''Chính phủ lo cho dân hàng ngày!''
Các Website khác - 08/12/2005

(VietNamNet) -  ''Chính phủ lo cho dân hàng ngày! Thủ tướng khi nhậm chức đã tuyên bố là lo cho nông dân, lo cho nông nghiệp, nông thôn!''. Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí.

- Thưa Thủ tướng, người ta nói nông dân vẫn là người cơ cực nhất, đặc biệt trong thời buổi giá cả leo thang và nhiều dịch bệnh như hiện nay?

Soạn: AM 644432 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: VT
- Đúng rồi! Một nước nông nghiệp thì không thể nào giàu được! Bởi năng suất lao động trong nông nghiệp thì còn thấp! Làm 1ha 13 tấn (thóc) cũng chỉ được 20 triệu là cùng. Còn nhà máy, xí nghiệp thì nó chiếm diện tích không đầy 1ha nhưng mỗi năm có thể làm ra 200 tỷ; người công nhân tháng thu nhập 1-2 triệu đồng.

Nhưng không phải là tất cả đều chuyển sang công nghiệp. Vấn đề là đầu tư công nghệ sinh học vào nông nghiệp; đầu tư chế biến, tiêu thụ... Như thế giá nông sản lên! Phải đẩy mạnh cái đó cho nông dân làm năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn!

Nước nào họ cũng giúp nông dân cả! Tất nhiên trợ cấp, trợ giá cho nông nghiệp thì các nước họ không chịu nhưng mình phải có cách làm. Chẳng hạn như qua đầu tư đường sá, thuỷ lợi, điện, trường học, y tế... Tất cả những cái đó sẽ nâng đời sống nông dân lên!

Nông dân là người có công lớn với đất nước! Mình lúc nào cũng đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân là rất quan trọng! Các chính sách đối với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa rất đầy đủ! Còn về tổ chức thực hiện thì đúng là có những cái chưa tốt nhưng bộ mặt của nông thôn đã thay đổi nhiều!

- Vậy, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như thế nào?

Cảm thông và thẳng thắn, ĐB Nguyễn Thị Thu Hoà (Thái Bình) trước Quốc hội ngày 24/11 đã thốt lên: ''Chưa bao giờ người nông dân lại cùng cực như hiện nay! Phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bão lũ, mất mùa, dịch cúm gia cầm, giá cả leo thang...''. Nhà nước cho vay tiền để sản xuất, nhưng theo bà, nhiều nông dân không biết đầu tư nên ''nợ luỹ kế năm này sang năm sau, không biết bao giờ hết nợ''.

- Cái chính là làm sao chuyển dịch cơ cấu để tạo ra vùng nông sản tương đối tập trung, đi vào nông nghiệp hiện đại.

Nông nghiệp phải đưa công nghệ sinh học vào để có năng suất cao, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá cũng cao nữa.

Chứ còn cứ phát triển sản lượng mà chất lượng kém thì bán không được bao nhiêu!

Nhưng đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn phải rất đồng bộ: Nào đường, điện, thuỷ lợi, trường học, y tế, văn hoá... để nâng mặt bằng dân trí lên. Việt Nam đi theo con đường XHCN thì muốn thành thị với nông thôn không quá cách biệt, từ văn hoá đến đời sống.

Ta đang đi theo hướng như vậy nhưng nước còn nghèo, ngân sách thì có tí xíu, 15-16 tỷ USD. Còn Mỹ chỉ riêng cúm gà đã bỏ ra 27 tỷ USD để chi viện, hay mấy trăm tỷ cho thiên tai...

- Vậy cách nào để chúng ta cải thiện nhanh chóng đời sống của người nông dân?

- Mình thì phải có cách làm! Nóng ruột cũng không được nhưng vô cảm cũng không được! Đất nước mấy năm nay (GDP) cứ tăng 7,5-8% là tôi mừng lắm! Chứ không được vậy thì đất nước mình càng ngày càng tụt hậu, nghèo...

Chính phủ sẽ lo cho dân hàng ngày! Khi nhậm chức Thủ tướng, tôi đã tuyên bố rõ là phải lo cho nông dân, lo cho nông nghiệp, nông thôn!.

- Thưa Thủ tướng! Được biết, hiện nay, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết hoặc phát huy hết, cụ thể như Đồng bằng sông Cửu Long...?

- Mấy năm nay Chính phủ rất tập trung đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long. Thuỷ lợi mênh mông nên làm những cái cơ bản trước rồi dần rộng ra. Tiếp tục làm thuỷ lợi và đưa đồng bào lên sống ở vùng đất cao, tránh ngập lũ hàng năm.

Đường sá ở Nam bộ thì ngoài đường 1, đang làm thêm đường cao tốc từ TP.HCM đi Trung Lương. Đang làm thêm đường N2 (tức đường Hồ Chí Minh) từ Cao nguyên xuống Đồng Tháp. Sắp làm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, qua Long Xuyên chạy về Rạch Giá, tới mũi Cà Mau. Các đường ngang có đường 60, đường 61 và những con đường ven biển...

- Xin cảm ơn Thủ tướng!

  • Văn Tiến