Cây lương thực - Sự đa dạng đang chết
Các Website khác - 11/09/2005
Cây lương thực - Sự đa dạng đang chết

Bữa ăn của con người thế kỷ XXI liệu có chất lượng hơn so với cách đây một vài thế kỷ? Chưa chắc! Con người đang đánh mất dần sự đa dạng về lương thực và chất lượng bữa ăn của mình khi phần lớn giống cây trồng đã và đang bị tuyệt chủng.

Không còn nhiều loài cây lương thực
và rau quả hiện hữu trong cuộc
sống của con người.
José Esquinas-Alcázar - nhân viên cao cấp của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) tại Roma - chăm chú quan sát một cách thích thú những bắp ngô được buộc thành từng bó trong hầm rượu vang của một quán bar. Đối với người bình thường, đó là một bộ sưu tập hỗn tạp: dài, ngắn, xanh, vàng, trắng, lốm đốm, phủ đầy bụi. Nhưng ông lại tìm thấy ở đó một khía cạnh khác của cây trồng: Sự đa dạng. Theo ông, "sự đa dạng cho phép chúng ta lựa chọn, làm chúng ta hạnh phúc và cảm thấy được tự do. Nhưng đáng tiếc đó lại chính là cái chúng ta đang đánh mất".

Nỗ lực muộn màng
Esquinas đã dành hàng chục năm vận động bảo tồn các loại cây lương thực hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Năm ngoái, những nỗ lực của ông đã được đền đáp khi LHQ thông qua hiệp ước về nguồn gene của cây lương thực và nông nghiệp, trong đó yêu cầu các quốc gia bảo vệ các giống cây trồng hiện có và thành lập hệ thống phân loại quốc tế về cây trồng và gene của chúng. Nhưng rất nhiều loài đã biến mất. Esquinas cho biết, trước đây, con người sử dụng trên 7.000 loài cây trồng để thoả mãn nhu cầu cơ bản về lương thực.

Theo nghiên cứu của FAO, hiện nay, do những mặt hạn chế của canh tác quy mô lớn và nền nông nghiệp cơ giới hoá, chỉ còn 150 loài cây lương thực được gieo trồng, và phần lớn loài người sống chỉ với 12 loài. Đa số cây trồng, ví dụ cà chua, bao gồm một số loài khác nhau, và mỗi loài có thể chứa đựng hàng tá, thậm chí hàng trăm thứ. Vào thế kỷ trước, rất nhiều thứ ngô, lúa mì và khoai tây đã biến mất. "Không ầm ĩ như nguy cơ tuyệt chủng của gấu trúc, nhưng những mất mát này là vô cùng nguy hiểm cho sự tồn tại của con người" - Esquinas tuyên bố.

Hậu quả đối với con người là chế độ ăn uống đơn điệu, khi cà chua có hình thức và mùi vị như nhau ở mọi nơi mọi chỗ, còn trong các cửa hàng chỉ bán duy nhất một loại ngô hay khoai tây. Nguy hiểm hơn, khi các loài biến mất, thế giới sẽ mất đi sự đa dạng di truyền vốn cho phép người nông dân và các nhà khoa học tạo ra các giống mới có khả năng thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh - ví dụ nóng hơn, hạn hơn, hay sự xâm nhập của các loài vi khuẩn có hại mới.

Mặt trái của khoa học
Việc mất mát các loài cây lương thực là hậu quả trực tiếp của "Cuộc cách mạng xanh" hồi thế kỷ XX, khi nông dân chấp nhận sử dụng kỹ thuật nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng. Nhằm tăng tối đa sản lượng, họ đã lựa chọn một vài loài cao sản có thể gieo trồng và thu hoạch bằng máy. Với hệ thống tưới tiêu, sự cơ giới hoá, phân bón và thuốc trừ sâu, nông dân tại các nước phát triển đã có thể kiểm soát tình trạng cây trồng. Kết quả là họ thu được rất nhiều lương thực, nhưng lại rất kém đa dạng về chủng loại. Điều này đôi khi gây ra những tai hoạ khủng khiếp. Ví dụ vào năm 1970, hơn một nửa ngô ở miền nam nước Mỹ bị chết vì một loài nấm lạ do chúng đều được trồng từ một giống duy nhất đặc biệt nhạy cảm với bệnh tật.

Trong khi người nông dân hiện đại có xu hướng sử dụng ít loại cây trồng, thì các nhà tiểu nông truyền thống đã lựa chọn giải pháp ngược lại: lưu giữ và gieo trồng nhiều loại cây và hạt giống khác nhau để tồn tại, do họ không kiểm soát được đất đai, thời tiết và sâu bệnh. Để đảm bảo luôn có lương thực trên bàn ăn, sự lựa chọn tốt nhất là đa canh - chẳng hạn một vài giống cây phát triển tốt khi nhiệt độ tăng cao, còn các loại khác lại chịu được giá rét. Nhà kho và cánh đồng của họ là những mỏ vàng về nguồn gene của thế giới. Quả vậy, sau khi loài nấm lạ làm mất mùa ngô tại Mỹ năm 1970, các nhà khoa học đã thay đổi giống ngô Mỹ nhờ gene vay mượn từ một loại ngô Châu Phi có khả năng chịu được nấm. Nhưng nguồn gene này đang biến mất khi đất đai bị đô thị hoá, còn các trang trại truyền thống ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đang mất dần.

Theo Esquinas, việc bảo tồn sự đa dạng của cây trồng không chỉ để tồn tại, mà còn nhằm nâng cao chất lượng sống. "Trong hai thập kỷ qua, con người đã học cách uống rượu vang để phát hiện những khác biệt độc đáo: loại này có vị oi khói hay ngọt dịu, loại kia có mùi thơm - Ông nói - Và chúng ta cũng cần phát triển khẩu vị như vậy đối với các lương thực như gạo hay khoai tây...". Kỳ Phong (Theo International Herald Tribune)

* Tại Mỹ, hơn 95% trong số 8.000 giống táo đã tuyệt chủng.
* Tại Mexico, trong số các giống ngô được ghi nhận vào năm 1930, chỉ 20% còn tồn tại đến ngày nay.
* Tại Trung Quốc, 90% trong số 10.000 giống lúa mì gieo trồng năm 1949 hiện không còn được sử dụng.