Từ 30-3 đến 2-4, TP Hà Nội tổ chức một liên hoan chuyên đề về ẩm thực và phố nghề, làng nghề truyền thống của thành phố tại công viên Thống Nhất từ ngày 30-3 đến 2-4.
Trong tám năm qua, TP Hà Nội đã liên tục tổ chức các liên hoan du lịch quốc tế hai năm một lần. Những hoạt động này đã giúp định hình và từng bước quảng bá một thương hiệu du lịch Hà Nội hấp dẫn, đa dạng về sản phẩm với thế mạnh văn hóa, lịch sử, góp phần làm tăng lượng du khách lên con số năm triệu lượt người mỗi năm, trong đó có hơn một triệu khách quốc tế.
Liên hoan ẩm thực, phố nghề, làng nghề Hà Nội 2006 sắp tới là một trong những thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực này, giới thiệu một cách tập trung, có hệ thống và chọn lọc các đặc sản và nghề truyền thống Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Hữu Bình cho biết: "Thông qua liên hoan, ngành du lịch thành phố hy vọng thu hút được một lượng lớn du khách, tạo cơ hội cho nhân dân thủ đô và du khách có điểm vui chơi trong dịp hội xuân đầu năm. Ðây còn là dịp hợp tác, trao đổi, giới thiệu sản phẩm du lịch tương tự với các địa phương trong cả nước và một số nước trong khu vực".
Liên hoan diễn ra trong Công viên Thống Nhất, phía trục đường Trần Nhân Tông với 300 gian hàng, trong đó có một nửa là các gian hàng làng nghề, phố nghề, khu vực hội chợ ẩm thực, các gian hàng quốc tế và giới thiệu du lịch cùng hai sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Theo ban tổ chức, sẽ có khoảng 100 gian hàng được miễn phí dành cho 30 nghệ nhân và các đơn vị khách mời.
Theo thiết kế, cổng vào khu liên hoan được mô phỏng kiến trúc cổng đình và cổng làng Bắc Bộ, bên trong là không gian nghề truyền thống, tái hiện cảnh sinh hoạt ở các phố nghề Hà Nội với mái ngói cổ kính mang mầu rêu phong, lô xô, phảng phất những hình bóng 36 phố phường đầy hoài niệm trong các tác phẩm hội họa về Hà Nội của danh họa Bùi Xuân Phái. Mỗi khu gian hàng đều treo nhiều đèn lồng, trưng bày, bán các sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao của một số làng nghề, phố nghề và các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ trình diễn những công đoạn làm nghề, làm ra sản phẩm ngay tại chỗ, phục vụ yêu cầu của du khách như vẽ gốm, chạm tranh đồng, đồ mỹ nghệ vàng, bạc, mây tre đan, đồ gỗ, làm hoa giả, khảm trai, sơn mài, tranh giấy dó, tranh Hàng Trống, hàng may mặc, thêu thùa trên các chất liệu tơ tằm, lụa, thổ cẩm, v.v.
Không gian phố nghề Hà Nội còn được mở rộng giới thiệu sản phẩm làng nghề của Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Dương, các tỉnh miền trung, miền nam và cả sản phẩm thủ công của các nước tham gia liên hoan. Một triển lãm hoa gồm 50 gian hàng cũng được mở nhân dịp này tại cổng vào phía đường Trần Nhân Tông và xen kẽ trong khu vực gian hàng, trưng bày các loại hoa và giới thiệu nghệ thuật trang trí, cắm hoa của nghệ nhân những làng hoa, cửa hàng hoa ở Hà Nội.
Có lẽ điểm nhấn sinh động và đặc sắc nhất của liên hoan là khu hội chợ ẩm thực được tổ chức quy mô lớn với đại diện đến từ các khách sạn, nhà hàng, trường dạy nghề nấu ăn thuộc ngành du lịch thủ đô. Ban tổ chức còn mời ngành du lịch tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của nước bạn Trung Quốc, một số nước châu Á và các đại sứ quán tại Hà Nội tham gia. Du khách sẽ có dịp thưởng thức nghệ thuật ẩm thực tinh tế, giầu hương vị và mầu sắc của người Hà Nội như bánh tôm Hồ Tây, cốm Vòng, chả cá Lã Vọng, phở Thìn, bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc Phù Ðổng và các món quà rong, bánh dày, bánh giò, bánh gio, bánh chưng, bánh nếp, bánh cốm, bánh đúc, các loại chè nấu, đồ uống cùng nhiều món đặc sản của vùng, miền trong cả nước.
Chương trình nghệ thuật trong bốn ngày liên hoan do NSND Phạm Thị Thành làm tổng đạo diễn sẽ tập trung thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Hai sân khấu bên hồ công viên và tượng đài Nguyễn Văn Trỗi là nơi trình diễn các làn điệu dân ca: chèo, quan họ, ca trù, tuồng, cải lương và múa dân tộc. Ngoài ra, bốn chiếc thuyền lớn được trang trí cách điệu hình rồng cũng được bố trí làm sân khấu nổi trên mặt hồ. Ðan xen trong chương trình là cuộc đua thuyền truyền thống của làng Ðăm, làng Thượng Cát và Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây cùng một số trò chơi dân gian sôi động như: đánh đu, ném còn, thi nấu cơm, dạy nặn tò he, bịt mắt bắt dê do các làng ở ngoại thành Hà Nội thực hiện.
Trong thời gian liên hoan, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội và ban tổ chức còn xây dựng chương trình du lịch thăm phố nghề, làng nghề, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng gốm Bát Tràng, rối nước Ðào Thục, khu Hoàng thành, phố cổ Hà Nội và nối tua du lịch đồng quê với các tỉnh Hà Tây và Bắc Ninh.
|