![]() |
Du học sinh TP HCM trong niềm vui tụ hội tại quê nhà. |
Thiếu thông tin về quê nhà, không biết ngành nào cần người, muốn về nước cống hiến nhưng lo khả năng không được coi trọng ... là những tâm tư mà nhiều người đã, đang và sắp học tập ở nước ngoài bộc bạch với lãnh đạo UBND và Thành đoàn TP HCM, sáng qua.
Phạm Thanh Lương, cựu du học sinh về hệ thống thông tin ở Mỹ, hiện làm tiếp thị thương mại cho Công ty Dutch Lady Việt Nam, cho biết, Lương quyết định về nước vì biết mình sẽ có nhiều cơ hội phát huy khả năng.
Tuy nhiên, cũng theo Lương, thực tế không phải du học sinh nào học xong cũng quay về. Không ít người đã mất nhiều tiền của, công sức mới lấy được bằng ĐH. Nhưng lo ngại khó tìm được việc làm như ý tại Việt Nam, họ sẵn sàng học thêm một khoá dạng sơ cấp, trung cấp, không dính dáng gì tới chuyên môn ĐH và lấy chứng chỉ này xin việc để ở lại nước ngoài. "Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến chất xám chảy máu là du học sinh thiếu thông tin toàn diện và chính xác về quê nhà", Lương nhận định.
Nguyễn Thanh Tùng, vừa hoàn thành 4 năm Trung học tại Singapore, chuẩn bị sang Mỹ học ĐH, chưa xác định sẽ làm việc ở đâu song thâm tâm muốn sống ở Việt Nam. "Nếu có việc làm tốt tại Việt Nam thì về nước là đắc sách hơn cả. Vì Việt Nam có gia đình, người thân, nhiều bạn bè và chắc chắn sẽ tự do trong tinh thần hơn", Tùng tâm sự. Tuy nhiên, Tùng cũng bày tỏ, điều em lo ngại nhất nếu về nước làm việc là khả năng của mình không được ghi nhận, phát huy đúng mức.
Nhiều du học sinh đang và sắp sang học ở các nước có cùng suy nghĩ trên. Theo những em này, các em không hoàn toàn tự tin hoà nhập vào đất nước không phải quê hương của mình. Và nếu nghĩ cho riêng mình thì các em đã không đi du học. Các em rất cần thông tin mang tính thời sự về thành phố, về đất nước, nhất là thông tin từ các ngành nghề cần tuyển dụng nhân sự nhưng không biết tìm ở đâu.
"Ngoài việc cập nhật thông tin trong nước, thông tin tuyển dụng của các ngành, nghề trong nước cũng là cách giúp chúng em định hướng học tập sao phù hợp để khi trở về đóng góp tốt nhất cho thành phố, cho đất nước". Ngô Thuỳ Ngọc Tú, chuẩn bị du học ở Canada, nói.
Cùng chung tâm trạng với Tú nhiều du học sinh bày to mong muốn Thành Đoàn, Hội Thanh niên đẩy mạnh hoạt động đến du học sinh các nước để các em nắm bắt tình hình quê nhà và cùng tham gia các phong trào nếu có cơ hội.
Với tư cách là một cựu du học sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc học, trong đó có du học đã và đang là yếu tố sống còn với đất nước.
"Khi đi học các em là đại sứ của Việt Nam ở nước bạn và khi trở về, các em sẽ là đại sứ của nước bạn tại Việt Nam. Việt Nam không có vốn lớn nên phải thu hút vốn của nước ngoài. Tôi chắc chắn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn nơi có nhiều người từng du học ở nước họ để đặt quan hệ làm ăn", ông Nhân gửi gắm
Cũng trong buổi gặp gỡ, Ban tổ chức đã công bố thành lập Câu lạc bộ Du học sinh TP HCM. Cựu du học sinh Nguyễn Thiện Nhân được bầu làm Chủ tịch danh dự. Thành viên Câu lạc bộ là những công dân TP HCM, từ 13 đến 35 tuổi, có thời gian học tập, làm việc và công tác ở nước ngoài, có nhiệt tình và tâm huyết đóng góp cho đất nước, thân nhân tốt và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bạn đọc cần thêm thông tin, có thể vào địa chỉ: www.ovs.hcm.org hoặc email: [email protected].
Thanh Lương
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Dự luật có là bước lùi? (17/08/2005)
▪ Míttinh trọng thể tại Tuyên Quang (17/08/2005)
▪ Hãy làm quen với điều lạ! (17/08/2005)
▪ Tháng tám, mùa thu xanh thẳm (17/08/2005)
▪ Chỉ cấp giấy hồng theo yêu cầu của dân! (17/08/2005)
▪ Vụ điện kế điện tử: Liên tục cố ý làm trái! (17/08/2005)
▪ Ra đời quỹ 'Mãi mãi tuổi 20' (17/08/2005)
▪ Giấy kiểm dịch bán như... rau (17/08/2005)
▪ Dân Bà Rịa - Vũng Tàu kêu “khổ” vì quy hoạch treo! (17/08/2005)