Lòng dân thất vọng
Các Website khác - 04/05/2006
Lòng dân thất vọng
Hà Văn Thịnh

Không ngày nào không có dăm ba phiên toà được tiến hành ở đâu đó trên đất nước ta. Việc của toà đã thành "chuyện cơm bữa", khi mỗi ngày có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông, không ít vụ tham nhũng, sách nhiễu, buôn lậu... Thế nhưng, phiên toà vừa xét xử vụ đổ tàu E1 vừa rồi lại hoàn toàn khác...

Bản án đã được tuyên: Lái chính và lái phụ cộng chung mức án là 20 năm tù. Trước khi toà tuyên án, hầu hết người dân đã bỏ ra về. Nghịch lý còn ở chỗ, không ít người nhà nạn nhân đã kêu xin giảm án cho hai thủ phạm chính. Tại sao lại thế?

Phải nghĩ việc người dân bỏ về là sự quay lưng lại của lòng dân. Chính vì thế, chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ. Tại sao ngành đường sắt lại không hề phải chịu một chút trách nhiệm nào, khi có nhiều người chết và bị thương? Tại sao mẹ chết mà chỉ bồi thường cho con mỗi tháng hai trăm ngàn đồng thế là xong? Móc nối ráp toa bị hàn, đường ray, việc ép giờ tàu chạy - chẳng hạn chậm 15 phút, nhưng ngành đường sắt chỉ trừ có 2 phút, thì đó là lỗi của ai đây, nếu lái tàu không tăng tốc? Trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành ở đâu?...

Ngành đường sắt "phát triển", thế mà đã bao năm rồi có thêm được đoạn đường đôi, đường rộng 1,45m nào đâu! Không hiểu lợi nhuận và vốn liếng đi đâu hết? Ai cũng biết Trung Quốc chỉ thuận lợi hơn ta chút ít mà họ thay gần hết bằng đường sắt đôi 1,45m và giá cả thì chỉ bằng 2/3 Việt Nam. Rõ ràng dù muốn dù không, ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm và những người lái tàu trong vụ E1 không thể phải gánh hết như thế.

Chuyện toà án xử mà người dự phát chán, thì thử hỏi còn gì đáng nói nữa? Đây không phải là vụ việc đầu tiên. Đã đến lúc cần phải có bồi thẩm đoàn do dân bầu, dân cử. Nếu cho người dân quyền giám sát hoạt động của bộ máy tư pháp, thì chắc chắn không có những phiên toà như thế. Chuyện còn đi xa hơn nữa: Không lẽ xử sai, tạo nên án oan sai rồi, Nhà nước lấy tiền đóng thuế của dân ra để đền bù; Nhà nước đứng ra xin lỗi; còn người xét xử không mảy may sứt mẻ? Nền dân chủ pháp quyền XHCN không cho phép tồn tại sự tắc trách dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất kỳ đâu.

Pháp luật nghiêm minh, không để lọt người, lọt tội là một yếu tố quyết định tạo nên sự trong sạch, vững mạnh của chính quyền. Ngược lại, sẽ là sự dung dưỡng, bao che cho tội ác và sai phạm. Có lẽ nào trách nhiệm của một cơ quan được đầu tư nhiều nhưng ít thay đổi như ngành đường sắt cứ đủng đỉnh được cho qua? Công lý và lòng dân đòi hỏi phải có sự thay đổi!