SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Co cụm khu vực Lư Phổ Ân Hội nghị cấp cao lần thứ 4 giữa EU và các nước Mỹ Latinh - Caribe tại Vienna vừa qua diễn ra trong bầu không khí không được hài hoà giữa hai bên. Kết quả lại ít ỏi. Với sự tham gia của 25 nước thành viên EU, 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, lại có thêm cả Rumani, Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia và Tổng thư ký LHQ - Hội nghị cấp cao năm nay vượt xa các hội nghị cấp cao trước đó về số lượng thành viên tham gia. Bản Tuyên bố chung dày 18 trang của Hội nghị cho thấy sự hợp tác liên châu lục này cho tới nay lại không đi xa hơn được so với thời điểm hội nghị cấp cao lần trước là mấy. Cũng có sự nhấn mạnh nhân quyền và chống khủng bố, chống buôn bán ma tuý và tội phạm có tổ chức, phòng chống thảm hoạ và lo ngại về ô nhiễm môi trường. Và cũng có lời hẹn gặp lại sau 2 năm. Trong khi đó, những vấn đề vướng mắc lâu nay giữa hai bên trong quan hệ chính trị và kinh tế thương mại lại không được xử lý thoả đáng. Giữa hai bên thiếu những dự án hợp tác cụ thể đem lại lợi ích thiết thực và cả ý nghĩa chiến lược lâu dài cho từng khu vực. EU không quan tâm thoả đáng đến những thay đổi chính trị xã hội sâu sắc ở Mỹ Latinh nên đã không kịp thời điều chỉnh chính sách với khu vực. Bên này vẫn bám giữ vào chính sách bảo hộ mậu dịch trong khi phê trách bên kia bảo hộ mậu dịch, gây trở ngại cho việc kết thúc vòng đàm phán Doha của WTO. Vì thế, sự hợp tác này cho tới nay vẫn hình thức hơn thực chất, sau mỗi hội nghị cấp cao lại chẳng khác gì trước chính hội nghị cấp cao đó. Hội nghị năm nay chưa giúp khắc phục được tình trạng này. Lẽ ra phải tìm kiếm và củng cố sự đồng thuận thì hai bên lại sa đà vào chỉ trích lẫn nhau. Lẽ ra phải củng cố khuôn khổ hợp tác liên châu lục chung làm nền tảng và động lực để đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương thì hai bên lại có chiều hướng xé lẻ và đánh lẻ. Dường như EU chưa muốn và chưa chuẩn bị cho một mức độ thể chế hoá cao hơn sự hợp tác liên châu lục này. Còn các nước Mỹ Latinh dường như cũng chưa thật sự coi trọng nó mà vẫn còn ưu tiên cho mối quan hệ riêng của mình hoặc của nhóm nước mà họ tham gia với EU. Đó là sự co cụm khu vực chứ không phải liên kết giữa các khu vực. Mối quan hệ liên châu lục này của EU xem ra chưa đạt chất lượng của mối quan hệ mà EU có với các nước Châu Á (ASEM). Hội nghị cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội năm ngoái và cả Hội nghị cấp cao APEC tháng 11 tới tại Hà Nội đưa lại bài học quan trọng nhất đối với sự hợp tác liên châu lục là hiệu quả thiết thực. Sức sống, sức hấp dẫn và vai trò tiềm năng của sự hợp tác ấy chính ở chỗ đó. Nhưng nó không tự đến, mà các bên liên quan phải cùng nhau tạo dựng nó. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng "đến hẹn lại lên"... |
▪ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI: Nhân sự cấp cao sẽ trình bày cương lĩnh hành động (13/05/2006)
▪ Luật pháp cũng kêu cứu (13/05/2006)
▪ Giá vàng thế giới tiếp tục tăng (12/05/2006)
▪ Chỉ thị của Thủ tướng về phát động thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X (09/05/2006)
▪ Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua (10/05/2006)
▪ Thất học vì... thiếu trường (10/05/2006)
▪ "Chết" vì ăn theo! (11/05/2006)
▪ Vượt vũ môn (12/05/2006)
▪ Áp lực tăng giá đầu vào (09/05/2006)
▪ Phân công Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư T.Ư Đảng khoá X (09/05/2006)