Cái chỗ tiếp dân
Các Website khác - 09/05/2006

Cái chỗ tiếp dân
Lưu Quang

Cả một nghị quyết lớn của Quốc hội (QH) về việc tiếp dân, giám sát việc khiếu nại, tố cáo của dân đã không thể thông qua nổi chỉ vì một nội dung tưởng chừng rất nhỏ: Đó là không giải quyết thoả đáng cái chỗ dành để tiếp dân. Chuyện này xảy ra tại phiên họp thứ 39 Uỷ ban Thường vụ QH, chiều ngày 6.5 vừa qua.

Đại biểu QH do dân bầu ra, vì vậy tiếp dân chắc chắn là một trong những nghĩa vụ phải làm thường xuyên. Thế nhưng trong thực tế tiếp dân gần đây nổi lên một vướng mắc: Đó là có rất nhiều cuộc tiếp dân của đại biểu phải diễn ra tại nhà, vào buổi tối, ngoài giờ làm việc. Việc làm này vi phạm một nguyên tắc của Luật Khiếu nại, tố cáo, theo đó quy định người giải quyết khiếu nại, tố cáo không được quyền tiếp và nhận đơn thư của công dân tại nhà riêng. Dân cứ kéo đến, không tiếp thì sợ dân giận. Còn tiếp thì lại vi phạm luật pháp. Thật đúng là tiến thoái lưỡng nan!

Sở dĩ dân phải tìm đến các đại biểu QH - những nhà lập pháp - để chuyển đơn thư mà không tìm đến đại diện các cơ quan hành pháp, tư pháp là bởi vì họ thiếu lòng tin vào các cơ quan này. Điều đó đã rõ. Nhưng vì sao dân không "đánh trống kêu oan" ngay trước chốn công đường như vẫn thấy trong các câu chuyện ngày xưa mà phải đến tận nhà riêng? Vì sao dân không làm việc đó trong "8 giờ vàng ngọc" mà phải lặn lội đêm hôm cho vất vả? Câu trả lời là có 2 lý do: Thứ nhất, các đại biểu QH không có văn phòng riêng để tiếp dân. Thứ hai, họ quá bận, gặp được họ trong giờ là rất khó khăn.

Giải quyết chuyện thứ nhất sẽ không phức tạp. Thiết nghĩ, tuy QH ta còn nghèo nhưng việc xây dựng, tổ chức một địa điểm tiếp dân lịch sự, khang trang với đầy đủ bàn, ghế, nước uống (thậm chí cả hoa tươi) chắc cũng không đến nỗi khó khăn gì.

Nhưng giải quyết chuyện thứ hai mới khó khăn hơn, đó là lấy đâu ra thời gian để các đại biểu QH tiếp dân? Như đã biết, 75% số đại biểu QH của chúng ta đều kiêm nhiệm. Bên cạnh một "cái ghế" trong QH, họ còn có một "cái ghế" khác (thường là mang lại nhiều bổng lộc hơn) trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Một năm phải gác công bỏ việc, đi họp QH hai kỳ đã thấy mọi sự vụ ùn lên nhiều lắm rồi, còn thời gian đâu, tâm trí đâu để tiếp dân? Vì thế khi dân kéo đến "công đường" muốn gặp đại biểu QH, các đại biểu có khi lại đành phải cử, phải uỷ quyền cấp phó, cấp dưới ra tiếp. Dân không ưng cái bụng nên cứ một mực kéo đến nhà...

Nhiều người dân và đại biểu QH đang đề nghị sắp tới, để làm tốt hơn việc tiếp dân, các nghị sĩ QH cần phải có văn phòng riêng, với các chuyên gia giúp việc thạo nghề giống như các ông nghị bên trời Tây. Điều đó rất tốt. Nhưng thiết nghĩ, gốc của cái chỗ tiếp dân lại không chỉ là cái chỗ. Mà quan trọng hơn, đó là phải tạo ra cơ chế, tạo ra động lực để người đại biểu QH phải thực sự chuyên nghiệp, độc lập, toàn tâm toàn ý vào việc bảo vệ lợi ích của dân. Phải làm sao để tỉ lệ đại biểu QH chuyên trách cũng phải được nâng lên tối thiểu 40 - 50% như dự kiến.