"Chết" vì ăn theo! Đình Chúc
Thưa đầy hai tuần lễ, "võ đài" thương trường VN đã chứng kiến ít nhất là 3 "cái chết" bất đắc kỳ tử. Đó là các thương vụ vàng, USD và cổ phiếu. Dĩ nhiên nạn nhân chỉ là những người kém hiểu biết, ít thông tin, còn chủ các cửa hàng vàng bạc, USD lại thắng lớn. Không cần phải nhắc lại chi tiết sự thiệt hại, nhưng sự trồi sụt của 3 loại hàng hoá này quá lớn, quá nhanh, quá bất ngờ khiến không ít người ném đi bạc tỉ chỉ trong vòng có vài ngày, thậm chí chỉ qua một đêm.
Đã lâu rồi, trên thương trường mới lại xuất hiện những cú sốc và phải chứng kiến những "cái chết" bất đắc kỳ tử như vậy. Chuyện này xảy ra khiến người ta nhớ lại những cú sốc giá cả của thập niên 80. Nhưng đó là thời bao cấp với nền tảng kinh tế quá yếu kém và những mệnh lệnh hành chính, nhiều khi gây ra những cú nhảy bất ngờ về giá cả mà người dân không thể chống đỡ. Nhưng nay, sau 20 năm nền kinh tế thị trường vận hành mà vẫn xảy ra những cú sốc như vậy, khiến chúng ta không thể bàng quan. Lý giải các hiện tượng này không thể không suy luận dưới góc độ một nền kinh tế thị trường, tức là trở về với căn nguyên của nó là cung - cầu. Thị trường chỉ trở nên sốt giá khi cung quá chênh so với cầu. Nhưng điểm lại cả 3 mặt hàng trên thì thấy tình hình không hẳn như vậy. Chẳng hạn như với vàng, đành rằng là giá vàng trong nước giờ đã tiệm cận với giá vàng thế giới, nhưng thực chất những giao dịch bằng vàng ở trong nước (và ngay cả trên thế giới) giờ cũng rất hãn hữu. Nhu cầu không có, cớ sao ồ ạt đi tích vàng? Hoặc như với USD, theo các khuyến cáo của các nhà quản lý thì cung- cầu USD đang hết sức bình thường, thậm chí nguồn cung còn khá dồi dào (do ngoại tệ của Việt kiều gửi về, do dầu thô xuất khẩu được giá, do cán cân xuất- nhập khẩu được thu hẹp rất đáng kể...). Cơn cớ gì cũng phải ồ ạt đi ôm ngoại tệ? Riêng với cổ phiếu- loại hàng khá xa lạ với phần đông người VN - thì có những đặc thù riêng, nhưng nếu nói về cung- cầu thì cũng không có gì căng thẳng, khi mà khá nhiều "hàng" mới đang chuẩn bị được tung ra "chợ"...
Vậy thì cốt lõi vấn đề ở đây là gì? Đó chính là do thiếu thông tin, cộng với tâm lý rất không đáng có ở thời kinh tế thị trường là "tích cóp", là "ăn theo", là "phong trào"... Điều này có thể được minh chứng quá rõ qua những thương vụ vừa qua. Nhiều chuyên gia chứng khoán đã bị "choáng" khi thấy quá nhiều người chưa phân biệt nổi giữa "cổ phiếu", "trái phiếu", "cổ phần"... mà vẫn "ăn theo" thiên hạ ôm vào rồi bán ra, y như một tay chơi chứng khoán sành sỏi! Một cơn sốt ảo- nhiều nhà kinh tế có uy tín đã cảnh báo như vậy, nhưng rất tiếc họ đã bỏ ngoài tai.
Một nền kinh tế văn minh đang rất cần những bộ óc phân tích thấu đáo và biện chứng, quyết không chấp nhận những quyết định ăn theo, cảm tính. Nhiều người có thể trách cứ các nhà quản lý, các nhà kinh tế là không đưa ra các khuyến cáo kịp thời. Song chính người dân giờ đây cũng phải rèn cho mình một phẩm chất suy đoán và xử lý thông tin thật xác đáng trước khi đưa ra các quyết định kinh doanh. Ba cú ngã choáng váng vừa rồi- cũng có thể coi là ba "cái chết" bất đắc kỳ tử- có lẽ là những khuyến cáo xương máu cho những ai tham gia cuộc chơi trên thương trường chỉ với hành trang là cảm tính! |