Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới
VAAC - 21/03/2016
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức buổi Công bố báo cáo nghiên cứu Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Tiến sĩ Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, do tiến bộ về bình đẳng giới trong một số lĩnh vực còn chậm, trì trệ, thậm chí thụt lùi, trong khi đó các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ còn “có sự lúng túng”. Phần lớn các nghiên cứu về giới là nghiên cứu định tính hoặc quy mô nhỏ. Chính vì vậy, với sự tài trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Quỹ Ford Oxfam Novib, ISDS đã nghiên cứu các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới từ năm 2012-2015.

Mục đích nghiên cứu, nhằm mô tả thực hành giới và nhận thức giới ở Việt Nam, đồng thời tìm hiểu những yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới; xây dựng các khuyến nghị để cải thiện chính sách và các chương trình can thiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Nghiên cứu được tổ chức tại 9 tỉnh/thành phố, trên 8.424 đối tượng trong độ tuổi nam nữ từ 18-65. Kết quả cho thấy, những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Một trong các yếu tố chủ chốt là việc gắn vai trò chăm sóc gia đình cho người phụ nữ. Bên cạnh đó, việc khuôn phụ nữ vào vai trò chăm sóc đã đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia xã hội và chính trị.

Tiến sĩ Khuất Thị Thu Hồng cho hay, vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế cơ hội học tập của phụ nữ. Theo đó, 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với 7.3% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều ở trình độ phổ thông cơ sở trở xuống và ít hơn ở trình độ phổ thông trung học trở lên; phụ nữ thường nhường cơ hội học tập cho nam giới.

Bên cạnh đó, định kiến giới trong giáo dục cũng là yếu tố khiến bất bình đẳng giới. Minh chứng qua kết quả, 30% người được khảo sát đồng ý rằng nam giới học tốt hơn phụ nữ; 65% đồng ý rằng nam giới học tốt hơn các môn khoa học tự nhiên; 31% đồng ý rằng phụ nữ chỉ học đến một trình độ nhất định để dành thời gian cho gia đình; 40% đồng ý rằng nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình; 29% đồng ý rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng.

Vai trò chăm sóc gia đình cũng hạn chế cơ hội việc làm và nghề nghiệp của phụ nữ. Kết quả cho thấy, 79.34% nữ so với 85.73% nam đang làm việc tại thời điểm khảo sát; hơn 20% phụ nữ không làm việc vì phải chăm sóc gia đình so với 2% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều hơn ở khu vực nông nghiệp, tự doanh, tư nhân và phi chính thức; phụ nữ ở độ tuổi trên 25 chọn công việc gần nhà và có thời gian dành cho gia đình.

Quan niệm bất bình đẳng giới dẫn đến thực hành bất bình đẳng giới, bạo hành gia đình. Trong đó, phụ nữ là đối tượng chủ yếu của phần lớn các dạng bạo hành. Để thay đổi, ISDS kiến nghị thay đổi những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ, thông qua: Giáo dục công chúng; các chương trình nhằm vào phụ nữ; thúc đẩy vai trò chăm sóc của nam giới và giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; cải thiện các dịch vụ xã hội nhằm giảm gánh nặng việc nhà; chính sách thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội phát triển sự nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu để cung cấp cung cấp bằng chứng cập nhật về những thay đổi đang diễn ra, ghi nhận những tiến bộ để rút kinh nghiệm và nghiên cứu nhiều hơn về nam giới. Do các nghiên cứu về giới trước đây tập trung nhiều vào phụ nữ, rất hiếm nghiên cứu về nam giới. Nam giới vốn được coi là không có “vấn đề” về bình đẳng giới nên ít có sự can thiệp vào họ. Điều này dẫn đến việc phụ nữ thay đổi nhanh hơn, nhưng nam giới thay đổi chậm hơn.