Gói thầu số 4 là gói thầu chính của dự án có giá trị xây lắp hơn 20,7 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị của công trình. Gói thầu này có nhiệm vụ xây kè và đắp tuyến đê dài 3.212 m dọc bờ sông Ðà Rằng, do Công ty Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (COMAEL - Tổng công ty Cơ khí xây dựng) thi công. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng liên quan, gồm nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, giám sát kỹ thuật và chủ đầu tư.
Dự án kè Bạch Ðằng ngoài nhiệm vụ chống ngập cho TP Tuy Hòa, còn kết hợp xây dựng thành tuyến giao thông dọc bờ sông Ðà Rằng, góp phần chỉnh trang đô thị tỉnh lỵ. Ðây là công trình trọng điểm của tỉnh do BQL Dự án thủy lợi (Sở NN - PTNN) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng tháng 4-2002, dự kiến hoàn thành trong hai năm. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, vì nhiều lý do khác nhau, đã không hoàn thành theo đúng tiến độ. Riêng gói thầu số 4, nhà thầu ký hợp đồng thi công trong 23,5 tháng, nhưng sau đó đã hai lần xin gia hạn thời gian thi công, lần đầu đến 30-8-2004 và lần cuối cam kết hoàn thành trước ngày 30-7-2005.
Ðến trước thời điểm xảy ra "sự cố" nói trên, COMAEL thi công hoàn thành cơ bản tuyến đê với giá trị khối lượng xây lắp hơn 18 tỷ đồng và đã được nghiệm thu thanh toán gần 17,78 tỷ đồng. Phần còn lại của gói thầu này gồm bốn mỏ hàn phía ngoài sông với khối lượng 47.000 m3 đá hộc, bơm cát nền đường còn khoảng 47.000 m3, xếp đá hộc tầng lọc bên trong kè còn 800 m3, bê-tông khóa kè còn 94 m3 và lát tiếp 2.500 tấm đan P.Ð.T. Do tuyến đê là hạng mục chính của công trình chưa hoàn thành, cho nên nhiều hạng mục khác cũng bị ảnh hưởng, không thể tiếp tục thi công như móng, mặt đường, vỉa hè, lan can, hệ thống thoát nước mưa...
Trở lại hiện trường của dự án kè Bạch Ðằng trong những ngày gần đây, chúng tôi thấy nhiều bất cập do việc dừng thi công. Nền đường ngổn ngang với những đống đất cát chưa được san lấp, một số vị trí trở thành nơi chứa rác thải, phóng uế. Ðoạn đầu đê, mái ta-luy xây lát bằng tấm đan P.Ð.T. dở dang đã sạt lở. Trên vách đê nhô lên những cây sắt để chắp nối xây trụ lan can đã gỉ sét...
Trong khi đó, nhà thầu chuẩn bị thi công phần móng, mặt đường đã đưa thiết bị, phương tiện kỹ thuật đến hiện trường từ nhiều tháng nay phải nằm chờ. Những hộ dân sống dọc tuyến đê bày tỏ bức xúc vì không có lối đi, ảnh hưởng sinh hoạt đời sống. Còn ông Lê Văn Hương, nguyên Phó Giám đốc Công ty thủy nông Ðồng Cam về nhận chức Trưởng ban quản lý dự án thủy lợi, lo khắc phục "hậu quả" dự án này cũng bức xúc không kém. Ông bảo: Chúng tôi đã nhiều lần mời nhà thầu COMAEL vào làm việc để bàn việc tiếp tục thi công, nhưng họ đều tìm cách trì hoãn. Trong khi đó, phía công an cũng chưa đưa ra kết luận xử lý vụ án. Chúng tôi đã làm việc với các ngành liên quan và đang kiến nghị với UBND tỉnh để sớm có hướng tiếp tục thi công trở lại.
THEO chúng tôi, để dự án trọng điểm này sớm được thi công trở lại cần sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại của gói thầu số 4. Chủ dự án cần phối hợp công an tiến hành giám định đánh giá lại chất lượng của hệ thống cọc do việc thi công rút bớt khối lượng của nhà thầu. Qua đó, có giải pháp bổ sung để bảo đảm chất lượng, ổn định công trình. Nếu nhà thầu COMAEL cố tình dây dưa thì hủy hợp đồng thi công, cần thiết kiến nghị xử lý theo pháp luật, đồng thời thành lập hội đồng đánh giá lại khối lượng thi công, tính toán khối lượng còn lại tìm nhà thầu khác thi công hoàn chỉnh gói thầu này, tạo điều kiện cho các nhà thầu khác thi công các gói thầu còn lại.
Cũng cần nói thêm, trong quá trình triển khai thi công, dự án này có sự điều chỉnh thiết kế về phần đường để phù hợp quy hoạch đô thị, cho nên đến nay một số hạng mục chưa có thiết kế bổ sung, nhất là các phần kết nối với bến cá phường 6 (cuối kè) và nút giao thông băng qua đường sắt nối vào QL 1A (đầu kè) để hoàn chỉnh tuyến giao thông ven sông này.
|