Bộ râu và nhà hiền triết
Các Website khác - 16/03/2006

Bộ râu và nhà hiền triết
Nguyễn Trung Hiếu

Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ thị với nội dung: Từ tháng 3.2006, tất cả 78 loại biểu mẫu của dân gửi đến các cấp chính quyền đề đạt nguyện vọng sẽ thay tiêu đề "đơn xin" thành "đơn đề nghị".

Theo người có trách nhiệm ở TP.Đà Nẵng thì chỉ thị này ở trong lộ trình cải cách hành chính, nhằm trả lại quyền "làm chủ" cho người dân và một lần nữa xác định lại vị trí "công bộc" của cán bộ, công chức... Công bằng mà nói, chỉ mới thay một chữ "xin" bằng "đề nghị" đã nói được ít nhiều tư duy hành chính.

Tuy nhiên, sự thay đổi trên tiêu đề đơn thư của dân liệu có đủ khả năng thay đổi toàn diện cái gốc của nền hành chính vốn có căn bệnh "hành" dân là "chính" - nhất là ở cơ sở?

Xin đưa ra 2 ví dụ cùng ở Đà Nẵng. Tháng 6.2005, ông Hoàng Trọng Diệu - ngụ tại lô 28 Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng - gửi đơn đến các cấp chính quyền khiếu nại về việc nhà ông bị một khách sạn quy mô 10 tầng xây sau làm nứt nẻ, nghiêng lún.

Suốt gần 9 tháng qua, "quả bóng" thẩm quyền giải quyết được đá từ UBND thành phố qua Sở Xây dựng rồi về Trung tâm Kiểm định, Đội quy tắc xây dựng quận, rồi lại ngược lên cơ quan cấp trên... và cũng chưa biết sẽ dừng ở điểm nào.

Hay trường hợp gia đình mẹ liệt sĩ Trần Thị Liên - trú tại Hoà An, quận Cẩm Lệ (trước thuộc huyện Hoà Vang) bị chiếm đất với sự giúp sức của chính quyền huyện Hoà Vang - Báo Lao Động đã có lần đề cập. Sự vụ kéo dài suốt 4-5 năm trời, một mẹ già 90 tuổi, một người con trai độc nhất bị bệnh tâm thần vẫn phải chạy hết cửa này đến cửa kia, nhưng đến nay việc vẫn bị vùi lấp.

Chỉ dẫn ra hai việc này thôi để thấy rằng, dù đã khởi động một tư duy mới về hành chính, nhưng chưa nói lên được điều gì lớn trong cải cách hành chính.

Bởi vì "Bộ râu không làm nên nhà hiền triết". Ở đây, vấn đề không nằm ở từ ngữ, mà vướng mắc lớn nhất ở cơ chế quản lý hành chính là ai cũng có thể có quyền (khi cần) và lại không có quyền gì cả (khi muốn né tránh trách nhiệm). Bởi vậy, để trở thành "nhà hiền triết" thì điều cốt yếu là sự thay đổi về nội dung, chứ không chỉ quan tâm đến "bộ râu".