Chúng tôi về Lâm Hà, một huyện vùng sâu của tỉnh Lâm Ðồng, nơi hơn hai mươi năm trước vốn là vùng kinh tế mới của đồng bào thủ đô xa quê lập nghiệp. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong trào nhân dân địa phương hiến đất xây trường, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Văn Sinh nói ngay: "Lâm Hà là huyện mới, nhưng do địa bàn miền núi, tìm đất công để quy hoạch xây dựng trường học không phải dễ. Ðặc biệt, những năm gần đây, quy mô giáo dục phát triểm không ngừng, nhu cầu mở mang trường lớp cao hơn, tìm đất xây trường học lại càng khó. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất riêng đang sản xuất, sinh sống của mình cho sự nghiệp trồng người. Những người làm công tác giáo dục chúng tôi hết sức xúc động và biết ơn bà con.”
Vượt một chặng đường dài qua nhiều đèo dốc và lầy lội, chúng tôi về Liên Hà. Ðây là xã vùng sâu mới được thành lập còn rất khó khăn, nhưng là nơi có khá nhiều người dân hiến đất. Nổi bật lên giữa mầu xanh mát mắt của những vườn cà-phê là ngôi trường hai tầng khang trang mái ngói đỏ tươi trên ngọn đồi thoai thoải bên con đường liên xã. Ðó là Trường PTCS Liên Hà, mà toàn bộ khuôn viên 23.000 m2 của ngôi trường vốn là vườn cà-phê và chè của bốn hộ dân hiến tặng. Có lẽ đây là khu đất đẹp nhất trong xã, những người quy hoạch mạng lưới trường học địa phương thật có "con mắt tinh đời" khi chọn vị trí này. Trong cái nắng cao nguyên, mầu áo học trò hòa trong mầu tường xây ngói mới tạo nên khung cảnh thật thanh bình và tươi mới. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi trường, Hiệu trưởng Ðoàn Quốc Ðạt tâm sự:
- Trước kia, trường chúng tôi đặt ở một vị trí khác, xa khu trung tâm xã. Học sinh và giáo viên đi lại cũng như công việc dạy và học hết sức khó khăn. Ðược Nhà nước đầu tư 1,6 tỷ đồng theo chương trình 168 để xây dựng trường mới, ngành giáo dục và xã quyết định chuyển trường về đây. Nhưng, khi chuẩn bị xây trường thì phát sinh khó khăn về đất. Rất may, chúng tôi đã nhận được những "tấm lòng vàng" của bốn hộ đang có đất canh tác ở vị trí này...
Trở lại vài năm trước. Lá đơn tình nguyện đầu tiên gửi lên xã Liên Hà, huyện Lâm Hà đề nghị được hiến đất xây trường là của ông bà Phạm Văn Thoa và Nguyễn Thị Hà (ảnh bên), ngụ tại thôn Liên Hồ. Ông bà xin chính quyền được hiến 9.000 m 2 đất của gia đình đang trồng cây công nghiệp trên khu đồi cao thông thoáng để xây trường THCS cho con em trong xã. Nộp đơn xong, ông Thoa mới hay, nhu cầu xây dựng trường phải cần khoảng 20.000 m 2 đất. Về thôn, ông quyết định đem chuyện bàn với mấy hộ hàng xóm, là những nông dân đang có đất sản xuất liên canh với gia đình ông. Tưởng là gặp khó khăn trong khi thuyết phục mọi người hiến đất, không ngờ, các ông Hoàng Long, Ðoàn Thực, Ðoàn Trọng đã hưởng ứng một cách tích cực với cái lý cũng hết sức hồn nhiên: "Bác Thoa cũng khó khăn mà còn hiến được đất, thì tại sao chúng em lại không thể hiến?!". Thế rồi, bốn lá đơn cùng trình và 23.000 m 2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng, đã được hiến để xây một ngôi trường mới. Tên của bốn chủ đất đã được "sổ vàng" của địa phương ghi nhớ...
Tiếp xúc với những con người có tấm lòng cao cả ấy, chúng tôi càng hiểu hơn nghĩa cử của họ. Ông bà Phạm Văn Thoa và Nguyễn Thị Hà tiếp chuyện chúng tôi bên ngôi nhà nhỏ mái tôn, tường gạch chắp vá lỗ chỗ ngay giữa thôn Liên Hồ. Cơ ngơi ấy cho thấy gia đình ông bà không mấy khá giả. Chúng tôi bắt chuyện:
- Khi quyết định hiến tặng mảnh đất mặt đường lớn đang rất có giá, hai bác có suy nghĩ nhiều không?
Ông Thoa nở nụ cười hồn hậu:
- Kể ra thì cũng tiếc lắm chứ! Ðể có mảnh đất này, vợ chồng con cái đã phải cật lực khai phá trong nhiều năm, cây cà-phê và cây chè đang cho thu hoạch năng suất khá cao, trong khi gia đình chúng tôi cũng còn khó khăn. Vợ chồng tôi suy nghĩ và trăn trở nhiều ngày và cuối cùng thì quyết định hiến đất cho xã hội. Cái thiệt thòi riêng mình cũng lớn, nhưng lớn hơn lại là cái được cho sự nghiệp chung. Chỉ mong, trên mảnh đất ấy, sự học của lớp trẻ xã nhà ngày càng tốt tươi hơn. Hằng ngày, nghe tiếng trẻ học bài trên "mảnh vườn xưa", tôi thấy lòng mình vui lây và thanh thản lạ.
"Cái lý" của người hiến đất nghe ra thật giản dị. Tuy nhiên, để có quyết định đó, họ đã phải mất ngủ nhiều đêm. Ông Thoa vốn là một người công tác trong ngành nông nghiệp về nghỉ mất sức đã hơn hai mươi năm nay. Ngoài việc cùng vợ con chăm lo vườn tược, nhiều năm qua, ông còn tham gia công tác ở hội chữ thập đỏ địa phương với mong muốn góp chút sức nhỏ nhoi cùng làm việc thiện. Bà Hà vợ ông thì mở một ngôi quán nhỏ bán mớ rau, quả chuối. Hai con lớn của ông bà đã thành gia thất, hai cô cậu nhỏ còn đang tuổi đến trường. Ông Thoa nói: "Giàu mấy cũng không đủ mà khó mấy rồi cũng sẽ qua. Chúng tôi hiến chừng đó đất vườn xây trường, ngoài con em đồng bào nói chung, thì con cháu mình cũng được hưởng trong đó. Gia đình tôi cũng còn hơn một mẫu đất canh tác, chẳng có gì phải lo lắng cả". Ông vừa nói vừa cười, giọng cười của lão nông tuổi xấp xỉ sáu mươi vẫn rất hào sảng. So với gia đình ông Thoa, thì nhà ông Ðoàn Thực kinh tế khá hơn tí chút, nhưng cũng là cái sự "khá" của một nhà thuần nông. Ông Thực là một cựu chiến binh, trong ông luôn thường trực phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Ông kể: "Khi nghe bác Thoa động viên bốn gia đình cần hiến đất cho đủ diện tích liền khoảnh xây dựng trường học, gia đình tôi tự nguyện góp 4.000 m2. Trường xây xong mới thấy khu trung tâm xã đã về ngay bên nhà mình. Sướng thật!".
Trong bốn nhà hiến đất liền kề, thì gia đình hai ông Ðoàn Trọng và Hoàng Long khó khăn hơn. Hai "nhà hảo tâm" này vẫn thuộc diện cần xóa đói, giảm nghèo. Hồi đầu năm, ông Long còn bị tai nạn giao thông rất nặng, phải về TP Hồ Chí Minh chữa trị hằng tháng. Vậy nhưng ông vẫn rất lạc quan: "Tôi còn có hai đứa con đang tuổi đi học. Năm 1991, tôi mua được gần 1,5 ha đất, nay hiến xây trường học 4 sào, mình vẫn còn "bát ngát", đã hết đất canh tác đâu mà sợ". Còn bà Ðoàn Trọng thì cười nói vui vẻ: "Tôi có sáu đứa con đang học từ lớp một đến lớp mười, cho nên hiến năm sào đất xây trường cũng đâu có thiệt. Nhà tôi vẫn còn hơn tám sào đất canh tác nữa, đủ nuôi các cháu ăn học. Vậy là được cả đôi đường!"...
Ở Trường Tiểu học Lán Tranh 2 cũng thuộc xã Liên Hà, chúng tôi còn được gặp vợ chồng cô giáo Hoàng Thị Thêm - Nguyễn Cầu Tưởng, những người vừa hiến tặng ngôi trường này lô đất mặt đường có diện tích 3.000 m2, trị giá hơn 100 triệu đồng. Quả thật, không thể ngờ rằng, cô giáo có gần hai mươi năm tuổi nghề với đồng lương xấp xỉ 1,6 triệu đồng một tháng và chồng cô, một người nông dân, lại có sự hy sinh lớn lao mà không hề so đo tính toán như vậy.
Cô nói giản dị:
- Ðồng tiền thì ai mà chẳng quý, nhất là đối với những người nghèo như vợ chồng tôi. Nhưng, khi thấy nhà trường cần mở rộng quy mô trường lớp, cần lô đất liền thửa thì chúng tôi sẵn sàng hiến tặng. Mình đóng góp chút ít cho địa phương nơi mình sinh sống, cho mái trường nơi mình làm việc và học trò của mình, thiết nghĩ cũng là việc nên làm.
Ở thôn Sình Công của xã Liên Hà, mọi người còn nhắc đến ông Ngô Cư tự nguyện "cắt" bốn sào đất của mình ở vị trí trung tâm cho ngành giáo dục xây trường mẫu giáo. Còn ông Trịnh Sỹ Làng cũng ở thôn này đã hiến hai sào đất bằng cách quy đổi thành tiền. Ðây là một "sáng kiến" riêng của ông Làng, vì ông không có đất ở khu trung tâm để hiến như những người hàng xóm. Hiện tại, Nguyễn Sỹ Làng đã chuẩn bị sẵn một khoản tiền đủ mua 10.000 m2, khi xã cần và chọn mua đất ở đâu để mở mang trường học là ông chi trả ngay để hiến tặng cho sự nghiệp trồng người.
Câu chuyện về những người nghèo ở một vùng quê xa xôi còn lắm khó khăn của tỉnh miền núi Lâm Ðồng tự nguyện hiến đất xây dựng trường học cho thế hệ tương lai, suy cho cùng cũng chỉ là một câu chuyện giản dị, nhưng thật giàu ý nghĩa. Những con người bình thường ấy đã vượt qua những tính toán thông thường, sẵn sàng hiến tặng một nguồn tài sản khá lớn của riêng mình cho sự nghiệp chung. Những tấm lòng vàng ấy thật xứng đáng được xã hội tôn vinh.
UÔNG THÁI BIỂU
|