Vượt vũ môn
Các Website khác - 12/05/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Vượt vũ môn

Hà Văn Thịnh

Bộ Tư pháp vừa ban hành quyết định đình chỉ thi hành mọi văn bản trái luật do các địa phương ban hành kể từ ngày 10.5. Có thể nói đó được coi là động thái chính thức cho sự bắt đầu của việc kiện toàn bộ máy hành pháp thống nhất, tập trung; một cuộc cải cách đối với mọi lề lối hành chính tiểu nông, cũng như toàn bộ cơ chế "lệ làng" có "tuổi thọ" chai lỳ từ hàng ngàn năm nay ở nước ta.

Sự bất cập, chồng chéo của các loại văn bản giữa trung ương và địa phương lâu nay là một căn bệnh gần như phổ biến. Thời bao cấp, phim trung ương duyệt rồi, địa phương vẫn duyệt lại để xem có gì không phù hợp hay không (?). Cách nghĩ ấy ẩn giấu đằng sau, dưới tầng sâu bí ẩn của nó là tư tưởng cục bộ và khẳng định quyền lực của các địa phương. Đây là cội nguồn để cho Nhà nước nhiều năm thống nhất về hình thức nhưng lại chia rẽ, "cát cứ" trên thực tế.

Cả nước hiện nay có 83 văn bản trái thẩm quyền ở 33 tỉnh, thành phố. Đây là một con số chưa đầy đủ, tuy nhiên, 83 văn bản cũng đã là nhiều, đã khó lắm rồi. Huỷ bỏ 83 quyết định sai tức là sẽ thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến số phận của hàng ngàn người dân. Ai sẽ đền bù, điều chỉnh; hay là ta lại tiếp tục dùng những cái có thể vận dụng mới để sửa sai những sai lầm? Nếu vậy, mớ bòng bong sẽ tiếp tục tồn tại, nhất là khi quyết định của Bộ Tư pháp cho phép "đình chỉ một phần".

Đây là điều đáng quan ngại, vì nếu sửa một phần thì mặc nhiên coi cái sai có một phần đúng? Đã "đúng" một lần, lần sau, tại sao không?

Vấn đề chế tài những vi phạm bằng hình thức kỷ luật mà Bộ Nội vụ dự định trình lên Chính phủ vào quý I năm 2007 là giải pháp chậm trễ. Thứ nhất, mọi sự vi phạm pháp luật phải được xét xử bằng luật pháp. Chẳng lẽ có tồn tại quy tắc coi cơ chế, cán bộ có thể tồn tại trên luật? Thứ hai, không thể chấp nhận bất cứ một sự vi hiến nào, dù nhỏ nhất. Thứ ba, khung thời gian cho quyết định đình chỉ dài như thế (ít nhất nửa năm nữa), thử hỏi làm sao phép nước có thể nghiêm minh? Điều ấy đồng nghĩa với việc giải thích pháp luật là vẫn có thể cứ sai mà... không sao hết!

Tại sao không có một quyết định dứt khoát, rõ ràng? Bất chấp luật pháp - dù bất kỳ dưới dạng thức nào - cũng là một tội lỗi phải bị trừng phạt. Đất nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của sự đòi hỏi phải thay đổi toàn diện và triệt để. Có thể ví với một lần vượt vũ môn đầy gay go để Việt Nam có thể hoá rồng trong một - hai thập kỷ nữa. Thử thách mà Bộ Tư pháp vừa đưa ra là một trong những bước nhảy quyết định để hoàn thành mục tiêu ấy.

Những khó khăn là không ít, nhưng phải chấp nhận. Nếu cứ sợ việc sửa sai thì sợ đến bao giờ? Bởi vì, không thể có một nền kinh tế hiện đại, một xã hội phát triển nếu luật pháp của xã hội ấy luôn bị những người thừa hành coi nhẹ mọi sự vi phạm. Một đất nước thống nhất không chấp nhận những chia rẽ, cát cứ.