Luật pháp cũng kêu cứu
Các Website khác - 13/05/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Luật pháp cũng kêu cứu

Hà Văn Thịnh

Trong những ngày gần đây, xuất hiện một số vụ việc sai phạm, bề ngoài tưởng chừng như là nhỏ, nhưng thật ra chúng tải một thông điệp cảnh báo: Hiệu lực pháp luật của nền pháp quyền XHCN đang bị xem thường.

Những sai phạm dường như đang ở ngưỡng của những gia tăng và khó lường: Công nhân ở một xí nghiệp sản xuất bật lửa gas (Nghệ An) phải làm việc 11h mỗi ngày, không lương, không nghỉ lễ; chủ nhà hàng Thanh Loan (ở Lương Sơn - Hoà Bình) tra tấn người giúp việc bằng kìm, bằng que sắt nóng chọc vào chỗ kín, và bằng phân lợn; một số kẻ buôn bán trẻ con ngang nhiên như ở chốn không người...

Những thông tin trên làm cho ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng phải ngạc nhiên và đau lòng. Tại sao lại có thể tồn tại những chuyện đau lòng, xót xa như thế trong xã hội ta? Một công an viên ở xã biết rõ nạn nhân bị chủ nhà hàng Thanh Loan tra tấn, nhưng cuối cùng cũng chỉ "dám" đưa nạn nhân vào bệnh viện, mà không hề có ý nghĩ thực hiện một hành động chấn chỉnh nào? Chẳng lẽ bộ máy công quyền ở cơ sở đã bị vô hiệu hoá? Nếu đúng thế, uy quyền và trật tự của một nhà nước được hiểu như thế nào đây?

Những vụ việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật vừa nêu trên vẫn chỉ là biểu hiện cục bộ, đơn lẻ của một số cá nhân. Nhưng khi mà đã có đến 2/3 các ông giám đốc bưu điện tỉnh, thành câu kết với nhau móc tiền nhà nước để ăn chia, ngang nhiên coi thường sự răn đe của luật pháp thì quả thật chúng ta không thể thờ ơ được nữa. Những sai phạm có tính tổ chức như ở ngành GTVT, bưu điện và các địa phương thi nhau chiếm đất đai..., phản ánh sự thật là tính yếu kém của trật tự xã hội đang ở trên mức đáng báo động đỏ. Phải chăng, tất cả dường như đều bắt nguồn từ sự thiếu công minh, thiếu hiệu quả của một bộ phận đáng kể người điều hành luật pháp.

Mặt khác, rõ ràng sự khoan hồng và dung thứ của xã hội trước những sai phạm đang trở thành con dao hai lưỡi; mà mọi hình thức "kiểm điểm" hay "khiển trách" chỉ càng làm cho các sai phạm ngày một nhiều hơn. Các tấm gương và bài học của cha ông đã chỉ ra rằng, một khi sự vi phạm tràn lan thì biện pháp duy nhất để lập lại trật tự cần thiết là trừng phạt thật nặng, thật chính xác mọi tội ác, bất kể cương vị hay ảnh hưởng trực tiếp của sự việc đến xã hội. Tại sao lại có thể có chuyện lo thiếu giám đốc bưu điện, nếu pháp luật làm đến nơi đến chốn?...

Cách quan niệm sai lầm về bản chất của vấn đề đang buộc luật pháp cũng phải... kêu cứu. Đã có không ít tiếng phàn nàn về một thời "loạn" nhiều thứ: Loạn các sai phạm; loạn né tránh; loạn nửa vời; loạn các sự chồng chéo của văn bản, quy định; loạn các giá trị đúng - sai...

Pháp luật mà phải kêu cứu! Sẽ là cực kỳ nghiêm trọng cho chế độ, nếu chúng ta không thay đổi, không xốc lại và tăng cường sức mạnh của pháp luật.