Chỉ thị của Thủ tướng về phát động thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X
Các Website khác - 09/05/2006

Chỉ thị của Thủ tướng về phát động thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X

Ngày 8.5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg về việc phát động đợt thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Chỉ thị nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt những nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, căn cứ vào mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2006-2010), từng bộ, ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng phải đề ra được các mục tiêu thi đua cụ thể của từng năm, từng đợt thi đua, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện các có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Trước mắt, để tạo đà cho những năm tiếp theo, trong năm 2006, phong trào thi đua phải hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá-xã hội.

Phong trào thi đua phải có tác động tích cực trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân đồng thời góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc như tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm số hộ nghèo..

Để làm tốt những công việc này, từng Bộ, ngành, địa phương phải đề ra được những nội dung, biện pháp thi đua cụ thể, sát với đặc điểm của mình; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức đăng ký, giao ước, tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết để thi đua thực sự là phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Thi đua, Khen thưởng và các nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, tạo sự chuyển biến trước hết về nhận thức nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua và công tác khen thưởng. Chống mọi biểu hiện phô trương, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích và kịp thời để thi đua khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng con người mới. Không đề mghị phong tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng tham nhũng và không thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ ba, đẩy mạnh việc chăm lo xây dựng và nhân rộng học tập các gương điển hình tiên tiến. Mỗi bộ, ngành, địa phương phải bồi dưỡng được những điển hình tiên tiến có tính tiêu biểu nhất để nêu gương, học tập. Bộ Văn hoá-Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương và các cơ quan truyền thông đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện và tuyên truyền những tấm gương điển hình và nhân tố mới.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và cán bộ thi đua khen thưởng; khẩn trương kiện toàn bộ máy, thực sự là cơ quan tư vấn, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác thi đua khen thưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đáp ứng được yêu cầu về công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, góp phần đưa Luật Thi đua, Khen thưởng vào cuộc sống.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và quy định về thi đua khen thưởng. Xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.

(Theo TTXVN)