Lý Tường Tuấn - Giám đốc điều hành Tập đoàn Cầu Vàng (Hàn Quốc): Cội rễ tôi là Việt Nam Phan Chiến Thắng Không hiểu bằng cách nào mà ông Lý Tường Tuấn (Ly Sang Joon - quốc tịch Hàn Quốc) lại có thể "đọc" được ý nghĩ của tôi khi tôi tò mò tìm kiếm một nét Việt nào đó trên gương mặt ông - vị hậu duệ thứ 38 của Hoàng tử Lý Long Tường. Ông vội giải thích bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ: "Nhìn bề ngoài tôi là người Hàn Quốc. Nhưng cội rễ của tôi là Việt Nam". Lý Tường Tuấn hiện là Giám đốc điều hành Tập đoàn Cầu Vàng (Golden Bridge) - một công ty tài chính hàng đầu Hàn Quốc.
´ Điều gì đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ông khi lần đầu tiên trở về nguồn cội, khiến ông thực sự nhận ra rằng Việt Nam chính là quê hương của mình? - Ngay khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, tôi đã có một linh cảm kỳ lạ. Người Hàn Quốc vốn không quen với cái nóng. Vậy mà tôi lại chịu nóng rất tốt. Khi cửa máy bay mở ra, tôi thấy cái nóng oà vào người mình. Và tôi ngửi thấy mùi gì thơm thơm, cay cay rất quen thuộc. Tôi có cảm giác đây đúng là hương vị mà mình tìm kiếm bấy lâu. Kể từ cái lần đầu tiên trở về cố hương đó, Lý Tường Tuấn bay đi bay về như con thoi giữa Seoul và Hà Nội. Chỉ tính từ tháng 12 năm ngoái tới nay, tháng nào ông cũng tới Việt Nam và mỗi lần, ông ở lại hai tuần. Cứ chiều tối, sau khi kết thúc công việc, Lý Tường Tuấn lại rảo bước trên những con phố rợp bóng cây của Hà Nội để cùng được hoà mình với cuộc sống sôi động của người dân thủ đô. Ông nhận xét: "Tôi thấy trong các quán bia, quán phở toàn là đàn ông, mà không thấy phụ nữ. Dường như đàn ông ở đây sống rất thoải mái thì phải". ´ Ông về Việt Nam nhiều như vậy vì công việc hay vì nhớ cố hương? - Mỗi lần sang Việt Nam, tôi đều có cảm giác gần gũi và thích thú, như ở nhà mình vậy. Ơ Seoul nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt và bức bối. Còn tại Hà Nội, quang cảnh rất yên bình. Mỗi lần đi thăm các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... nhìn hình ảnh đồng ruộng và những người nông dân, tôi đều liên tưởng tới Hàn Quốc cách đây 30 năm. Và tôi như tìm lại được tuổi thơ vất vả của mình. Sau 780 năm, kể từ khi Hoàng tử Lý Long Tường vượt biển sang xứ Cao Ly, tôi cảm thấy mình đã mất gốc. Vì vậy giờ đây, tôi muốn tìm hiểu thêm càng nhiều càng tốt về phong tục và văn hoá Việt Nam. Tôi luôn cố gắng làm sao đó để thấy được hình ảnh Việt Nam trong con người mình. ´ Vậy ông đã làm được những gì và kế hoạch của ông tại Việt Nam trong thời gian tới? - Cuối tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Sau một thời gian tìm hiểu thì đến giờ tôi đã thực sự biết rõ mình cần tiến hành hoạt động gì ở Việt Nam. Chúng tôi vừa mới ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Công ty Xử lý nợ Việt Nam bản ghi nhớ để cùng hợp tác trong việc xử lý nợ tồn đọng trong ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi đang xúc tiến ký bản ghi nhớ để hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Hiệp hội Chứng khoán Hàn Quốc nhằm thúc đẩy thị trường vốn của Việt Nam... Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo tại Hà Nội và TPHCM về chủ đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Các cuộc hội thảo tương tự sẽ được tổ chức trong tương lai. Từ năm ngoái chúng tôi cũng bắt đầu cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học thạc sĩ tại Hàn Quốc để giúp họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức và thông tin. Ở Hàn Quốc, công ty chúng tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ về mặt địa điểm để Phòng thương mại Việt Nam ở Hàn Quốc có thể hoạt động tốt. Và tôi cũng thường xuyên quan tâm tới những trường hợp lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc mà gặp khó khăn. Cách đây không lâu, một lao động Việt Nam ở Hàn Quốc bị tai nạn lao động. Công đoàn công ty chúng tôi đã mở đợt quyên góp được 25.000USD để giúp nạn nhân này trang trải viện phí và trở về nhà. Tôi hỏi ông Lý đã học tiếng Việt được nhiều chưa, ông tự tin nói một tràng: "Tôi tên là Lý Tường Tuấn. Tôi là Chủ tịch Tập đoàn Cầu Vàng của Hàn Quốc. Tôi là hậu duệ Vua nhà Lý". Nhưng, đó chỉ là những câu "tủ" mà ông học thuộc. Vốn tiếng Việt của Lý Tường Tuấn dường như bằng không. Lý Tường Tuấn có vẻ hơi ngượng ngập khi bị tôi "bắt vở". Ông cho biết sẽ nhanh chóng "cải thiện" tình trạng này. ´ Hậu duệ của dòng họ Lý hiện đang sống thế nào tại Hàn Quốc? - Dòng họ Lý ở Hàn Quốc giờ còn khoảng 1.500 người. Tại Bắc Triều Tiên, nơi Hoàng tử Lý Long Tường đặt chân đến cũng có khoảng 1.500 người nữa. Con cháu của dòng họ Lý cũng bị phân chia nam bắc ở bán đảo Triều Tiên... Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhưng hậu duệ của dòng họ Lý vẫn ngày ngày nhớ về quê hương. Họ luôn giữ trong tim mình một hình ảnh Đại Việt không bao giờ phai nhạt. Tại Hàn Quốc, chúng tôi lập ra một "hội đồng hương", gọi là nhóm "Họ nhà Lý Hoa San". (Hoa San là tên quả núi nơi Hoàng tử Lý Long Tường đặt chân đến). Vào ngày 12.4. 2006, nhiều con cháu nhà Lý ở Hàn Quốc đã về Việt Nam để dự lễ giỗ tổ của dòng họ Lý ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Ở Hàn Quốc có nhiều dòng họ từ nước ngoài sang như Trung Quốc, Âận Độ, Nhật Bản..., khoảng 2.000 dòng họ, nhưng chỉ duy nhất dòng họ Lý chúng tôi là trở về để dự giỗ tổ của mình. Tôi đã 3 lần dự lễ giỗ tổ này. Mỗi lần như vậy, tôi đều cảm nhận rằng vùng đất này chính là nơi xuất phát và tiếp nối 8 đời của dòng họ mình. Và tôi thấy mình cũng giống hệt như những người dân Việt Nam ở vùng quê này. Lý Tường Tuấn sinh năm 1957 tại trung tâm Myong Dong của thủ đô Seoul. Giống như những đứa trẻ quê lên phố kiếm kế sinh nhai, ông cũng phải trải qua một tuổi thơ khá vất vả. Lớn lên, Lý Tường Tuấn vào học Đại học Seoul, ngành Nguồn lực công nghệ. Trong những ngày vất vả học tập, Lý Tường Tuấn vẫn cất giữ trong đầu mình lời dặn dò của người cha và ông đã cất công tìm hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Cuộc tìm kiếm của ông bắt đầu bằng những sách, báo về VN mà ngày đó vẫn còn là hiếm hoi. ´ Những thông tin về VN đầu tiên đến với ông từ khi nào và điều gì là ấn tượng nhất? - Năm 1975, tôi có nghe qua đài báo về chiến thắng của Việt Nam. Tôi đã tìm đọc rất nhiều sách viết về lịch sử và văn hoá Việt Nam để tìm hiểu xem tại sao nước Việt Nam lại có thể chiến thắng một cường quốc như Mỹ. Tôi cũng đã say mê đọc cuốn "Chiến tranh của nhân dân, Quân đội của nhân dân" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi cảm thấy rất tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt. ´ Là một doanh nhân thành đạt như hiện nay, ông có thể kể về hành trình của mình? - Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với hai bàn tay trắng. Sau khi ra trường, tôi đã trải qua khá nhiều việc từ làm công nhân trong các công ty xây dựng, vận chuyển thực phẩm đến công chức trong Văn phòng Quốc hội. Tôi đã góp phần xây dựng hệ thống luật, giám sát thị trường tài chính Hàn Quốc suốt 3 năm. Rồi tôi cảm thấy mình cần ra khỏi cơ quan nhà nước và tự đứng lên. Khi đó tôi nghĩ mình cần phải đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tài chính để chống lại sự bùng nổ của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm chiếm thị trường Hàn Quốc lúc bấy giờ. Năm 2000, Lý Tường Tuấn thành lập Công ty Golden Bridge. Theo ông thì Golden Bridge là một tập đoàn tài chính độc đáo, kết hợp công ty chứng khoán và công ty quản lý tài sản đặc thù về đầu tư và tư vấn trong thị trường nợ tồn đọng, chuyển nhượng doanh nghiệp... Công ty hoạt động trên các lĩnh vực đa dạng như tài chính, xử lý nợ tồn đọng, xử lý công ty phá sản, đầu tư xây dựng, bất động sản, giải trí... Dưới sự dẫn dắt của Lý Tường Tuấn, Golden Bridge không ngừng phát triển, trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc, với khoảng 500 nhân viên có chuyên môn cao, gần 24 chi nhánh và tài sản trị giá 300 tỉ won. Lý Tường Tuấn cho biết, đã đến lúc, ông đủ tiềm lực quay trở về giúp đỡ Việt Nam. Với kinh nghiệm của một thương gia hàng đầu Hàn Quốc, cộng với những tâm huyết xây dựng quê hương, Lý Tường Tuấn trăn trở: "Ơ Việt Nam hiện nay, cái khó nhất là giá bất động sản tăng chóng mặt. Đất ở thành phố không có giá trị sản xuất, nhưng chi phí cho cơ sở hạ tầng lại tốn rất nhiều. Làm sao để có đất xây dựng nhà xưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đó là vấn đề khá lớn". Lý Tường Tuấn cho rằng, phải làm sao thay đổi thói quen cất giữ đồng tiền trong nhà của người Việt Nam, để đồng tiền tham gia vào thị trường nhiều hơn. Đầu tư liên tục sẽ tạo ra tăng trưởng. "Trong thời gian 30 năm, tôi đã trải qua khá nhiều thời kỳ tại Hàn Quốc, kể từ khi thu nhập của người dân Hàn Quốc còn ở mức dưới 50 USD/tháng đến nay. Với những gì mà tôi chứng kiến tại Việt Nam bây giờ, tôi thấy hai nước có nhiều điểm tương đồng. Tôi nhìn thấy và tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam", Lý Tường Tuấn khẳng định rất chắc chắn. Trước khi chia tay tôi, ông dặn nhỏ: "Lần sau nếu có dịp gặp nhau, chúng ta sẽ uống rượu Nếp Mới. Mặc dù đã uống nhiều loại rượu trên thế giới, nhưng Nếp Mới là thứ mà tôi thích nhất, bởi nó còn nguyên hương vị Việt Nam". |
▪ Viện Lúa ĐBSCL: "Thần nông" thời @ (29/04/2006)
▪ Tăng giá xăng dầu: Bất ngờ là để tránh đầu cơ (29/04/2006)
▪ Míttinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và Giải phóng miền Nam (29/04/2006)
▪ "Tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng..." (29/04/2006)
▪ Bận rộn gấp bội (29/04/2006)
▪ Hai nước Lào và CHDCND Triều Tiên gửi điện chúc mừng TBT Nông Đức Mạnh (28/04/2006)
▪ Đồng chí Nông Đức Mạnh tái đắc cử Tổng Bí thư (25/04/2006)
▪ Vô cảm? (28/04/2006)
▪ Giờ là lúc "nói ít, làm nhiều" (27/04/2006)
▪ Diễn văn Bế mạc Đại hội X của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (25/04/2006)