Thời cơ lớn
"Thời cơ lớn là lúc địch ở vào thế suy yếu nhất, ta đang lúc mạnh nhất". Ðại tướng Nguyễn Quyết sôi nổi. Thu nay ông sang tuổi 84, nhưng phong cách vẫn trẻ trung như ngày nào, cuốn hút, thuyết phục người nghe bởi "ngọn lửa" trong lòng, bởi niềm say mê và rạo rực cách mạng. Ngày đó lãnh đạo Hà Nội khởi nghĩa là những người độ tuổi hai mươi. Ðồng chí Nguyễn Khang- Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, 26 tuổi. Ðồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, 23 tuổi.
"Thời cơ đến từ khi nào 60 năm trước? Chúng tôi đọc Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Thường vụ Trung ương Ðảng: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và nhận thấy, Ðảng ta đã nhìn rõ, đã chỉ ra thời cơ ngay từ khi ấy. Ðọc Chỉ thị của Ðảng mừng lắm, nhưng cũng không cầm được nước mắt. Chỉ thị có câu: "Bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu". Các đồng chí còn nhớ, đầu năm 1945, nạn đói đang diễn ra một cách khủng khiếp. Ngày ngày từng đoàn người đói rách, gầy mòn từ các nơi đổ về Hà Nội, nhiều người đói lả gục xuống ở các cửa ô. Tôi không sao quên được hình ảnh một người còn rất trẻ, chừng 20 tuổi chết cạnh một gốc cây, trên đường sang mạn Nghĩa Ðô. Trong tay anh còn cầm một nắm cỏ tươi. Tội ác này do thực dân, đế quốc, bọn phát-xít Nhật gây ra. Phải mau đánh đuổi chúng, cứu nước, cứu nhà".
"Lòng yêu nước và căm thù giặc lên tới đỉnh điểm, đó là thế mạnh của ta. Còn kẻ thù thì sao? Ngày 9-8-1945 Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật, tiêu diệt một triệu quân Quan Ðông tinh nhuệ của chúng chỉ trong vòng một tuần lễ. Ngày 15-8 Nhật hoàng buộc phải tuyên bố đầu hàng Liên Xô và đồng minh không điều kiện. Trước đó, Nhật đã đánh tan Pháp, nay Nhật lại trở thành kẻ bại trận. Cả hai kẻ thù của chúng ta bị trọng thương. Ở Ðông Dương lúc này quân Nhật như rắn mất đầu".
Ngừng giây lát, Ðại tướng Nguyễn Quyết (trong ảnh) đưa tôi xem bài viết của đồng chí Trường-Chinh: "Cuộc đổi đời của dân tộc chúng ta".
- Trong này anh Trường-Chinh có nói kỹ về Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp ở Tân Trào quyết định khẩn trương khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật trước khi quân đồng minh kéo vào nước ta. Sự kiện này được xem như "Hội nghị Diên Hồng" trong thế kỷ 20, quyết định vận mệnh của dân tộc ta. Tôi chỉ kể các đồng chí nghe đôi nét về Hà Nội trong thời điểm ấy.
Sáng tạo lớn của Hà Nội là buổi chiều 17-8 biết tin Tổng hội viên chức ngụy tổ chức mít-tinh nhằm ủng hộ chính phủ bù nhìn, chống phá tổng khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa đã quyết định biến cuộc mít-tinh của địch thành cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Trong biển người hôm ấy, bỗng bay lên cờ đỏ sao vàng. Và đội thanh niên tuyên truyền của ta trong phút chốc chạy lên cướp diễn đàn, báo tin Nhật đã đầu hàng đồng minh, tuyên truyền đường lối cứu nước của Việt Minh, hô hào nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa. Rồi đoàn người như nước chảy kéo từ Nhà hát lớn qua Tràng Tiền, Bờ Hồ... hô vang các khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Ðả đảo chính phủ bù nhìn", "Việt Nam hoàn toàn độc lập". Làn sóng cách mạng của quần chúng đã lôi cuốn cả những cảnh sát, lính bảo an. Họ cũng nhập vào đoàn biểu tình, "ủng hộ Việt Minh". Cuộc biểu dương sức mạnh này thật sự là đỉnh cao của công tác vũ trang tuyên truyền.
- Thưa Ðại tướng - tôi hỏi - có phải từ cuộc biểu dương sức mạnh ấy mà Hà Nội vững tin quyết định khởi nghĩa?
- Ðúng như vậy. - Ðồng chí Nguyễn Quyết ngồi thẳng người dậy, đôi mắt vụt sáng. - Ngay tối 17- 8 khi đoàn người vẫn đang diễu hành trên đường phố, Thành ủy tổ chức họp hội nghị mở rộng. Nơi họp là nhà bà Hai Nhã ở Dịch Vọng Tiền. Ai cũng rất phấn khởi trước thắng lợi bước đầu, nhưng cũng tranh luận nhiều, đến rạng sáng 18 mới kết thúc. Lúc đầu có ý kiến cho rằng, lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chờ chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy. Nhưng rồi phân tích kỹ lưỡng Thành ủy quyết định: Khởi nghĩa gấp bằng cách huy động thật đông đảo quần chúng do các đội tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu chiếm các nơi quan trọng trong nội thành. Về thời gian, hội nghị quyết định khởi nghĩa vào sáng ngày 19-8, vì nếu để kéo dài thì tinh thần quần chúng đang sôi sục có thể bị sụt xuống và đề phòng bọn địch núng thế làm liều. Hội nghị yêu cầu các cán bộ về huy động lực lượng, không phổ biến đi cướp chính quyền mà nói là đi dự mít-tinh để giữ bí mật, bất ngờ.
Quyết định khởi nghĩa của Hà Nội đã được Thường vụ Xứ ủy nhất trí. Nhưng buổi chiều 18-8, Ủy ban khởi nghĩa gặp một sự kiện bất ngờ: ô-tô của công nhân xưởng A-via chở vũ khí đi từ Gia Lâm qua cầu Long Biên thì bị lính Nhật chặn lại. Chúng lục soát thấy trong xe có vũ khí, cờ cách mạng liền giữ lại và đưa người về xét hỏi ở Bộ tham mưu quân Nhật. Nếu không nhanh chóng giải quyết tình huống này sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của cuộc khởi nghĩa. Ðồng chí Nguyễn Quyết cùng các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa nhanh chóng huy động hàng nghìn công nhân ở nhà máy ô- tô và các nhà máy chung quanh tổ chức thành đoàn biểu tình. Trước sức ép của quần chúng, quân Nhật phải nhượng bộ từng bước. Giằng co mãi đến 12 giờ đêm chúng buộc phải trả cờ, trả người và trả súng. Lúc này ta càng có cơ sở vững chắc khẳng định phương thức đấu tranh chống Nhật của Thành ủy.
Và ngày lịch sử đã đến. Ngày 19-8, "cờ bay muôn nơi, muôn ánh sao vàng". Từ sáng sớm, hàng vạn nông dân ngoại thành tràn vào tập hợp tại các cửa ô. Ở nội thành, các nhà máy đều nghỉ việc, các chợ vắng hẳn người, các hiệu buôn đóng cửa. Cả một biển người mênh mông. Khoảng 20 vạn người biểu tình cướp chính quyền, vượt quá mức dự kiến. 11 giờ trưa cuộc mít-tinh khởi nghĩa bắt đầu! Ðoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách. Ðoàn chiếm trại Bảo an binh do đồng chí Nguyễn Quyết phụ trách. Ðến chiều tối thì hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay quần chúng cách mạng.
- Ðêm thu ấy Hà Nội sáng rực. - Ðại tướng nói chầm chậm như nhấn vào từng tiếng, hai khóe mắt rưng rưng. - Các chụp đèn phòng không đã bị cất đi. Ðèn sáng và cờ sao, một dòng sông đỏ rực dâng lên. Tôi chợt nghĩ không biết giờ này ở Tân Trào Bác Hồ và các đồng chí Trung ương đã biết tin vui lớn? Hà Nội khởi nghĩa như thế đó. Như một giấc mơ!
Sức trẻ
Trong khởi nghĩa Tháng Tám Hà Nội chỉ có 50 đảng viên, tuổi còn rất trẻ. Những cán bộ cốt cán của Ủy ban khởi nghĩa, của Thành ủy cũng rất trẻ. Sau này khi đã là Ðại tướng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Quyết vẫn thường nói với anh em thanh niên trong cơ quan: "Hồi Tháng tám mình mới 23 tuổi. Học hành đâu có được như các bạn bây giờ. Nhưng nói đến ý chí thì lớp thanh niên ngày đó ghê lắm. Ý chí ấy là, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Thời cơ đến nếu không có ý chí, không có mục tiêu, không có phương pháp cách mạng đúng thì không thể giành thắng lợi".
- Thưa Ðại tướng, những "tháng tám" của thời kỳ mới đang đặt lên vai lớp trẻ. - Một nhà văn quân đội "bình luận".
Ðại tướng Nguyễn Quyết cười vui:
- Không chỉ có sứ mệnh đặt lên vai đâu. Họ còn đôi chân vững. Họ có bệ phóng. Họ sẽ bay lên từ truyền thống dân tộc, từ di sản văn hóa cha ông, từ những sự kiện thần kỳ của đất nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Cách mạng là sáng tạo. Bác Hồ là người cách mạng kiên định nhất, sáng tạo nhất.
- Nhưng, thưa Ðại tướng, "thời cơ" của thanh niên ta, lúc này...
- Từ thời Hy Lạp cổ đại người ta đã gọi thời cơ là cai-rôn. Khi cai-rôn gõ cửa thì phải có những quyết định thiên tài. Thời cơ của thanh niên ta ngày nay gắn liền với thời cơ của đất nước, xu thế thời đại. Nhưng làm cách mạng không phải đi dạo ở Bờ Hồ. Thời cơ đến thì sáng tạo chớp lấy, giành nó về tay mình. Sáng tạo, sáng tạo không ngừng lại làm xuất hiện thời cơ.
- Nếu hỏi về điều tâm huyết nhất của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám, Ðại tướng sẽ nói điều gì?
- Sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng ta, một Ðảng mới 15 tuổi đã được tôi luyện trong bão táp cách mạng. Ngay từ Nghị quyết Trung ương Tám (5-1941) đến Chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đó là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho hành động của Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội. Còn sáng tạo của Hà Nội là đã biết làm dịu sự căng thẳng giữa nhân dân Việt Nam và quân Nhật. Khi đó quân Nhật tuy thua trận rồi, nhưng hàng ngũ thì chưa hẳn đã rã. Ta khôn khéo nhưng kiên quyết đấu tranh, khiến chúng có thái độ bất can thiệp vào cuộc khởi nghĩa, xem như đó là công việc của nội bộ Việt Nam...
|