Cảng Trần Đề (Sóc Trăng): Vẫn chưa là điểm hẹn của những con tàu Tất cả diện tích đất dành cho thuê đã có chủ. Những khiếm khuyết trong thiết kế, thi công cảng cá phần nào đã được khắc phục. Các chính sách ưu đãi đầu tư với nhiều thông thoáng đã được ban hành. Tuy nhiên, lượng tàu vào cảng vẫn còn ở mức khiêm tốn và các hoạt động trong khu vực cảng cá Trần Đề không thoát khỏi cảm giác cầm chừng, trong khi đó, Trần Đề luôn được đánh giá là một trong số ít cảng cá có được vị trí thuận lợi ở ngư trường phía Nam.
 | Lên cá ở cầu cảng Trần Đề. | Cuối tháng 3.2006, chúng tôi đến đây và đã tiếp cận không khí hoạt động của cảng vẫn khá trầm lắng. Nơi cầu cảng, chỉ lác đác một vài chiếc tàu đang lên cá. Theo ông Nguyễn Đại Lượng - Giám đốc cảng, số tàu vào cảng tuy đã có tăng nhưng vẫn chưa nhiều. Cả năm 2005 chỉ có 1.749 lượt tàu cá vào cảng với lượng hàng thuỷ sản khoảng 12.000 tấn. Một con số còn khá khiêm tốn so với sản lượng khai thác chung của toàn tỉnh và yêu cầu phát triển của cảng. Số tàu vào cảng chủ yếu là tàu trong tỉnh, còn tàu ngoài tỉnh có công suất lớn thì lại ít được xuất hiện tại cảng.
Chuyện dưới cầu cảng là vậy, còn trên bờ cảng thật sự chẳng khá hơn. Hơn 10ha đất đã được 43 doanh nghiệp và hộ kinh doanh thuê. Nhưng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động vẫn ở chừng mức khiêm tốn, lại đa phần chỉ dừng lại mức đầu tư sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu là dạng sơ chế. Cũng có một vài cơ sở sản xuất lớn hoạt động, nhưng do lượng tàu vào cảng ít, không đủ nguyên liệu nên hoạt động thường xuyên bị gián đoạn. Nhiều khu đất đã có chủ thuê, nhưng hiện để cỏ mọc um tùm, hoặc chỉ mới làm hạ tầng một phần rồi bỏ trống. Khu chợ cá khá rộng rãi vẫn cứ trống huơ, trống hoác, hiện được bố trí làm... bếp ăn tập thể của Ban quản lý cảng ở trên gác một.
Nguyên nhân chính hạn chế lượng tàu vào cảng là các hoạt động dịch vụ nghề cá trên cảng chưa phát triển. Mặt khác, do luồng lạch thường xuyên bị bồi lắng, nên các tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn của các tỉnh khác rất ngại vào cảng dù khoảng cách từ ngư trường vào đây là gần nhất. Còn các hộ kinh doanh và doanh nghiệp cho rằng, do lượng hàng hoá về cảng ít nên họ chưa dám mạnh dạn đầu tư và một phần do giao thông còn khó khăn, nhất là tại điểm cống Kinh Ba, thuộc phần quản lý của ngành thuỷ lợi.
Ông Nguyễn Đại Lượng nói: "Không thể trách hộ đăng ký hoạt động trong cảng vì việc đầu tư một cơ sở sản xuất, dịch vụ là rất lớn, trong khi các điều kiện để đảm bảo cho hoạt động đạt hiệu quả vẫn chưa có gì làm chắc chắn. Còn để thu hút tàu vào cảng thì ngoài việc luồng lạch phải an toàn, điều kiện mua bán, các dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cũng phải thuận lợi hơn."
 | Vắng lặng cảng cá Trần Đề. | Một cảng cá có vị trí thuận lợi, được đầu tư hàng chục tỷ đồng như cảng Trần Đề nhưng chưa thể phát huy được hiệu quả là sự lãng phí không nhỏ. Trao đổi với chúng tôi về việc bao giờ cảng cá Trần Đề mới phát huy hết hiệu quả theo đúng tiềm năng của nó, ông Nguyễn Đại Lượng cho biết: "Ít nhất cũng phải từ 2008 trở đi, khi tuyến lộ Nam Sông Hậu được hoàn tất vì khi đó, việc vận chuyển hàng hoá từ cảng đi thành phố HCM hoặc các tỉnh vùng trên sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, nên nạo vét kênh Rạch Tráng bên phía huyện Cù Lao Dung thông qua luồng Định An, nối với làng cá của tỉnh Trà Vinh để tạo mối giao thương và cũng để thuận lợi cho các tàu cá trọng tải lớn vào cảng Trần Đề vì cửa Trần Đề thường xuyên bị bồi lắng. Kinh Ba tới đây sẽ được nạo vét thành khu neo đậu tránh bão của chương trình biển Đông, hải đảo thì số tàu thuộc khu vực này sẽ phải vào cảng vì không còn chỗ neo đậu thường xuyên như hiện nay".
Giai đoạn II của cảng cá Trần Đề đang được xúc tiến lập quy hoạch, trong khi cảng cá hiện hữu vẫn chưa phát huy hết năng lực nên vẫn có không ít sự hoài nghi về tính khả thi của dự án này. Việc triển khai mở rộng cảng cá giai đoạn II là cần thiết, nhưng cần tính đến việc thông luồng qua cửa Định An vì đây được xem là tuyến có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của cảng cá Trần Đề, vì hiện này, cửa Trần Đề thường xuyên bị bồi lắng gây khó khăn cho các tàu trọng tải lớn vào cảng.
Tất cả vẫn còn ở phía trước và tạo một cú hích để cảng Trần Đề trở thành điểm hẹn cho những con tàu khai thác xa bờ vẫn bày biện biết bao điều. Trong đó, điểm mấu chốt để tạo nên sự chuyển động lớn lao vẫn là tầm nhìn bao quát, trong đó giải pháp căn cơ chính là yếu tố đồng bộ trong đầu tư đủ sức đột phá và hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của cảng Trần Đề tương lai.
K.C |