thị cuối cùng đều dồn ra biển. Dù có nơi, có chỗ "đã được xử lý" nhưng vùng ven biển Quảng Ninh đang chịu sức ép về ô nhiễm môi trường. Vịnh Hạ Long như một túi chứa các loại nước thải này. Một số nơi ven bờ đã có ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng, giảm ô-xy hòa tan. Các vùng nước Lán Bè, Bến Tàu, Vựng Ðông, Nam Cầu Trắng độ đục đã vượt xa tiêu chuẩn cho phép.
Nước thải, rác thải cũng đang là nỗi lo ở nông thôn, miền núi. Ở Quảng Ninh, ai đã đến các xã đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng) đều thấy nhiều đoạn kênh, mương nước đen sì, đặc quánh. Huyện miền núi Bình Liêu - xã Hoành Bồ, mùa này suối cạn, lòng suối vài chỗ còn lại những vũng nước đen.
Ngăn chặn suy thoái môi trường
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Lương Y Dược, việc bảo đảm tiêu chí cho môi trường sống là việc làm cam go, quyết liệt, giành giật giữa việc tăng trưởng, phát triển kinh tế tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập với việc bảo vệ môi trường. Nhiều khi phần thắng thuộc về phía tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tỉnh có chủ trương, giải pháp tăng cường quản lý bảo vệ môi trường. Giải pháp lớn và lâu dài là cùng với việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tỉnh cùng với các ngành kinh tế tính toán khai thác than và các loại khoáng sản khác một cách hợp lý, cân đối, bền vững. Tỉnh chỉ đạo các ngành dùng phí khai thác khoáng sản để tái tạo, bảo vệ môi trường; Số tiền gần 270 tỷ đồng (ngành than đóng 180 tỷ đồng) được đầu tư ba việc lớn: Phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn cho môi trường sống.
Trước mắt, Quảng Ninh phải giải quyết các điểm nóng về bụi, nước và rác thải. Ông Hoàng Danh Sơn, trưởng phòng môi trường cho biết: Sở Tài nguyên Môi trường đang cùng Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính tính toán các phương án đầu tư sao cho có hiệu quả. Tiền nhiều mà đầu tư không đúng thì chỉ gây lãng phí, chẳng ngăn được sự suy thoái môi trường nói gì đến tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
|