Vượt lên trên vùng khó
Các Website khác - 07/05/2006
Vượt lên trên vùng khó

Y Phương
Tiếng là một huyện "lớn" nhưng chưa đủ "mạnh" do bị "kẹt" giữa tuyến quốc lộ tệ hại nhất Tây Nguyên- quốc lộ 25, khả năng lưu thông hàng hoá bị hạn chế, cũng là một huyện mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp ở Ayun Pa càng cần thiết "tựa lưng" vào đồng vốn ngân hàng để phát triển.

Ông Lý Quốc Thành-người sở hữu
trang trại rộng gần 30 ha- đang
dựa vào nguồn vốn NHNN& PTNT
Ayun Pa để phát triển 20 ha rừng
xoan đào lấy gỗ.
Một trong những thách thức nổi trội mà Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Ayun Pa phải đối diện trong năm 2005 vừa qua chính là việc có đến non một nửa số hộ nông dân trồng mía (cùng với hộ trồng lúa là hai nhóm khách hàng chủ lực) tự ý chuyển đổi sang cây trồng khác, làm mạng lưới tín dụng phải... "chạy đuổi". Nguyên do từ sự ép giá của nhà máy đường khiến nông dân chán ngán. Với một huyện "thuần nông" lại hầu như ở vào "ngõ cụt" này, những biến chuyển khách quan như thế tác động nhiều mặt. Hoạt động ngân hàng không là ngoại lệ.

Với cơ cấu tín dụng khá tiêu biểu cho vùng thuần nông-dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm đến 98%, năm 2005, NHNN&PTNT Ayun Pa đã vận dụng mọi biện pháp linh hoạt và khoa học để đạt tổng dư nợ đến trên 133 tỷ đồng, tăng so với năm trước đó đến 31,8%, trong đó có 47% là dư nợ vay trung hạn, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó tạo cơ hội cho người nông dân Ayun có thể đầu tư "chiều sâu" trên mảnh ruộng của mình. Dư nợ cho vay của NHNN&PTNT Ayun Pa cũng chiếm đến 90% thị phần tín dụng trên địa bàn huyện.

Cùng thời điểm, "nợ xấu" tại đây cũng duy trì ở mức 0,62 % trên tổng dư nợ. Điều này đã đưa Ayun Pa trở thành một đơn vị có chất lượng tín dụng tốt trong hệ thống ngân hàng nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Ayun Pa vốn là vùng hưởng lợi từ công trình đại thuỷ nông Ayun Hạ, cây trồng chủ lực là lúa nước và mía. Cùng với "địa lợi, nhân hoá" , sự phối hợp tốt giữa hệ thống khuyến nông và ngân hàng đã góp phần đưa năng suất cả hai loại cây trồng cao vào loại nhất nước.

Mặt khác, Ayun Pa cũng là huyện khá "nóng" về trật tự xã hội, dân trí thấp đi kèm với tâm lý ỷ lại của một bộ phận khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số; cự ly "rải" vốn tín dụng xa... cũng là những khó khăn khách quan mà nói như Giám đốc ngân hàng Nguyễn Thị Kim Thuần, "nếu thiếu sự hỗ trợ của lãnh đạo huyện thì hoạt động của ngân hàng đã không được hiệu quả đến thế". Năm 2006, trong mục tiêu đạt tổng dư nợ cho vay đến 156 tỷ đồng (50% nợ trung hạn), huy động tại chỗ đạt 50 tỷ đồng, nợ quá hạn dưới 3%... một trong những cản ngại cần tháo gỡ là đẩy nhanh quá trình cấp "sổ đỏ" cho nông dân làm cơ sở giải ngân.

Và thực sự cần có cuộc "cách mạng" về giao thông để cải thiện năng lực lưu thông sản phẩm hàng hoá, qua đó tăng nhu cầu nguồn vốn. Điều này không chỉ cần sự "giúp đỡ" của huyện mà còn của các cấp trên nữa. "Vùng lõm" Ayun Pa "mở cửa" rộng hơn với bên ngoài chính là cơ hội để NHNN&PTNT Ayun Pa thêm cơ hội vượt lên trên vùng khó.