Tước ấn tín tỉnh trưởng Quảng Yên
Các Website khác - 17/08/2005
Chiều 20-7-1945, bốn tên Ðại Việt ở Hải Phòng đến Quảng Yên vào dinh tỉnh trưởng, dùng súng bắn chỉ thiên để ép tỉnh trưởng bàn giao chính quyền và vũ khí cho chúng.Được tin này, lập tức, đồng chí Nguyễn Bình cùng tổ trinh sát đến ngay dinh tỉnh trưởng tuyên bố thẳng với chúng: "Việt Minh đã làm chủ Quảng Yên". Sau đó, ta đã thuyết phục được chúng quy thuận Việt Minh.
Trước khi thành lập Chiến khu Trần Hưng Ðạo (Ðệ tứ chiến khu, vào tháng 4-1945), thị xã Quảng Yên để tìm bắt liên lạc với Tỉnh bộ Việt Minh. Các đồng chí cách mạng địa phương đã cung cấp cho đồng chí Nguyễn Bình, Tư lệnh Ðệ tứ chiến khu về tình hình ta và địch. Ðồn bảo an có một đại đội do quan một Nguyễn Văn Tiếp làm đồn trưởng (thời Pháp, Tiếp là quản khố xanh, đến thời Nhật được phong là thiếu úy). Cơ quan tỉnh trưởng và cơ quan huyện Yên Hưng có đơn vị lính cơ bảo vệ.

Ở tỉnh lỵ Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh) các đoàn thể cứu quốc, các tổ chức tự vệ, du kích đã được xây dựng ở thị xã, các huyện và các xã. Quần chúng nhân dân náo nức chờ cách mạng. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa hừng hực, khiến giặc Nhật và bè lũ tay sai lo lắng, bảo an binh hoang mang, dao động. Bọn phản động Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Ðồng minh Hội), Ðại Việt (Ðại Việt quốc gia liên minh)... nổi lên hoạt động, gây tình hình rối loạn. Nạn đói khủng khiếp diễn ra khắp nơi.

Trước tình hình đó, Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Yên đã bắt liên lạc với Ủy ban Quân sự Cách mạng chiến khu Trần Hưng Ðạo, đề nghị đưa lực lượng vũ trang về phối hợp lực lượng cách mạng địa phương, đánh chiếm thị xã Quảng Yên.

Ngày 10-7-1945, cuộc họp giữa Ủy ban Quân sự Cách mạng chiến khu và Ban lãnh đạo Việt Minh Quảng Yên bàn kế hoạch đánh chiếm thị xã Quảng Yên vào ngày 23-7-1945. Mục tiêu của cuộc tấn công và nổi dậy là làm tan rã bộ máy chính quyền tay sai phát-xít Nhật ở tỉnh lỵ và huyện Yên Hưng tước vũ khí, chiếm kho lương thực của địch... cứu đói cho dân, giải phóng tù chính trị đang bị giam giữ, để tăng cường lực lượng cho chiến khu và phong trào cách mạng vùng Ðông Bắc, khẩn trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Ðây là trận đầu ra quân, cách xa chiến khu lại đánh vào một tỉnh lỵ, khác với đánh vào một đồn. Ngoài việc tước vũ khí của đồn bảo an binh, còn phải kiểm soát các công sở, kho tàng, dinh tỉnh trưởng... lực lượng của ta có hạn nên dùng kỳ tập kết hợp nội ứng, phải bảo đảm nhanh gọn, bất ngờ không để cho địch kịp trở tay, không để phải nổ súng, tránh không để đổ máu.

Các đơn vị tham gia chiến đấu gồm: Một trung đội Hoàng Văn Thụ do Nguyễn Quý Ðôn chỉ huy; một tiểu đội của trung đội Hoàng Hoa Thám do Phan Mạnh Hà chỉ huy; Tiểu đội 1 Ký Con do Lê Phú cùng Hoàng Vinh chỉ huy; tiểu đội 2 Ký Con do Bùi Sinh chỉ huy; súng đạn mang theo đủ. Tổ trinh sát có Nguyễn Hùng Phong, Quách Lĩnh, Sơn Vỷ (An Duy Vỷ) và bộ phận cứu thương có các chị Lê Thị Bích, Nguyễn Thị Hạnh và Nguyễn Thị Thông.

Kế hoạch cụ thể về xuất phát, hành quân, đánh chiếm sẽ phổ biến sau cho từng đơn vị để bảo đảm bí mật.

Chiều 19-7-1945, các đơn vị tham chiến rời khỏi trại Sấu (Ðông Triều), bí mật hành quân, xuống ba chiếc thuyền đinh mui kín mít đang chờ dưới bến rồi lặng lẽ xuôi dòng theo sông Kinh Thày qua Bạch Ðằng Giang xuống Quảng Yên.

Sáng 20-7-1945, cả ba chiếc thuyền lần lượt đến neo đậu ven đê sông Chanh phía bên làng Phong Cốc (thuộc Yên Hưng). Không ai được lên bờ, đợi lệnh sẵn sàng đổ bộ.

Chiều 20-7-1945, trong khi quân ta gấp rút chuẩn bị cho trận đánh, bỗng nghe thấy mấy phát súng nổ ở phía dinh tỉnh trưởng. Ðược tin bốn tên Ðại Việt ở Hải Phòng đến Quảng Yên vào dinh tỉnh trưởng, dùng súng bắn chỉ thiên để ép tỉnh trưởng bàn giao chính quyền và vũ khí cho chúng. Lập tức, đồng chí Nguyễn Bình cùng tổ trinh sát đến ngay dinh tỉnh trưởng tuyên bố thẳng với chúng: "Việt Minh đã làm chủ Quảng Yên". Sau đó, ta đã thuyết phục được chúng quy thuận Việt Minh.

Ðêm 20-7-1945, trận đánh diễn ra đúng kế hoạch, nhanh, gọn. Quân ta đã hoàn toàn làm chủ tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng. Ta thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực thuốc men. Tỉnh trưởng đã giao nộp ấn tín cho quân cách mạng.

Suốt đêm 20 và ngày 21-7-1945, được anh em thanh niên cứu quốc và nhân dân giúp, ta nhanh chóng chuyển chiến lợi phẩm thu được ra cầu tàu Bến Ngự đưa xuống thuyền để đưa về chiến khu.

Ngày 22-7-1945, một cuộc mít-tinh lớn được tổ chức ở sân vận động tỉnh lỵ Quảng Yên. Nhân dân tỉnh lỵ và các làng phụ cận giương cao cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, nô nức kéo về tham dự trong niềm hân hoan chào mừng thắng lợi của cách mạng.

ÐÔNG A HỒNG