Tôn vinh khác đãi ngộ
Các Website khác - 15/05/2006
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Tôn vinh khác đãi ngộ


TS Nguyễn Đức Mậu
Đất nước đang rất cần trí thức. Và thời nào cũng thế. Gần đây có nhiều người có trách nhiệm cũng như các ý kiến trong xã hội thường nói đến vấn đề đãi ngộ và tôn vinh những tài năng của đất nước, và có ý kiến đề nghị phải đãi ngộ và tôn vinh giới trí thức.

Trong nhận thức chung của nhiều người thì điều đó là chính đáng và đã thành nét đẹp từ xưa đến nay. Về phương diện nhà nước thì thực sự cần thiết có quy định vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính kịp thời để có thể khích lệ một cách chính xác và đúng đắn đóng góp của những tài năng cho đất nước. Bởi lẽ vì nếu không khuyến khích đúng thì hậu quả rất tai hại. Điều này trước hết được biểu hiện ở chế độ lương - hiện tại lương của trí thức đang còn rất bất cập, chưa có tính khuyến khích, động viên. Về phương diện xã hội thì phải xây dựng một xã hội biết tôn trọng, đề cao, tôn vinh người có tài. Tất nhiên người có tài phần lớn thuộc giới trí thức, nhưng nếu chỉ đề nghị Nhà nước tôn vinh và đãi ngộ riêng giới trí thức thì chưa ổn.

Đề nghị dễ được xem là chính đáng đó lại cũng dễ bị nhận thức về một sự phân biệt trong xã hội. Còn các tầng lớp khác và các loại bậc khác nhau trong cùng tầng lớp, trong cùng giới? Còn chuyện chống bình quân chủ nghĩa thì có nên căn cứ vào tầng lớp, hay chỉ nên căn cứ vào đóng góp cụ thể của cá nhân (hay nhóm, tập thể) trong lĩnh vực của mình hay trong đặc thù của nghề nghiệp - nghề cần hàm lượng trí tuệ cao và nghề chỉ cần các thao tác kỹ thuật đơn giản, nghề có khả năng đưa lại giá trị của cải vật chất hoặc tinh thần nhiều hay ít cho xã hội?

Đãi ngộ là một khái niệm không rõ xuất hiện tự bao giờ. Rất có thể nó ra đời từ thời bao cấp và cũng không phải ngẫu nhiên thấy ít được dùng bấy lâu nay. Trong khái niệm này, hàm nghĩa những giá trị tinh thần và vật chất được đưa lại từ ơn nghĩa của bề trên. Khái niệm này cũng đồng hành với cơ chế xin - cho và dường như tiếp tục hay là một cách thay thế khái niệm ân tứ (vua làm ơn ban cho) của ngày xưa, trong một điều kiện xã hội khác với chúng ta ngày nay. Các khái niệm này góp phần định hình tư thế, tư cách và tạo ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần phản biện độc lập của giới trí thức. Những người tài năng sẽ được đất nước tôn vinh và họ là niềm tự hào của mọi công dân, trong đó có những người trong giới chức cấp cao của đất nước.

Vì vậy, vấn đề ở đây là có chính sách khuyến khích nhân tài - thể hiện thái độ tôn vinh người tài, chứ không phải chỉ là sự đãi ngộ theo lối xin - cho, và cũng không phải chỉ giới hạn trong một giới.