"Các bậc cha mẹ thường cho rằng con mình thì mình có quyền đánh và tức quá thì đánh. Họ cần nhớ, trẻ cũng có tâm sinh lý, buồn vui và ức chế riêng, nếu bị trừng phạt thể xác nhiều lần, các em sẽ có ý thức bạo lực giải quyết được mọi vấn đề", ông Trần Ban Hùng, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, nói.
Tại Hội thảo "Không dùng hình phạt với trẻ - sử dụng biện pháp thay thế", ở TP HCM hôm qua, ông Hùng cho biết, phần lớn hành vi trừng phạt thể xác và tinh thần trẻ em xảy ra trong các gia đình.
Qua khảo sát của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tiền Giang, cứ 100 người mẹ có trên 63 bà hay có hành vi này. Tỷ lệ trừng phạt thể xác và tinh thần trẻ em ở những ông bố có tỷ lệ thấp hơn, với khoảng 56%. Còn tại trường, tỷ lệ cô giáo có hành vi trên đối với học sinh là 24,5%, còn thầy giáo gần 13%.
Cũng theo ông Hùng, thông thường, người mạnh có hành vi trừng phạt thể xác với người yếu hơn mình. Khi đánh đập con cái, hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận ra tâm trạng sợ hãi của trẻ. Nhưng họ nghĩ, không có trẻ nào căm giận hoặc có ý định trả thù. "Tuy nhiên, nếu thuở nhỏ các em bị đánh nhiều thì lớn lên, các em có thể có những hành vi để lại hậu quả xấu khó lường. Thực tế, đã có những trường hợp các em bỏ nhà đi, đánh lại người lớn hoặc tự tử, thậm chí bột phát giết người", ông Hùng nói. "Người lớn cũng cần hiểu rằng, hành vi trừng phạt thể xác và tinh thần trẻ là phạm luật, họ có thể phải ở tù"
Trả lời phỏng vấn của Tổ chức cứu trợ trẻ em ở Việt Nam, nhiều người lớn cho biết, họ dùng những cách giáo dục như quát, mắng, chửi, hay đánh đòn hoặc phạt trẻ chỉ mong trẻ ngoan hơn, tốt hơn. Họ chỉ đánh bằng roi, bằng tay vào những chỗ không nguy hiểm trên thân thể trẻ. Tuy nhiên, họ cũng cho hay, hàng xóm của mình đánh, mắng con đến mức có trường hợp thâm tím mặt mày, thân thể và có trẻ phải bỏ nhà đi lang thang. Còn theo ý kiến của trẻ, người lớn có thể dùng roi, gậy để đánh hoặc đấm, đá, dùng tay tát vào mặt, mông các em. Có người vớ được cái gì đánh trẻ cái đó.
Lỗi thông thường của các em dẫn đến phải chịu hành vi trừng phạt là: mải chơi không nghe lời người lớn, nô đùa trong giờ nghỉ ngơi, không giúp bố mẹ làm việc nhà, bị điểm kém.
Định nghĩa của Liên minh Cứu trợ trẻ em quốc tế: trừng phạt thân thể và tinh thần là hành vi sử dụng vũ lực, lời nói hoặc các hành vi khác nhằm gây ra đau đớn nhưng không gây thương tích. Hình thức trừng phạt gồm, trừng phạt về thể xác: Trẻ em có thể bị người lớn đánh bằng tay hay đồ vật, đá, lắc, ném, véo, giật tóc, ngồi hay quỳ… trong các tư thế khó chịu hay nhục hình, phải thực hiện quá mức các bài tập thể dục. Hoặc sỉ nhục, hạ thấp nhân phẩm: bị chửi bới, mỉa mai, xa lánh, bị bỏ mặc. Lược trích Luật Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, tại Điều 7, quy định nghiêm cấm các hành vi: - Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm mạng tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác. - Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm, hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Tại điều 14, Chương về Quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, quy định: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và Xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Theo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), điều 104, về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Điều 110 (nguyên văn): Tội hành hạ người khác: 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người. |
Thanh Lương
▪ Bộ râu và nhà hiền triết (16/03/2006)
▪ Tăng cường cán bộ, công chức về vùng sâu, vùng xa (16/03/2006)
▪ Kết quả cuộc thi tìm hiểu "20 năm đất nước đổi mới" tuần mười hai (16/03/2006)
▪ Uỷ ban MTTQ TPPHCM bàn giải pháp chăm lo dân nghèo năm 2006 (16/03/2006)
▪ Kỷ luật 2 phó bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn (16/03/2006)
▪ Cầu Văn Thánh 2 bị thủng một hố lớn (16/03/2006)
▪ Hungary sản xuất văcxin cúm gà cho người (16/03/2006)
▪ Mốt chơi xe của giải Ngoại hạng Anh (16/03/2006)
▪ Tiền bẩn khủng khiếp (16/03/2006)
▪ Việt Nam: 2006 là năm cất cánh (16/03/2006)