Phối hợp với nổi dậy của quần chúng, lực lượng du kích chiếm Nha Kiểm lý; đồng thời vận động binh lính địch làm nội ứng chiếm đồn Ba Tơ, thu 17 súng, 15 hòm đạn và nhiều quân trang, quân dụng.
Ngày 12-3-1945, ban khởi nghĩa tổ chức mít-tinh với hàng nghìn quần chúng tham gia. Ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Cũng trong ngày 12-3, đội du kích Ba Tơ được thành lập gồm 28 người, chia thành ba tiểu đội do anh Phạm Kiệt làm đội trưởng, anh Nguyễn Ðôn làm chính trị viên. Ðội du kích Ba Tơ ra đời có ý nghĩa quan trọng cho cao trào kháng Nhật cứu nước, giành chính quyền ở Quảng Ngãi; đồng thời thúc đẩy lực lượng cách mạng ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Ðầu tháng 8-1945, Tỉnh ủy và Ban Việt Minh tổ chức cuộc họp tại nhà anh Nguyễn Xuân Nhị. Trong cuộc họp này, anh Huỳnh Ngọc Huệ tìm đâu ra một khẩu súng lục với ba viên đạn, mọi người đều phấn khởi, cầm súng ngắm nhìn rồi đề nghị giữ lại khẩu súng cho cơ quan chỉ đạo khởi nghĩa toàn tỉnh, tôi có chiếc đồng hồ quả quýt mới mua ba đồng cũng được sung công. Ðây là cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch hành động cụ thể về thời gian và phân công phụ trách các hướng khởi nghĩa, giành chính quyền. Anh Trần Quế, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo chung, có thêm mấy anh giúp sức. Anh Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách một số đồng chí đi Ðà Nẵng. Anh Võ Toàn và chị Phan Thị Nể đi Hội An. Tôi chỉ huy một số anh em tự vệ chiếm thành Quảng Nam.
Ðêm 17 rạng 18-8-1945, tôi chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang đến tập kết tại nhà anh Khiểng (thợ rèn) ở cửa nam thành Quảng Nam. Mờ sáng mấy người lính khố xanh ra ngoài thành báo cáo. Thấy tôi chính là anh Hai, người làm rau muống trong thành bấy lâu thì vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, họ van xin tôi cùng một số tự vệ tiến vào dinh tỉnh trưởng. Khi vào dinh, tôi nói: "Các ông phải nộp vũ khí và ngồi yên không được chống đối cách mạng, chính quyền mới sẽ có lệnh sau" và giải thích thêm: "chính quyền bù nhìn đã bị lật đổ, các anh hãy quay về với cách mạng, với nhân dân, sẽ được hưởng khoan hồng...". Những người lính này ngoan ngoãn nộp súng và sau đó được về nhà làm ăn.
Ngày 24 -8, tôi được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban tổ chức cuộc mít-tinh lớn để chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã mang theo cờ đỏ sao vàng kéo về sân vận động. Cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu dương lực lượng. Tự vệ vũ trang, thanh niên tuyên truyền xung phong cùng quần chúng cách mạng tỏa đi trên các đường phố lớn hô vang các khẩu hiệu cách mạng.
Sau khi thành lập chính quyền ở Quảng Nam, Ban Tỉnh ủy họp bầu anh Thanh Hải (Bạch Truật) làm Bí thư Tỉnh ủy thay anh Trần Quế. Tôi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy và được phân công làm chính trị viên chi đội (tỉnh đội). Anh Phan Tuyến (tức Trọng) làm chỉ huy trưởng. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi khẩn trương thành lập một số đại đội bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và đi vào phía nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, ba đại đội đã được hình thành về tổ chức và có thể đảm nhiệm những công việc tuần tra canh gác, trấn áp bọn phản động làm cho nhân dân yên tâm tin tưởng.
Tin Nhật đầu hàng Ðồng minh nhanh chóng lan truyền khắp cả ba miền bắc - trung - nam. Làn sóng cách mạng sôi sục trong những ngày mùa thu tháng tám. Cách mạng thành công, chính quyền mới được thành lập, cả dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân. Ðây là bước ngoặt vĩ đại chưa từng có của dân tộc, song nó cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp và mới mẻ đối với Ðảng ta. Lúc này, trừ một số ít đau ốm bởi chế độ giam cầm trong nhà tù đế quốc, hầu hết đảng viên trước Cách mạng Tháng Tám đều phấn khởi, hăng say lao vào cuộc chiến đấu mới. Ít tuần sau, Xứ ủy Trung Kỳ điều tôi ra Huế và giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam.
Xứ ủy quyết định điều động tôi cũng là điều dễ hiểu. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lịch sử dân tộc Việt Nam và Ðảng ta chuyển sang chương mới. Cảnh mất nước, nô lệ của nhân dân ta đã cơ bản chấm dứt. Lớp đảng viên chúng tôi vẫn nhớ chân lý "Giành chính quyền cách mạng đã khó, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng càng khó hơn". Cảm ơn chặng đường 15 năm hoạt động là điều kiện may mắn cho chúng tôi được thử thách. Tình cảm chung là thế, nhưng mấy đêm liền vẫn trăn trở, những kỷ niệm sâu sắc về vùng đất và con người Quảng Nam cũng như miền Trung Trung Bộ vẫn trỗi dậy. Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc. Tôi nhớ gia đình ông bà Ðức Long coi trọng người lao động. Nhớ bến tắm sông Vĩnh Ðiện, nơi anh Võ Văn Ðặng, người tù chính trị trong nhà lao tỉnh Quảng Nam được tự do đi tắm, người tù chính trị đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa, gặp nhau nhưng vẫn "còn nợ". Câu chuyện tuy ngắn nhưng có ý nghĩa lớn, vì tôi đã thật sự trở về với Ðảng, với đồng bào, đồng chí. Bến đò Ông Ðốc trên chiếc đò con, nghe sông Thu Bồn náo nức chuyển sang thu. Ông Cả Ðáng tuổi già mấy đêm liền thức canh cho cán bộ dự hội nghị Việt Minh tỉnh được an toàn. Tôi đề nghị canh gác thay nhưng bác Ðáng bảo: Chú cứ ngủ để ngày mai làm việc, cứ để bác canh gác có sao đâu. Lực lượng trong cuộc họp mà bị bắt thì cách mạng Quảng Nam càng gặp khó khăn hơn. Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng đi qua. Ông Sáu, bà Lành sống trong túp lều ở cửa đông thành Quảng Nam rất biết trọng nhân cách con người. Chiếc đò con từ Hội An qua bến Kim Bồng đưa đón những đảng viên. Sông phẳng lặng, lòng người như sóng dậy, đón thu về... Sáng hôm tôi ra đi, mấy anh chị em tiễn đưa trìu mến.
Tạm biệt Quảng Nam, với những vùng đất và con người như Vĩnh Ðiện, Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Duy Xuyên... nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan. Khi đột ngột phải xa Quảng Nam, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Không có thơ, văn nào nói lên hết, ghi vào đây nhiều cũng không đủ, nhưng trong sâu thẳm tôi thầm tự hứa nhất định sẽ có ngày trở lại vùng đất quê hương thứ hai này, với những con người đầy nghĩa khí cách mạng hào hùng và tình yêu thương vô hạn.
(Trích hồi ký Một thời sôi động - Ðại tướng CHU HUY MÂN)
|