Sáng qua, các chợ hoa Tết của thành phố đã đồng loạt khai mạc. Tuy có khá nhiều hoa, cây cảnh màu sắc, kiểu dáng đẹp, lạ và lần đầu tiên chó được tết bằng đào xuất hiện, nhưng lượng khách mua hàng rất ít, phần đông đến chỉ để tham quan.
![]() |
Sáng khai mạc chợ hoa Tết Bính Tuất, khách chủ yếu đến xem hoa, khảo giá, ít người mua. Ảnh: T.N. |
Dạo một vòng quanh chợ hoa 23/9, cũng là chợ hoa Tết chính của thành phố nhưng bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, phường 5, quận 10, chưa quyết định mua gì. "Hoa và cây cảnh năm nay khá đa dạng, nhiều chủng loại. Không ít hoa có kiểu mới, màu mới rất thu hút. Nhưng tôi hỏi thử giá, thấy đều cao hơn năm ngoái chừng 10%", bà Vân nói. Nhiều chủ hàng hoa chợ 23/9, Công viên Lê Văn Tám phản ánh, sáng qua, lượng khách đến các chợ ít hơn năm trước. Nhiều người có tâm lý giống bà Vân, chỉ đi ngắm hoa và khảo giá.
![]() |
Địa lan vàng, một loại hoa lạ ở chợ hoa Tết Bính Tuất. Ảnh: T.N. |
Theo Ban tổ chức chợ hoa Tết, năm nay có trên 1.000 lô hàng đăng ký tham dự các chợ hoa, nhiều hơn năm trước khoảng 20%. Buổi khai mạc, các chợ mới trưng bày gần 50% lượng hàng đã đăng ký.
Mai chiếm số lượng nhiều nhất trong các chợ, với chừng 200 lô hàng. Đây vốn được coi là loại hoa truyền thống của người miền Nam nên khá thu hút khách. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số chủ và khách hàng, mai không được đẹp bằng năm trước. "Năm nay lạnh, mưa kéo dài nên mai nở sớm, hoa không đều. Nếu là người mua, thú thực, tôi cũng khó chọn được gốc ưng ý", đại diện lô hàng của ông Phan Văn Ri, Bến Tre, ở Công viên 23/9, nói. "Năm ngoái, một chậu mai thấp nhất phải 200.000 đồng nhưng nay, chỉ bằng nửa. Sáng nay, chúng tôi mới bán có 1 cây trong khi cùng thời điểm năm trước, đã bán vài chục cây".
Chủ các hàng tắc cũng huy động lượng hàng lớn với giá thấp nhất khoảng 40.000 một cây, cao nhất 1,5 triệu đồng, tương đương giá chợ Tết năm ngoái. Nhưng người tham quan, mua bán cũng vắng vẻ. Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt, chủ một lô hàng này ở Công viên Lê Văn Tám, sáng 22/1, khách chủ yếu là người dân đi tập thể dục sớm, ghé qua. Ông mới bán được hơn 10 cây, bằng 1/3 cùng thời điểm năm trước. Cúc, vạn thọ, ớt cảnh..., giá "bình dân" với 7.000 - 10.000 một chậu, đắt khách nhất so với các loại cây, hoa khác nhưng theo chủ những lô này, lượng hàng bán ra cũng chậm hơn khai mạc chợ hoa Tết 2005.
Một số hàng đào Nhật Tân, từ Hà Nội vào có vẻ đắt khách hơn, với giá một cây 300.000 đồng tới 3.000.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương, quê Nghệ An, bán tại chợ 23/9, cho biết, tối hôm trước, chị và các bạn hàng đưa vào chừng 600 cây. Sáng 22/1, các chị đã bán được 2 cây, loại 300.000 đồng. "Tết trước chúng tôi bán hoa tươi, bonsai nhưng năm nay, thấy trong này không nắng gắt, đào dễ nở nên chuyển sang bán đào. Mới mở hàng mà bán được như vậy là mừng rồi", chị Dương hồ hởi, nói.
Dù chưa bán bao nhiêu nhưng chủ một số lô địa lan, đưa từ Đà Lạt xuống, cũng tỏ ra khá lạc quan. Vì theo chủ các lô hàng này, địa lan năm nay trổ hoa khá đẹp và có vài loại hoa màu "độc" như vàng tươi, màu kem nên dễ "ăn khách"... Giá một cành địa lan thông thường là 200.000 đồng nhưng các màu "độc" thì lên tới khoảng 400.000 đồng.
Thanh Lương
▪ 8 vấn đề quan tâm hàng đầu của Việt kiều (23/01/2006)
▪ Tôi đi chợ tết (23/01/2006)
▪ Đồng sinh và những chuyện kỳ lạ (20/01/2006)
▪ Sữa bột trẻ em có chì là không thể chấp nhận được (20/01/2006)
▪ Gói bánh tét kỷ lục (20/01/2006)
▪ Phát hiện một số vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại hai siêu thị lớn (20/01/2006)
▪ Mua nhà dễ hơn (20/01/2006)
▪ Cần tuyên truyền tốt để quy tụ sức mạnh Việt kiều! (20/01/2006)
▪ Hơn 10 nghìn hồ sơ sẽ được xem xét giải quyết (20/01/2006)
▪ Tạo tiền đề để Đại hội lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp (20/01/2006)