Chơi còi xe độc
Các Website khác - 23/01/2006

Gâu! Gâu! Tiếng chó sủa vang giữa đường phố khiến nhiều người giật mình ngoái lại. Thủ phạm là chiếc ôtô Jaguar biển 52N màu lông chuột. Như đáp lại lòng hiếu kỳ của đám đông, cậu thanh niên điều khiển xe tiếp tục 'gâu, gâu... gâu', rồi nhấn ga vụt qua.

Tiếng chó sủa trên chính là một trong những loại còi xe mà giới trẻ "sành điệu" TP HCM đang rất ưa chuộng. Họ lắp vào ôtô và cả xe máy của mình nào là tiếng chó sủa, mèo kêu, bò rống hay lợn réo... Có loại còi còn phát ra những âm thanh rợn tóc gáy như tiếng rên khóc, tiếng hú hay tiếng cười rùng rợn như trong các bộ phim kinh dị. Độc nhất có lẽ là tiếng chim lợn kêu eng éc.

Một chiếc xe sử dụng còi quái dị bị Cảnh sát giao thông TP HCM bắt giữ trong đêm diễn ra SEA Games 23. Ảnh: V.H.

Theo giới buôn bán còi xe tại chợ Tân Thành, quận 5, nguồn gốc của loại còi lạ này đa số xuất phát từ Trung Quốc. Không cần phải cồng kềnh bầu hơi, vòi, loa như loại còi hơi trước đây, chỉ cần một vi mạch nhỏ và bộ loa bình thường mua ngoài chợ Nhật Tảo là chủ xe có thể sở hữu một bộ còi có tiếng rất độc.

Ưu điểm của loại còi điện tử này so với còi hơi trước đây là gọn nhẹ và không tốn ắc quy. "Trước đây, một bộ còi hơi bằng inox có thể chơi được nhạc giá phải trên 1 triệu đồng. Nhưng hiện không thịnh hành nữa vì tiếng kêu của nó đơn điệu và không ấn tượng cho lắm", Nghĩa, một tay chuyên săn còi lạ trên đường Ngô Quyền, quận 5, cho biết.

Tại một tiệm chuyên lắp còi độc trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11, chủ tiệm - thanh niên khoảng 18 tuổi - đang mang ra các loại còi khác nhau để mời chào khách. "Nếu muốn hàng độc thì dùng tiếng à uôm của ễnh ương, giá bộ này khoảng 400.000 đồng", anh thợ trẻ nhanh nhảu. Theo cậu ta, loại còi có tiếng chó sủa, mèo kêu, bò rống… có giá mỗi chiếc khoảng hơn 300.000 đồng. Rẻ hơn là loại phát ra tiếng cười khàn khàn của ông địa do Việt Nam sản xuất giá khoảng 80.000 đồng. “Nhưng mấy loại này lỗi mốt rồi, đã chơi là phải hàng độc thì mới nổi”, cậu chào hàng.

Anh thợ trẻ còn tư vấn: "Để chắc ăn, anh phải chơi thêm 2 công tắc phụ. Khi bị Cảnh sát giao thông ‘vịn’ (phát hiện, bắt phạt) thì mình tắt công tắc phụ đi. Lúc đó còi sẽ trở về bình thường". Như chứng minh điều vừa nói, anh ta dắt chiếc xe RGV 120 phân khối của Suzuki ra và mở công tắc. Tiếng cười man rợ ré lên ngắt quãng. Nhưng chỉ bằng một động tác bẻ tay lái và bóp thắng trước, tiếng còi xe lại vang lên “tin, tin” như bình thường.

Theo Thuận, một thợ chuyên lắp còi điện tử trên ở đường Trần Quang Khải, quận 1, loại còi này được giới chạy xe tay ga đời mới như @, Dylan, SH... ưa chuộng vì xe lớn nên dễ dấu loa và công tắc phụ. Chỉ cần khoan một lỗ nhỏ ở chỗ để chân, nối công tắc lên. Khi nào cần thì để chân vào đó, tiếng kêu quái dị sẽ phát ra, còn không thì vẫn kêu bình thường. Không chỉ dùng 1 công tắc phụ, nhiều chiếc có 4-5 công tắc khác dấu khắp nơi nên dễ dàng qua mặt được Cảnh sát giao thông khi bị thổi phạt.

Theo ông Thân Minh Khuya, Phó phòng cảnh sát giao thông Công an TP HCM trong các đợt diễn ra sự kiện thể thao lớn như SEA Games hay Tiger Cup, các thanh niên đổ ra đường lạng lách, đáng võng thường sử dụng các loại còi có công suất lớn hơn mức cho phép hoặc phát ra những tiếng kêu quái dị. Các hành vi lắp hay “độ” lại còi xe như trên đều bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng và tang vậy sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, hiện các quái xế sử dụng thiết bị này ngày càng tinh vi hơn như lắp thêm công tắc phụ, dấu loa trong cốp xe... để qua mặt lực lượng kiểm soát. "Phòng đã chỉ đạo các đơn vị phải xử nghiêm hình thức vi phạm trên", ông Khuya khẳng định.

(Theo Ngoisao.net)