30% và 70% Đình Chúc Với đại biểu kiêm nhiệm có làm hết mình thì cũng chỉ đạt được 30%, còn 70% nữa ta chưa làm tròn nhiệm vụ trước dân. Dân bầu chúng ta, vậy mà ta để lại 70% công việc ở sau lưng". Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã thẳng thắn chỉ ra như vậy trong phiên thảo luận của UBTVQH chiều 3.5. Trăn trở của người đứng đầu QH khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Có cần thiết phải giữ lại một số lượng lớn ĐB chỉ làm được có 30% nhiệm vụ như vậy không? QH muốn làm tròn 100% bổn phận của dân giao phải làm gì? Trong nhiều khoá QH vừa qua, có một thực tế là số ĐB kiêm nhiệm luôn chiếm đa số (khoá hiện tại còn tới 75%, tức khoảng 350/tổng số gần 500 ĐBQH). Cũng lại cần phải phân tích số 350 ĐB kiêm nhiệm trên. Ngoài một số đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước (vốn rất cần có tiếng nói trong QH), thì đa phần là các vị bộ trưởng hoặc tương tương, các vị bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố, thậm chí cả lãnh đạo các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan tư pháp trung ương và địa phương... Như thế, phần lớn họ đều là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mà người đứng đầu thì có quá nhiều sự vụ cần phải chỉ đạo, giải quyết. Nay mỗi năm phải dành ra thời gian từ 2- 3 tháng cho 2 kỳ họp QH thì quả là làm cố được tới 30% nhiệm vụ - như Chủ tịch Nguyễn Văn An nói - cũng là gắng lắm. Tại nhiều diễn đàn cả trong và ngoài QH, đã có không ít ý kiến cho rằng, không nhất thiết các vị bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, bí thư các địa phương phải là ĐBQH. Đóng góp cho ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X vừa qua, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn: Không nhất thiết đồng chí uỷ viên T.Ư nào cũng phải có mặt trong QH. Chính từ nguyên nhân bận quá nhiều công việc như đã nói, không ít buổi họp QH, ghế ngồi của các vị ĐB kiêm nhiệm này đều bỏ trống! Không họp, tất không thể đóng góp cho QH. Song đó mới chỉ là nhìn dưới góc độ "định lượng". Điều quyết định của một đại biểu dân cử lại nằm ở chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Không ít người e ngại rằng, ngay cả cái 30% khối lượng mà các vị ĐB kiêm nhiệm gắng sức thực hiện kia chất lượng cũng không cao. Khi thảo luận về việc bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức QH bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng đã trăn trở: "Bây giờ, nhiều người không dám nói sự thật, không mạnh dạn do nể nang, né tránh, ngại va chạm...". Thực tế này có thể thấy trong nhiều phiên thảo luận, đặc biệt là các phiên chất vấn của QH, người ta cũng thấy các "ông nghị" kiêm nhiệm bộ trưởng, tỉnh trưởng rất ít phát biểu chính kiến, càng ít tranh luận vì ngại... va chạm! Thử hình dung, nếu số ĐB kiêm nhiệm (vốn đang có chức có quyền) vẫn chiếm tới 3/4 tổng số ĐBQH thì việc bỏ phiếu tín nhiệm sao không tránh khỏi "nể nang, né tránh". Và từ nể nang né tránh sẽ không loại được người kém năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền. Bởi thế, muốn nâng cái tỉ lệ hữu ích 30% kia lên và kéo cái con số kiêm nhiệm 70% này xuống, việc đầu tiên là các quan chức không nên chiếm quá nhiều ghế trong QH. |
▪ Lòng dân thất vọng (04/05/2006)
▪ Đồng Nai: Bao giờ đường 600 mới được sửa chữa? (04/05/2006)
▪ Hợp long cầu Bãi Cháy (03/05/2006)
▪ Sửa lỗi hệ thống (03/05/2006)
▪ Lý Tường Tuấn - Giám đốc điều hành Tập đoàn Cầu Vàng (Hàn Quốc): Cội rễ tôi là Việt Nam (30/04/2006)
▪ Mục tiêu ngày 1.5 vẫn rất nóng hổi (30/04/2006)
▪ Viện Lúa ĐBSCL: "Thần nông" thời @ (29/04/2006)
▪ Tăng giá xăng dầu: Bất ngờ là để tránh đầu cơ (29/04/2006)
▪ Míttinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và Giải phóng miền Nam (29/04/2006)
▪ "Tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng..." (29/04/2006)