Đầu tháng 8 này, một buổi sáng, chúng tôi tới thăm cụ Hồng Tâm nay đã 91 tuổi đời, 65 tuổi đảng ở đường Nguyễn Văn Thủ, phường Ða Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Cụ đang nằm trên giường lật đật ngồi dậy tiếp khách. Cụ nói:
- Hai chân tới nay quá yếu, đi lại khó khăn. Tôi phải nhờ vào chiếc ghế sắt để nhích đi từng bước một. Cụ kể: Gia đình tôi theo đạo Phật từ đời ông nội rồi tới ba má tôi. Tới chừng chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Ba Yêm từ Hà Nội vô đây hoạt động giải thích lý lẽ quá hay nên tôi chịu vô Ðảng liền. Làm tôi vô Ðảng chậm mất năm năm. Nên lúc ấy, tôi được kết nạp chính thức luôn chớ không cần có thời gian thử thách hay dự bị.
Tôi vẫn muốn biết rõ hơn thời gian hoạt động của cụ cùng thời với chị Nguyễn Thị Minh Khai, khi ấy được Trung ương cử vào Nam để tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cụ Hồng Tâm nói ngay: Chị Ba Yêm là người miền bắc cùng vào đây hoạt động chung với chị Nguyễn Thị Minh Khai. Chị Nguyễn Thị Minh Khai là "thầy" của tôi mà! Còn chị Ba Yêm là chị Cả của tôi được Ðảng phân công đi bán thuốc cao đơn hoàn tán, còn tôi thì bán lụa để hoạt động cho dễ, hơn nữa để địch khó phát hiện. Tôi thứ mười nên mọi người gọi tôi là "Mười Lụa". Khi bị Tây bắt tôi cũng lấy tên này mà khai để chúng khỏi hỏi tới hỏi lui.
Thì ra thế! Hèn chi mà nhiều người không biết cụ Nguyễn Thị Hồng Tâm ngày nay chính là chị Mười Lụa năm xưa hoạt động tích cực và sôi nổi ở An Phú Ðông cũng như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh và các tỉnh miền tây vào những năm 1930 - 1950. Cụ cười rất tươi: Tôi bị Tây bắt, bị giam cầm đánh đập dữ dằn đến gãy một chân, quẹo cổ, mặt mày sưng vù, máu bầm ứ đọng khắp thân thể. Ðợi cho tới Cách mạng Tháng Tám thành công tôi mới được ra khỏi tù và được bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cứu chữa hết bệnh, rút máu bầm ở đầu ra và chân gãy băng bó thế nào mà chỉ ít lâu sau là lành lại, đi đứng bình thường. Thế mới hay chớ!
Mười Lụa sinh ra và lớn lên tại vùng quê An Phú Ðông (quận 12, TP Hồ Chí Minh ngày nay). Gia đình có tới mười anh em mà Mười Lụa là út. Cha mẹ anh em đều hoạt động phong trào yêu nước. Lúc nhỏ, Mười Lụa đã nghe nội kể lại, ông nội tổ là cụ Nguyễn Minh Lý theo Văn Thân chống Pháp bị triều đình nhà Nguyễn kêu án tử hình. Cụ đã trốn về An Phú Ðông - Gia Ðịnh cùng với đồng bào địa phương tổ chức chống thực dân Pháp rồi vào hội kín hay Thiên địa hội gì đó đã dặn dò con cháu sau này phải noi gương dòng họ mà tiếp tục chống Pháp.
Lúc mới đến vùng này, cụ tổ chọn một vị trí đắc lợi ở An Phú Ðông, chỗ tọa lạc của ngôi chùa Thầy Phận (nay là chùa Khánh An) lập đồn xây phòng tuyến chống giặc Pháp. Dân địa phương gọi đây là "đồn quan ta" vì cụ Lý là quan của triều đình nhà Nguyễn. Về sau, chính thầy trụ trì chùa tên là Nguyễn Văn Phận đã cùng đồng bào nơi đây dựa vào "đồn quan ta" dựng chùa và tập hợp nhiều thanh niên thành lực lượng đánh Tây, vũ khí thô sơ là dao mác, tầm vông, súng hơi... Thế mà tinh thần yêu nước, chiến đấu lên rất cao vì ai nấy đều căm thù giặc Pháp xâm lược. Bọn chúng đi tới đâu đều đốt nhà cửa, phá hoại ruộng vườn, bắt bớ thanh niên, đánh đập ông già bà cả, hãm hiếp đàn bà con gái. Giặc Pháp thường chạy tàu sắt trên sông Sài Gòn bắt vô khu vực chùa Thầy Phận, nơi gia đình ông nội của Mười Lụa cư ngụ. Có lúc bọn chúng lại đi ngựa, đi xe quân sự theo đường đất vào đây.
Có lần bọn lính Tây không đi tàu bắn từ ngoài bờ sông vào nữa mà chúng đi ngựa tới để bắt bớ đồng bào, vơ vét tiền của. Dân làng biết được tin này liền huy động lực lượng bà con đem trái mù u đổ ra đầy đường khiến cho ngựa của Tây bị trượt ngã lăn không đi vào được. Bọn chúng tức mình, lần sau đi xe jeep tới định san bằng chùa Thầy Phận nhưng bà con biết trước, lại hè nhau rải rơm khắp mặt đường đất rồi đem đất sét nhão đổ lên làm bánh xe bị rơm và bùn quấn cuốn kẹt không chạy được. Chính cha và anh của Mười Lụa đã chỉ huy trận càn chống trả giặc Pháp bằng cách này. Bọn chúng tức lắm la hét om sòm, bắn phá lung tung một lúc rồi kéo nhau trở ra. Ðó là cách tự vệ phòng thủ để ngăn trở bọn giặc đi ruồng bố bắt bớ đồng bào.
Lực lượng thanh niên và tự võ trang bằng tầm vông, gậy, dao, mua vài cây súng hơi bắn đạn chì quyết tâm đánh trả giặc Pháp khi chúng càn quét vào vùng này. Trong số đó có anh Thanh mà thanh niên trong vùng rất mến mộ, lờ mờ nghĩ là người cộng sản rất dũng cảm và mưu trí, kêu gọi tuyển chọn 100 thanh niên gan dạ võ trang thô sơ đi khắp vùng An Phú Ðông để tìm diệt hương chức hội tề ác ôn. Anh của Mười Lụa là Nguyễn Văn Sai thành lập đội võ trang tự vệ. Mười Lụa là một trong số trăm thanh niên ấy tham gia rất hăng hái và sôi nổi. Ðó là những năm 1934 - 1935. Bọn tay sai Pháp rêu rao hù dọa nào là Cộng sản bắt bớ đồng bào sẽ cắt cổ, rút móng tay, móc mắt hòng làm cho mọi người sợ hãi mà không dám theo Cộng sản đánh Pháp. Hàng trăm thanh niên này đã rải truyền đơn, treo biểu ngữ khắp nơi để phản bác lại lời lẽ phản động của bọn chúng. Anh chị em tìm cách treo cờ Ðảng ở những nơi công cộng như chợ, cầu, ngay cả trên nóc các dinh thự, trụ sở đầu não của quan thầy Pháp ở tòa tỉnh Gia Ðịnh, dinh thống đốc, chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu... và chặn bắt bọn tay sai, tuyên truyền, giải thích, kêu gọi đồng bào đoàn kết cùng nhau chống giặc Pháp xâm lược. Lần hồi, bọn lính Tây, lính tay sai, kể cả hương chức hội tề quay sang cảm tình với cách mạng và những chiến sĩ cách mạng. Bọn chúng vừa khiếp sợ những hành động táo bạo xuất quỷ nhập thần, vừa khâm phục ý chí kiên cường và lòng yêu nước cao cả của lớp thanh niên, phụ nữ cách mạng vùng 18 thôn Vườn Trầu.
Khi Ðảng bộ tỉnh Gia Ðịnh đóng ở 18 thôn Vườn Trầu, Bà Ðiểm - Hốc Môn cử cán bộ vào An Phú Ðông tiếp cận, tuyên truyền móc nối những thành phần yêu nước, đã từng tự phát đánh Tây để gắn kết với các phong trào cách mạng của Ðảng thì nhiều người hưởng ứng ngay và sẵn sàng đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Mười Lụa gia nhập Ðảng vào ngày 29-9-1939, sau khi được chị Nguyễn Thị Minh Khai vận động giác ngộ. Mười Lụa vào Ðảng năm 28 tuổi nhưng trong giấy tờ chỉ có 23 tuổi. Bởi vì lúc nhỏ thấy Mười Lụa khó nuôi nên vì mê tín cha mẹ đã khai tử thay cho đứa bé hàng xóm bị bệnh qua đời. Ngày vào Ðảng đứng trước Ðảng kỳ, Mười Lụa cảm nhận được những giờ phút thiêng liêng của cả cuộc đời. Về sau, Mười Lụa càng hiểu cái ngày 29-9-1939 ấy có ý nghĩa đến chừng nào. Ðúng ngày đó, Trung ương Ðảng đóng tại Sài Gòn đã ra một bản Thông cáo gửi tất cả các cấp bộ Ðảng trong nước vạch ra những nét đầu tiên về việc chuyển hướng đấu tranh cách mạng của nước ta. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã nổi lên. Nhiệm vụ nặng nề đó giao Ðảng gánh vác. Tổ chức và công tác phải rút vào hoàn toàn bí mật.
An Phú Ðông nằm kề với Hốc Môn - Bà Ðiểm lại có thêm lực lượng nòng cốt hùng mạnh và đồng bào nhiệt tình ủng hộ bảo vệ, chở che nên nơi đây được chọn là căn cứ của Trung ương Ðảng và Thành ủy. Quần chúng nhân dân vùng rộng lớn này từ An Phú Ðông qua Bà Ðiểm - Hốc Môn tới Củ Chi - Bến Cỏ đều theo cách mạng do Ðảng lãnh đạo. Vì thế Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Ðịnh thời tiền khởi nghĩa đều lấy 18 thôn Vườn Trầu là tâm điểm an toàn để hoạt động. Khi Mười Lụa vào Ðảng thì An Phú Ðông mới có chi bộ đầu tiên ba đảng viên: Mười Lụa, Ngô Tấn Long và Nguyễn Văn Sai. Ông Long là chồng của Mười Lụa còn ông Sai là anh Mười Lụa. Sau này ông Long phụ trách công tác giao thông thường đi các tỉnh miền tây. Còn ông Sai phụ trách đội võ trang của An Phú Ðông ít lâu sau bị giặc bắt và hy sinh.
Mười Lụa từng là lãnh đạo phong trào ở An Phú Ðông kiêm phụ trách công tác phụ nữ của tỉnh Gia Ðịnh nhưng lại hoạt động trên địa bàn rất rộng từ Gia Ðịnh - Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến Long An, Mỹ Tho và Châu Ðốc thay thế chị Ba Yêm đã hy sinh. Vào những năm 1939 - 1940, cao trào giải phóng dân tộc lên rất cao ở miền nam và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Ðông Dương. Ðảng và các tổ chức do Ðảng lãnh đạo nảy nở nhanh chóng. Hai tháng sau ngày Trung ương ra bản Thông cáo nói trên (29-9-1939) tại xã Tân Thới Nhất (Bà Ðiểm - Gia Ðịnh) Trung ương Ðảng đã Họp hội nghị lần thứ VI từ ngày 6 - 8-11-1939 có sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Võ Văn Tần và Lê Duẩn do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Tới đầu năm 1940 nhất là từ khi nhận được những tín hiệu Ðảng Cộng sản đang chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang thì đế quốc Pháp lại càng tăng cường lùng sục, bắt bớ, đưa ra xét xử đảng viên và quần chúng tích cực của Ðảng. Ngày 17-1-1940, Pháp bắt được đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Ðảng ta và một số đồng chí khác. Ngày 21-1940, địch bắt đồng chí Võ Văn Tần (tức Biện Tần) Ủy viên Trung ương Ðảng kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Sau thời gian ráo riết truy lùng, nhờ tên phản bội đầu thú, ngày 30-7-1940 tại đường Gia Long nối dài (Trịnh Hoài Ðức - quận 5 hiện nay) địch đã bắt được hai nhân vật quan trọng của ta là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Nguyễn Hữu Tiến cùng với nhiều cán bộ Phụ vận, trong đó có Mười Lụa. Thời kỳ này giặc Pháp khủng bố ác liệt ở miền nam. Mặc dù vậy, các tổ chức cơ sở của Ðảng ở Sài Gòn - Gia Ðịnh và các tỉnh vẫn còn tồn tại và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ.
Cụ Mười Lụa ngồi trầm ngâm hồi tưởng những ngày bị bắt và ở tù cùng chị Nguyễn Thị Minh Khai cách đây hơn 60 năm. Một lát sau, cụ vừa buồn vừa giận nói:
- Tôi bị tra tấn dữ dội tại bót Catinat (Sở Văn hóa - Thông tin ở đường Ðồng Khởi ngày nay) đến chết đi sống lại và bị gãy chân trái nên không chịu nổi khai ra một số hoạt động đã lộ do tên Gốc và tên Ðức trong hàng ngũ của mình đầu Tây chỉ điểm. Sau đó, chị Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị đưa vào đây. Nhưng khi bị tra khảo chị luôn luôn nhận hết các hoạt động do chúng nêu ra. Chị khẳng khái nói thẳng vào mặt chúng: Tao và đồng bào tao yêu nước nên chống lại bọn Pháp chúng mày tới xâm lược nước tao. Bọn Ðức quốc xã chiếm nước Pháp, tụi mày có chống lại không? Trước những lý lẽ như vậy bọn Pháp không làm sao hành hạ chị Minh Khai được mà ngược lại còn nể phục nữa.
Chị Minh Khai rất thương Mười Lụa. Khi biết Mười Lụa bị đánh đau quá nên khai ra, chị ôn tồn chỉ bảo: Mình phải biết khai như thế nào để vừa bảo mật được tổ chức vừa đỡ bị chúng khảo tra tiếp tục. Nếu mình cứ khai ra hết thì bọn chúng lại càng tra tấn dữ dội hơn và tổ chức của mình bị bể hết!
Rồi chị chỉ vẽ cho Mười Lụa cách phản cung. Sáng hôm sau, khi bọn chúng gọi Mười Lụa để khảo tra nữa thì Mười Lụa phản cung, Mười Lụa bình tĩnh nói: Thằng Ðức, thằng Gốc thương cháu gái tôi nhưng tôi đã xúi chị tôi không gả nên bọn chúng khai vấy để trả thù tôi.
Bọn Pháp bắt tên Ðức, Gốc ra đối chất. Hai đứa là quân chiêu hồi nên khi nghe có chị Minh Khai vào đây chúng rất sợ vội thú nhận tội là đã khai ẩu để trả thù Mười Lụa. Lập tức, bọn Pháp cho đánh hai tên này chết ngay tại chỗ.
Chị Nguyễn Thị Minh Khai bị giam chung với Mười Lụa được vài hôm thì bọn chúng đưa chị đi để xử bắn ở Sở rác, một trong ba trường bắn vừa mới lập ra tại Hốc Môn cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần và Nguyễn Hữu Tiến (tức Hải Ðông). Các đồng chí đều giựt tung những mảnh vải đen bịt mắt, bịt miệng trước đông đảo đồng bào bị chúng tập trung "chứng kiến" hòng uy hiếp tinh thần. Chị Minh Khai đã hô lớn: "Ðả đảo đế quốc Pháp!", "Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!", "Việt Nam độc lập muôn năm!" Trước khi trút hơi thở cuối cùng, các chiến sĩ cộng sản ấy vẫn cổ vũ đồng bào giữ vững tinh thần chiến đấu và tin tưởng sự nghiệp giải phóng dân tộc nhứt định sẽ thắng lợi.
Cụ Mười Lụa vừa khóc vừa nói với giọng trầm buồn: Khi thấy bọn Pháp đưa chị Minh Khai ra khỏi phòng giam là mọi người đều thầm hiểu chúng đem đi xử bắn nên cả trăm chị em tù kêu khóc thảm thiết và la ó phản đối rồi đập phá trại giam. Bọn chúng phải nói gạt là đưa chị đi Bà Rá (một trại giam nhốt tù chính trị nổi tiếng ở Phước Long).
Từ năm 1941 đến tháng 3-1945 là thời kỳ rất khó khăn của các Ðảng bộ ở miền nam. Phần lớn đảng viên bị địch bắt cầm tù ở Tà Lài (Ðồng Nai), Bà Rá (Phước Long), Côn Ðảo và các khám ở Sài Gòn như khám Lớn, khám Phú Mỹ, Catinat. Vậy mà một bộ phận đảng viên còn lại vẫn kiên trì tiếp tục len lỏi hoạt động gây dựng phong trào. Quần chúng nhân dân vẫn bao bọc và một lòng tin tưởng cách mạng. Ðầu năm 1941, khi được tin Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng thì đảng viên và đồng bào miền nam vô cùng phấn khởi và tin tưởng. Phong trào cách mạng trở lại sôi nổi, phát triển ngày càng mạnh mẽ để tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước. Từ đầu tháng 4-1945 Nam Bộ thường xuyên nhận được chỉ thị lãnh đạo của Trung ương Ðảng. Ðồng chí Lý Chính Thắng được cử ra bắc gặp đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và sau đó từ Hội nghị Tân Trào, lệnh khởi nghĩa được phát ra. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh và các tỉnh thành Nam Bộ sục sôi không khí khởi nghĩa. Tổ chức Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc hoạt động mạnh mẽ. Các cơ sở Ðảng phát động phong trào quần chúng, sinh viên học sinh, trí thức hoạt động rầm rộ, sôi nổi trong những ngày Nhật tước súng Pháp. Ngày 15-8-1945, tin Nhật đầu hàng đồng minh được lan truyền nhanh chóng. Một không khí tiền khởi nghĩa sôi động khắp thành thị và nông thôn. Xứ ủy Nam Kỳ họp liên tục từ 17 đến 20-8-1945 tại chợ Ðệm (Bình Chánh)quyết định đưa Việt Minh ra công khai và ấn định ngày 23-8-1945 khởi nghĩa ở Tân An.
Ðêm 24-8-1945, các đội tự vệ xung phong đã chiếm các công sở, đồn bốt và kéo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm lên các điểm cao nhất. Những đội Công đoàn xung phong đã tiến chiếm cơ sở đầu não như dinh Thống đốc Nam Kỳ, kho bạc, bưu điện, nhà đèn, nước và sở cứu hỏa... Ðêm ấy, trong khám Lớn Sài Gòn, hàng trăm chị em phụ nữ tù được phổ biến lệnh nên ai ai cũng chuẩn bị khởi nghĩa và vận động bọn cai ngục ngả theo cách mạng.
Cụ Mười Lụa cười lớn nhớ lại:
- Các cửa khám quá nhỏ, chị em tù không đợi lâu nên đã phá tường mà tràn ra. Số đông khác bắc thang, cột dây trèo tường ra cho nhanh. Tôi bị què một chân nhưng cũng được chị em cột dây kéo qua tường rào miểng chai. Thế mà không biết đau và mệt mỏi gì hết.
Trưa ngày 25-8-1945, đoàn biểu tình ồ ạt kéo thẳng vào tòa bố Gia Ðịnh, tên tỉnh trưởng Nguyễn Phước Lộc cúi đầu xin nhận lệnh của cách mạng. Cả thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh và các tỉnh chung quanh đã tổng khởi nghĩa thành công. Ngày 2-9-1945, cuộc mít-tinh khổng lồ hàng triệu người tham dự diễn ra tại quảng trường quanh khu vực nhà thờ Ðức Bà - Bưu điện để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập qua loa phóng thanh tuyên bố cùng thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Mười Lụa lúc đó bước đi khập khễnh vẫn sung sướng khôn tả cùng chị em phụ nữ đứng giữa rừng người để chứng kiến sự thành công của cuộc tổng khởi nghĩa, chào đón chính quyền cách mạng, chào đón hừng đông của chế độ mới và mừng ngày Quốc khánh đầu tiên của nước ta sau gần một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ.
Kể chuyện tới đây, bỗng cụ Mười Lụa xúc động nói:
- Tưởng là đất nước được độc lập tự do từ đó nhưng không ngờ cuộc kháng chiến tiếp tục kéo dài thêm 10 năm rồi 20 năm nữa. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, khi được bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng chữa lành chân tôi lại được Ðảng phân công làm Hội trưởng phụ nữ Gia Ðịnh rồi đi Châu Ðốc. Tới năm 1949 tôi được phân công tiếp làm tình nguyện quân phụ trách dân vận phục vụ ở Cam-pu-chia sát biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ... Chẳng bao lâu, tôi nhận được hung tin: ba đứa con của tôi (hai đứa gái sinh đôi năm tuổi và một đứa trai ba tuổi) bị giặc Pháp ném bom chết ở quê nhà An Phú Ðông cùng với đông đảo bà con lối xóm mà tôi đã gởi nuôi nhờ. Tới năm 1954, cả hai vợ chồng tập kết ra bắc từ chiến trường Cam-pu-chia vì khi ấy đều là tình nguyện quân.
Cụ Mười Lụa rất buồn vì kể từ đó, hai mươi năm ở Hà Nội cùng với chồng vẫn không sinh thêm đứa con nào nữa. Cụ Long qua đời trên đất bắc ở tuổi 60 do hậu quả của những năm tháng nhọc nhằn, kham khổ kháng chiến ở miền nam. Sau đại thắng năm 1975, cụ Mười Lụa trở về nam, cố quên đi chuyện đau thương để vui sống với bà con trong khu phố thuộc phường Ða Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Chuyện cụ Mười Lụa, người gọi chị Nguyễn Thị Minh Khai là thầy nó là như vậy đó. Chào cụ ra về, chúng tôi thầm nghĩ còn biết bao con người cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân mà nay vẫn sống lạc quan thầm lặng giữa đời thường. Chính họ là những viên ngọc bích dựng xây nên sự nghiệp đất nước Việt Nam trường tồn.
|