Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI: Chọn "thủ lĩnh" chống tham nhũng
Ngày 25.10, ĐB Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là 2 dự luật quan trọng đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân; vì vậy, những ý kiến thảo luận đã tập trung hơn vào những quy định đang gai góc: Lựa chọn một đơn vị với một "thủ lĩnh" đủ sức đẩy lùi tham nhũng, lãng phí..., và nếu để xảy ra lãng phí thì trách nhiệm của người đứng đầu thế nào? Kê khai tài sản: Nhiều bất hợp lý Bước sang ngày thứ hai thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, ý kiến các ĐB đã tập trung thảo luận chỉ ra bất hợp lý của việc kê khai tài sản. Theo quy định của dự thảo: "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên". ĐB Hà Đức Lệnh (Bắc Cạn) phân tích: "Trong thực tế diễn ra trường hợp một công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, có 3 người con, trong đó có 2 người con đã thành niên. Hiện tại, mỗi người con có một biệt thự và có một xe ôtô để làm ăn thì không phải kê khai. Ngược lại còn người con chưa thành niên - đang đi học, ở với bố mẹ, tài sản không có gì lại bị buộc kê khai tài sản thì sẽ... bằng không. Tôi thấy không hợp lý".
Về vấn đề kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) và nhiều ĐB khác cho rằng, quy định như vậy mới phù hợp với nguyên tắc tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ, chồng đã được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định. Nhưng trong thực tế, con chưa thành niên thì không có tư cách pháp nhân để được xác định về quyền sở hữu tài sản, mà quan trọng là số tiền được tẩu tán hoặc chuyển nhượng cho người thân, hoặc những người có quan hệ kinh tế khác. Vì vậy, ĐB Lợi đề nghị: Chỉ nên quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, phải kê khai tài sản và mọi biến động tài sản thuộc sở hữu của mình là đủ. Trong đó bao gồm cả tài sản của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu của họ, nhưng người khác đang sử dụng, hoặc là đang quản lý. Tại buổi thảo luận, ĐB Vũ Ngọc Cừ (Lào Cai) và nhiều ĐB khác còn cho rằng một số đối tượng có thể "lọt lưới" về kê khai tài sản. ĐB Cừ đề nghị: "Tôi thấy thiếu một đối tượng nữa là lực lượng ở trong bộ đội biên phòng và công an. Một số cán bộ, chiến sĩ của biên phòng, công an, kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, thực thi nhiệm vụ của mình, cần phải kê khai tài sản".
Cơ quan chống tham nhũng: "Quân chung, tướng góp" Phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng "nóng" lên với những ý kiến nhằm tìm ra một "đơn vị" và một "thủ lĩnh" để chống tham nhũng có hiệu quả. ĐB Hà Mạnh Trí (Thái Bình) đồng ý với dự thảo là lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. ĐB Hà Mạnh Trí lập luận: "Thực tế, một số việc cụ thể cũng đã có những ban chỉ đạo, ban chỉ đạo này chúng tôi quan niệm đồng chí Thủ tướng không phải chỉ là đại diện Chính phủ mà còn thay mặt cho cả Đảng, là người có vị trí rất cao trong Đảng".
ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số ĐB khác lại không mặn mà lắm với việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng: "Đề nghị Quốc hội nên thành lập ở trung ương một cơ quan đặc trách chống tham nhũng hoặc thay tên "ban chỉ đạo" bằng tên khác ở trung ương thuộc Chính phủ. Chẳng hạn lấy tên là Cục Điều tra chống tham nhũng hoặc Uỷ ban Chống tham nhũng của trung ương. Cơ quan này phải độc lập, có thực quyền hoạt động cơ động, thường xuyên và chỉ tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật. Tất nhiên, cơ quan này không làm thay các cơ quan thuộc Thanh tra Nhà nước, hoặc viện kiểm sát hoặc của ngành. Đây là một cơ quan của trung ương".  | ĐBQH Dương Kim Anh (Trà Vinh) tham luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. | ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) nhấn mạnh tới chức năng của cơ quan chống tham nhũng, rằng cơ quan này phải đặt đúng vị trị của nó. Tuy nhiên, không phải không còn những băn khoăn về hiệu lực của tổ chức này. Do vậy, đề nghị nghiên cứu để đảm bảo cơ chế hoạt động tương đối độc lập để tăng cường hiệu lực cho tổ chức này.
ĐB Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (Quảng Trị) có quan điểm riêng: "Về ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tôi nghĩ Thủ tướng Chính phủ có làm trưởng ban chỉ đạo hay không cũng phải thực hiện quyền năng này. Vì vậy, tôi thấy không cần thiết". ĐB Mỵ bảo vệ quan điểm của mình: "Thành lập một ban chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ phải mời tất cả các thành phần để tham gia. Tôi nghĩ một tổ chức "quân chung, tướng góp" thì cơ chế vận hành rất khó và hoạt động kém hiệu quả. Tôi nghĩ quyền năng này giao cho Thủ tướng Chính phủ độc lập và thêm bộ phận chuyên trách giúp cho Chính phủ". Lê Đỗ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Người đứng đầu là Thủ tướng
 | Dù đã được khắc phục nhiều lần, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) - một trong những công trình bị phát hiện có nhiều tiêu cực - vẫn bị lún nứt. | Nếu Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thì ai giám sát? Có người làm phải có người giám sát, trong cuộc sống cũng thế, trong khoa học kỹ thuật cũng vậy. Các vị ngồi ôtô cũng vậy, ngồi xe máy cũng vậy, phải có chân ga, phải có chân phanh. Bộ máy Nhà nước ta đã có lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu ta làm lẫn chức năng sẽ rất khó.
Nếu cơ quan lập pháp làm việc hành pháp thì ai giám sát, cho nên UB Thường vụ Quốc hội vừa rồi bàn ban chỉ đạo là cơ quan hành pháp, giúp cho Thủ tướng thôi, chứ không phải làm thay cho Thủ tướng.
Toàn bộ hành pháp phòng, chống tham nhũng là Thủ tướng. Có ý kiến cho rằng Thủ tướng đứng đầu cơ quan chống tham nhũng là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là không phải. Thổi còi là việc Quốc hội giám sát, còn việc phòng, chống tham nhũng là phải do Chính phủ làm, mà đứng đầu là Thủ tướng. Lập pháp làm, chỉ đạo, thành lập một uỷ ban giám sát thì ta lại "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Đ.L.T ghi Ghi từ quốc hội
ĐB Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng): Người đứng đầu nên là Chủ tịch Quốc hội Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban chỉ đạo, có các uỷ ban của Quốc hội. Thành lập uỷ ban tư pháp để thực hiện giám sát, triển khai lực lượng phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các ngành của Chính phủ, chính quyền các cấp. Lực lượng này đủ sức thực hiện cơ chế do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, nhân dân làm chủ thông qua đại biểu Quốc hội, thông qua HĐND và người đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền năng này do nhân dân, Đảng giao phó cho Quốc hội. Đ.L.T ghi ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh): Không thể "vừa đá bóng vừa thổi còi" Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng là Thủ tướng Chính phủ xem ra không khách quan, chỉ xử lý tình huống xảy ra. Nếu thành viên hành chính vi phạm thì Thủ tướng phải liên đới chịu trách nhiệm. Lúc này sẽ rơi vào tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cử tri đề xuất phương án thứ ba là thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng hoạt động độc lập trực thuộc QH. Những người làm công tác này phải kê khai tài sản hàng năm, có hình thức xử lý thật nặng khi có hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bởi vì kết luận của họ chính là cơ sở pháp lý để buộc tội. L.H Nhiều ĐBQH cho rằng Quốc hội nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ 2 năm/lần với các bộ trưởng, ai không đạt 50% số phiếu, cần bãi nhiệm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một cơ sở để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Bỏ phiếu không phải để loại bỏ một vài người mà nhằm đánh giá lại mức độ tín nhiệm của Quốc hội với công việc của họ, thúc đẩy cá nhân đó làm tốt hơn công việc của mình. Nếu không làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu thì Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua cũng không có nhiều ý nghĩa. H.U.Y |
|