SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Cần luật hoá phản biện xã hội
Đan Tâm
Nhằm nâng quan điểm "Dân là gốc" lên một bước phát triển mới, Đại hội X của Đảng đã có một quyết định quan trọng là "Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội". Xác định vai trò phản biện xã hội tức giao quyền và trách nhiệm phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là một chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, khác về chất so với vai trò giám sát - kiểm tra vốn có lâu nay của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Giám sát và kiểm tra là xem xét việc làm đúng hay sai của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước về thực thi trách nhiệm quản lý kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi công dân; qua đó mà đề xuất, kiến nghị (thường gọi là "tham gia") để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Còn cơ quan nhà nước có tiếp thu, chấp nhận hay không, chủ yếu là tuỳ thuộc ở thiện chí và thái độ cầu thị của cán bộ, công chức nhà nước.
Còn "phản biện xã hội" tức là Mặt trận Tổ quốc hay đoàn thể nhân dân - thay mặt cho nhân dân hay cho đoàn viên, hội viên của mình - thực hiện quyền thẩm định đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước dự định ban hành, hoặc sự thực hiện các chủ trương, chính sách và các kế hoạch kinh tế - xã hội đó, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích đất nước, quyền lợi và nghĩa vụ người dân. YÁ kiến phản biện đúng phải được tiếp nhận thực hiện. Ýkiến phản biện không phù hợp phải được giải trình có lý có tình và phải được tổ chức đưa ra phản biện đồng tình.
Phản biện xã hội trở thành điều kiện tiên quyết, ràng buộc trong quá trình hoạch định và thực thi chủ trương, chính sách, kế hoạch kinh tế - xã hội, sẽ ngăn chặn đến mức cao nhất tình trạng quan liêu, xa dân của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, đề cao được trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hạn chế và khắc phục được chuyên quyền, độc đoán; đồng thời phát huy và thể hiện được vai trò giám sát và kiểm tra của nhân dân đối với mọi hoạt động của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước. Muốn thực hiện được phản biện xã hội thì phải công khai, minh bạch mọi chủ trương và việc làm của tổ chức Đảng và của cơ quan nhà nước. Mà công khai, minh bạch là một tiền đề và yếu tố quan trọng nhất để ngăn ngừa và loại trừ những việc làm phi pháp, tiêu cực, nhất là sách nhiễu, tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội... Phản biện xã hội là một phương thức xã hội tối cần thiết, là cái "phanh hãm" không thể thiếu để ngăn ngừa sự chuyên quyền, sự độc đoán.
Để phản biện xã hội trở thành hiện thực lành mạnh và tích cực của xã hội ta, rất cần được luật hoá nhanh chóng. Chưa kịp ban hành luật, trước mắt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên ban hành pháp lệnh; trong đó bao gồm cả Quy chế dân chủ, mà hiện mới là nghị định của Chính phủ. |