Điện Biên: Tìm giải pháp lâu dài phòng, chống HIV
Các Website khác - 17/11/2010
 
Các nhà tài trợ quốc tế kiểm tra một điểm cấp phát bơm kim tiêm tại phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ

VH- Cuộc gặp gỡ giữa đại diện một số tổ chức quốc tế tài trợ cho Điện Biên trong phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm diễn ra đầu tháng 11 vừa qua thực sự là cuộc trao đổi thẳng thắn những vấn đề Điện Biên đã làm và chưa làm được trong công tác này. Tựu trung, các nhà tài trợ đều mong muốn có một giải pháp lâu dài, hiệu quả cho phòng, chống HIV/AIDS tại Điện Biên.

Thẳng thắn trao đổi diễn biến dịch HIV/AIDS và thực trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy, ông Phạm Xuân Kôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã không giấu giếm những con số đáng lo ngại. Từ trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện năm 1998 thì chỉ sau hơn 10 năm Điện Biên đã là tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ nhiễm HIV với 4.890 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 2.334 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 1.280 người đã tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV tăng nhanh, trung bình một ngày tỉnh Điện Biên phát hiện 3,58 người nhiễm HIV. Điều lo ngại là có tới 85,28% số người nhiễm HIV thuộc lứa tuổi từ 20-39 - những lao động chính của gia đình và xã hội. Qua thực tế giám sát trọng điểm cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở Điện Biên trong các nhóm giám sát cao hơn chỉ số quốc gia 7,1 lần; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 42,5% và đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Trong khi đó, Điện Biên lại là địa bàn “nóng” về thực trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy với 5.450 người nghiện ma túy; trong đó có đến 65,2% người nghiện chích ma túy. Điều đó khiến tình trạng lây nhiễm HIV càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Những con số trên khiến không ít người giật mình lo ngại. Song với những giải pháp được tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc ngăn chặn, giảm tác hại của HIV và ma túy. Đó là việc thành lập và củng cố hoạt động của 1 câu lạc bộ, 9 nhóm tự lực và 2 nhóm Hoa Hướng Dương tích cực tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV dưới nhiều hình thức. 85% số người nhiễm HIV được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc thường xuyên thông qua việc thành lập các phòng khám ngoại trú, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Các dự án do tổ chức quốc tế tài trợ như: Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế, Tổ chức Y tế Hà Lan, ADB, UNODC, UNICEF... được triển khai khá hiệu quả tại Điện Biên.

Trước khi có buổi gặp gỡ, trao đổi chính thức với lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện một số tổ chức quốc tế, đại sứ các nước đã đi thực tế tại xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng,  nơi đang thực hiện Dự án Phòng, chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào dân tộc thiểu số (VNM J04). Trực tiếp giao lưu với những người thụ hưởng dự án, xem xét cách làm và kết quả của dự án tại một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các nhà tài trợ đã phần nào thấy được sự nỗ lực, cố gắng của Điện Biên đối với công tác phòng chống HIV/AIDS.

Các học viên tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội tỉnh Điện Biên

Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Allaster Cox cho rằng, để xóa đói nghèo, Điện Biên phải thực hiện đồng thời chống lại HIV, ma túy và mại dâm bằng một chiến lược cụ thể và đồng bộ các giải pháp như: cung cấp bơm kim tiêm sạch, triển khai điều trị nghiện thay thế bằng Methadone... Ở một góc nhìn khác, điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông John Hendra đưa ra nhận định: HIV lan tràn ở Điện Biên do số đông người tiêm chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm. Từ nhận định này, ông đề nghị Điện Biên đưa ra các giải pháp trong việc nhân rộng mô hình hiệu quả sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phòng, chống lây nhiễm HIV; đồng thời đề nghị Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng cần phối hợp với các tổ chức quốc tế để việc phòng, chống lây nhiễm HIV đạt hiệu quả cao nhất.

Trở lại Điện Biên sau 2 năm, bà Maeve Collins, Đại sứ Ailen khẳng định đã có sự chuyển biến rất lớn trong lĩnh vực phòng, chống HIV ở Điện Biên, song bà cũng đặt ra vấn đề việc điều trị nghiện thay thế bằng Methadone tại các trung tâm điều trị, chữa bệnh lao động xã hội có hiệu quả hơn thực hiện ở cộng đồng khi người nghiện được ở nhà, gần gũi với người thân. Các nhà tài trợ quốc tế đều đặt ra câu hỏi về cách làm của Điện Biên trong việc thực hiện các mục tiêu phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ, quan tâm tới nhóm người chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Một số ý kiến cho rằng, Điện Biên cần đưa ra kế hoạch dài hơi và sát thực tế hơn nữa để từ đó các nhà tài trợ có cơ sở tham gia đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, phòng chống HIV và phát triển KT-XH.

Có nhà tài trợ đưa ra ý tưởng Điện Biên nên xây dựng mô hình điểm về cấp phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao ở khu vực vùng sâu, miền núi. Nếu xây dựng thành công, mô hình sẽ là cơ hội để nhân rộng ra không chỉ ở Điện Biên mà cả các tỉnh khác trong cả nước.

Đề án phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020, Điện Biên đề ra mục tiêu:

* 70% người dân từ 15-49 tuổi hiểu biết đúng về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; 

* 95% người nhiễm HIV/AIDS và 85% người sử dụng ma túy, người bán dâm hiểu biết đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS;

* 60% người nghiện chích ma túy được điều trị thay thế nghiện bằng methadone;

* 70% người lớn nhiễm HIV và 80% trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ điều trị ARV; 

* 70% phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Hà Anh