* Thưa ông: năm nay có trên dưới 100.000 Việt kiều về quê ăn Tết. Con số này rất nhỏ so với khoảng 3 triệu kiều bào trên thế giới. Phía UB sẽ có những hoạt động gì để bà con Việt kiều về quê đông hơn?
- Dĩ nhiên phải có sự hưởng ứng mạnh mẽ của bà con thì chương trình mới thành công được, như chương trình đón kiều bào tại sân bay; Saigontourist giảm giá phòng; thành lập CLB Khoa học Kỹ thuật Việt kiều... Ngày 21-1 này (22 tháng Chạp) tại Khu du lịch Văn Thánh, bà con Việt kiều sẽ gặp gỡ nhau trong chương trình "Về quê ăn Tết" có Lãnh đạo Trung ương và TP Hồ Chí Minh đến dự... Đặc biệt, ngày 20-1, chúng tôi ra mắt cuốn sách Kiều bào và quê hương với phần lớn nội dung do Việt kiều viết.
* Các phương tiện truyền thông trong nước, có thể nói, chưa tác động mạnh mẽ đến đời sống kiều bào. Bà con Việt kiều cũng chưa có trang web của riêng họ, đủ mạnh để lấn át những trang web thường xuyên tạc thực tế trong nước?
- Bà con Việt kiều hiện sống rải rác ở trên dưới 100 nước khác nhau. Rõ ràng điều kiện thông tin liên lạc rất khó khăn. Chúng tôi quan tâm đến vấn đề này nên đã xin Trung ương cho phép ra đời tờ báo Quê nhà, trực thuộc UBVNVNONN TP Hồ Chí Minh, là tiếng nói góp phần thực hiện công tác kiều bào. Chúng tôi sẽ khuyến khích bà con Kiều bào viết bài, phản ánh cho được cuộc sống tâm tư nguyện vọng của họ, đồng thời truyền đạt chủ trương chính sách của Nhà nước. Nghĩa là làm sao, cùng với những tờ báo khác, giúp người dân trong nước hiểu hơn đời sống kiều bào và bà con kiều bào hiểu rõ đời sống trong nước. Chúng tôi sẽ làm cả báo điện tử và báo in.
* Tiến độ thực hiên tờ báo đến nay như thế nào rồi?
- Tôi nghĩ là năm nay sẽ đi vào hoạt động. Nhưng đây là vấn đề thuộc phạm vi Trung ương. Tôi mong rằng Chính phủ quan tâm để sớm cho tờ báo ra đời. Riêng TP Hồ Chí Minh thì rất ủng hộ chuyện này.
* Quê nhà có lẽ không đơn thuần chỉ là tuyên truyền những chủ trương, chính sách trong nước...
- Thực tế, thông tin của một bộ phận có động cơ không lành mạnh đang xuyên tạc làm không ít bà con Việt kiều hiểu lệch lạc về đất nước. Do đó phải giải tỏa được chuyện này. Tờ báo Quê nhà là phương tiện, là cầu nối trên các lĩnh vực để làm sao đến được với kiều bào, có ảnh hưởng tích cực, góp phần vào việc thông tin kịp thời cho kiều bào những chủ trương chính sách, cũng như thông tin những vấn đề nóng bỏng của kiều bào với trong nước để từ đó có những chính sách phù hợp.
* Những tờ báo trong nước hiện đưa quá nhiều chuyện tiêu cực, khiến bà con kiều bào khó tiếp cận Việt Nam qua những mặt tích cực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng là bà con nghe thông tin từ hai phía. Một phía nói xấu Việt Nam, một phía làm sáng tỏ những chính sách của Nhà nước. Đây là căn bệnh kéo dài nhiều năm. Muốn khắc phục, theo tôi, ngoài những tờ báo trong nước, Hội NVNONN cần tăng cường hoạt động báo chí. Số người có động cơ xấu chống đối đất nước hiện là thiểu số, đã bị thu hẹp. Đại đa số Việt kiều đang hướng về quê hương. Nhưng có điều là mình chưa quy tụ kiều bào để họ tuyên truyền cho nhau. Làm được điều này sẽ tăng sức tuyên truyền mạnh hơn, lớn hơn. Mình ôm đồm làm hết thì không bao trùm hết được. Dùng sức mạnh kiều bào là tốt hơn cả và phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng sức mạnh kiều bào. Muốn làm được điều đó, phải quan tâm hỗ trợ cho các Hội NVNONN để họ có những điều kiện cần thiết hoạt động hiệu quả hơn.
Làm sao có những tờ báo phát triển được ở bên ngoài để cạnh tranh với những tờ báo hiện hành? Giải quyết được điều đó thì mới căn cơ, có tác dụng lớn hơn. Tôi nghĩ phải có cả một chuyên đề bàn bạc về vấn đề này.
* Hiện nay, Việt kiều về nước hầu hết là người lớn tuổi, giới trẻ còn ít. Vậy làm cách nào tuyên truyền tốt hơn để những người trẻ về nước nhiều hơn?
- Thanh niên về nước ít là khách quan. Lý do là họ đang học hoặc làm việc, thì giờ ít. Người lớn tuổi rảnh rỗi, về do động cơ làm ăn, nghiên cứu khoa học, hồi hương... Trong năm qua, UBVNVNONN,. Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức trại Hè cho thanh thiếu niên Việt kiều. Rồi chương trình Mùa Hè xanh tình nguyện đã thu hút lực lượng trẻ về tham gia vào các công trình, các chiến dịch, các hoạt động từ thiện xã hội; đi sâu vào việc chăm lo đời sống bà con. Đó là cách giáo dục tốt cho thế hệ trẻ Việt kiều hiểu nhiều hơn về đất nước.
Một khi hiểu hoàn cảnh của đất nước sẽ khiến họ suy nghĩ nên đóng góp như thế nào cho quê hương trong điều kiện, hoàn cảnh mình có thể. Không thể bắt buộc các em về quê; ở nước ngoài nhưng vẫn đóng góp cho đất nước thì cũng tốt. Đây là những người còn trẻ, có độ tuổi từ 20 - 40, thậm chí 45 tuổi, độ tuổi này không có ảnh hưởng gì nhiều đến định kiến chế độ; về mặt chính trị không phức tạp. Do đó, họ là đối tượng cần kêu gọi đóng góp cho đất nước.
* Chúng ta mời gọi Việt kiều về nước đầu tư, nhưng mình có tính đến chuyện đầu tư lại cho Việt kiều một vài lĩnh vực nào đó, dĩ nhiên không phải về kinh tế?
- Giáo sư Trần Văn Khê có sáng kiến, đề xuất thành lập ở mỗi nước một Nhà văn hóa Việt Nam (những nước có Việt kiều). UBVNVNONN chỉ là đơn vị đề xuất Chính phủ phải có chủ trương, coi đó là một trong những chủ trương lớn. Đưa văn hóa Việt Nam vào đời sống kiều bào và thông qua kiều bào đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Văn hóa là điểm hội tụ dễ thu hút các tầng lớp, có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng trong lĩnh vực văn hóa thì rất dễ gặp nhau.
- Xin cảm ơn ông!
|