Cải tổ Liên Hợp Quốc? Lư Phổ Ân Vừa qua tại Liên Hợp Quốc (LHQ), các nước đang phát triển đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết do Nhóm nước 77 và Trung Quốc soạn thảo, bác bỏ những đề nghị mang tính cải tổ LHQ được Tổng Thư ký (TTK) LHQ Kofi Annan và các nước công nghiệp phát triển đưa ra liên quan đến quyền hạn quyết định các vấn đề về ngân sách và nhân sự của bộ máy tổ chức LHQ. Nếu những đề nghị này được thông qua thì tới đây TTK LHQ sẽ có thêm quyền hành và Đại hội đồng LHQ sẽ bị mất bớt quyền hành trong quyết định các vấn đề về ngân sách và nhân sự của bộ máy tổ chức LHQ. Cũng chính vì thế mà các nước đang phát triển phải bỏ phiếu bác bỏ. Người ta có thể thấy ngay những "đề nghị" nói trên phục vụ cho lợi ích riêng của một bộ phận nhỏ các nước thành viên LHQ chứ không phù hợp với các định hướng cải tổ LHQ vốn đã giành được sự đồng thuận chung trong LHQ. Mục tiêu cải tổ LHQ phải là dân chủ hoá mọi hoạt động trong LHQ, tăng cường hơn nữa vai trò và tiếng nói của Đại hội đồng LHQ trong các quyết định của LHQ và nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động của LHQ thì những đề nghị nói trên lại nhằm cắt bớt quyền hạn của Đại hội đồng. Mục tiêu cải tổ LHQ phải là cải tổ triệt để trong một kế hoạch bao trùm tổng thể mà mấu chốt là cải tổ tổ chức và cơ chế quyền hạn trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt là cải tổ quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực hiện tại, thì ở đây những đề nghị nói trên lại chỉ đề cập đến hai lĩnh vực mà các nước công nghiệp phát triển vốn có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm nhân lực. Cách tiếp cận như vậy thật chưa hợp lý, nếu như không nói là còn có thể sai lầm, vì như vậy sẽ có nguy cơ cuộc cải tổ LHQ lâm vào tình trạng "chắp vá, manh mún" và dần dần xa rời định hướng ban đầu. Ý đồ của các nước công nghiệp phát triển với những đề nghị này là sử dụng sự đóng góp tài chính cho ngân sách của LHQ nhiều hơn các nước đang phát triển làm áp lực và tạo tiền lệ buộc các thành viên khác phải chấp nhận cách thức và tốc độ vận hành, cả mục tiêu cuối cùng của việc cải tổ LHQ nói chung. Trong quá khứ, Mỹ đã nhiều lần buộc LHQ phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ thì mới chịu thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà Mỹ đã cam kết với LHQ. Mới đây, Nhật Bản đã công khai tuyên bố có thể sẽ xem xét lại phần đóng góp tài chính cho ngân quỹ của LHQ nếu không được chấp nhận là Uỷ viên Thường trực mới của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi được cải tổ. Trong quá trình cải tổ LHQ, các nước công nghiệp phát triển luôn tìm cách bảo toàn những đặc quyền đặc lợi của họ. Và trong khi quá trình ấy bị trì trệ thì họ tìm cách thúc đẩy cải tổ LHQ ở phần có lợi nhất cho họ. Cách tiếp cận ấy sẽ làm phân rẽ, chứ không thống nhất mọi nỗ lực của tất cả các thành viên để cải tổ LHQ, và vì vậy có thể phản tác dụng. |
▪ Thủ tướng Phan Văn Khải sẵn sàng bàn giao chức vụ (06/05/2006)
▪ Tư tưởng Marx đã làm thay đổi lịch sử nhân loại (06/05/2006)
▪ Cần luật hoá phản biện xã hội (06/05/2006)
▪ 30% và 70% (05/05/2006)
▪ Thượng đế thích mua gì? (05/05/2006)
▪ Có thể mua vàng giá rẻ (05/05/2006)
▪ Lòng dân thất vọng (04/05/2006)
▪ Đồng Nai: Bao giờ đường 600 mới được sửa chữa? (04/05/2006)
▪ Hợp long cầu Bãi Cháy (03/05/2006)
▪ Sửa lỗi hệ thống (03/05/2006)