Vì sao dân không chịu di dời?
Các Website khác - 03/10/2005
Đã sáu tháng nay, Ban đền bù GPMB dự án cầu Thủ Thiêm vẫn chưa thể giải phóng xong mặt bằng. Quận đã nhiều lần ra "tối hậu thư" cưỡng chế nhưng 38 hộ dân trong khu vực GPMB phản ứng kịch liệt với lý do họ bị quy vào dạng lấn chiếm đất và không được bồi thường. Bài viết sau ghi nhận ý kiến cả của người dân và nhà chức trách chung quanh sự việc này.
Cưỡng chế bất thành

Quan điểm của quận Bình Thạnh là sẽ không nhân nhượng nếu ai không đồng ý với chính sách thì có quyền khiếu kiện nhưng vẫn phải bàn giao mặt bằng, nếu không quận sẽ cưỡng chế.

Ngày 28-9 quận đã tống đạt quyết định cưỡng chế đối với bảy hộ dân nằm sát mé để thi công móng trụ cầu. Theo quyết định, ngày 30-9 sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên, việc cưỡng chế đã phải tạm dừng vì trước đó một ngày, ngày 29-9 UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh (do Phó Chủ tịch Lê Hiếu Đằng ký), đề nghị cho dừng việc cưỡng chế 38 hộ dân, xem xét lại từng hộ, để có chính sách đền bù, tái định cư hợp lý, thỏa đáng; làm rõ những vấn đề mà đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật đất đai tại TP Hồ Chí Minh của Bộ Tài nguyên-Môi trường đã đặt ra trong buổi làm việc với quận Bình Thạnh.

Cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh sang quận 2 đã khởi công từ tháng 4-2005 nhưng đến thời điểm này, phía đấu cầu quận Bình Thạnh vẫn chưa thể thi công phần móng trụ do 38 hộ dân khu vực này chưa bàn giao mặt bằng, tiến độ thi công đã chậm 2 tháng so với kế hoạch.

Chính sách đền bù chưa thỏa đáng?

38 hộ dân phường 22, Bình Thạnh không chịu di dời vì Ban GPMB quận không bồi thường mà chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng. Những hộ dân này cho rằng, họ đã sinh sống ổn định trước 15-10-1993 (trước khi có Luật Đất đai), không có tranh chấp; do đó phải được bồi thường về đất ở theo Luật Đất đai.

38 hộ làm đơn gửi các cơ quan chức năng, lập luận rằng không thể lấy phương án đền bù của dự án Đại lộ Đông Tây áp dụng cho dự án cầu Thủ Thiêm vì nguồn gốc đất của hai dự án này hoàn toàn khác nhau. Đất ở dự án cầu Thủ Thiêm đã được khai hoang, san lấp đầm lầy từ trước giải phóng (khu vực này trước giải phóng gọi là cư xá Hàng Hà), do đó không thể đánh đồng tất cả khu vực này là đất lấn chiếm giống như dự án Đại lộ Đông Tây. Cho rằng dân lấn chiếm của Cơ quan đường sông, Bảo đảm Hàng hải là không chính xác vì không có bản vẽ diện tích để chứng minh ranh giới giữa đất của dân và đất của cơ quan sở tại và không xảy ra tranh chấp đất giữa cơ quan và người dân khu vực này. Người dân đã sống ổn định. Chính quyền địa phương đăng ký kê khai nhà đất cho dân. Quận Bình Thạnh không chứng minh được đất của bà con tự khai hoang là đất của các đơn vị, cơ quan đã đăng ký mà chỉ nói miệng!

Việc lập phương án đền bù giải tỏa có một số trường hợp mà dân cho là chưa thỏa đáng. Thí dụ: Năm 1990, anh Đặng Xuân Dũng mua lại một phần căn nhà 14D1 Ngô Tất Tố, tổ 17 - khu phố 2 - Cư xá Hàng Hà của bà Nguyễn Thị Lan, diện tích 25m2 , giấy tờ viết tay. Căn nhà này do công ty Bảo đảm Hàng hải cấp cho bà Lan sử dụng năm 1983. Thế nhưng anh Dũng không được bồi thường giá trị đất mà chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng vì "đất sử dụng sai công năng". Anh Dũng khẳng định rằng đây là đất có nguồn gốc của Nhà nước nên phải bồi thường theo quy định.

Một đại diện Ban bồi thường GPMB quận Bình Thạnh khẳng định: Việc lập phương án bồi thường dự án cầu Thủ Thiêm là hoàn toàn hợp pháp và có chủ trương của thành phố áp dụng cho những trường hợp sử dụng đất chuyên dụng của Nhà nước làm nhà ở. Sau giải phóng Bộ GTVT tiếp quản khu đất này và bàn giao cho các Công ty nạo vét trục vớt, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Xí nghiệp nạo vét đường sông. Các cơ quan này đã cấp một phần đất, nhà cho cán bộ công nhân viên. Trong quá trình sử dụng, nhiều người đã tự cơi nới lấn chiếm, có người chia làm nhiều lô, sang nhượng bằng giấy tay. Theo luật quy định, các hộ này nằm trong diện "đất lấn chiếm hoặc sử dụng sai công năng".

Ngày 26-9, UBND TP ra quyết định mà theo chúng tôi là "rất có lợi" cho các hộ dân: các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư theo quy định tại phương án bồi thường của dự án từ trước ngày 17-5-1995, mà đã có KT3 và không có nơi ở nào khác thì được thuê 1 căn hộ tại chung cư An Sương. Những căn hộ này do thành phố mua lại của công ty xây dựng, cho dân thuê với giá không kinh doanh. Nhưng đa số hộ dân ở đây vẫn không chấp nhận hướng giải quyết này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 38 hộ dân này không có tư tưởng chống đối chủ trương của Nhà nước, họ sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhưng muốn được đền bù thỏa đáng, đúng quy định. Phần lớn họ là lao động nghèo với 10 triệu hỗ trợ thì không đủ tiền thuê nhà với giá 500.000-800.000 đồng/tháng.

Trao đổi với PV Tin tức, ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết: việc khiếu nại của 38 hộ dân là có cơ sở vì đây là những hộ đã ở ổn định từ trước 15-10-1993; có những hộ ở từ trước ngày TP Hồ Chí Minh được giải phóng. Do đó cần phải xác minh rõ và có chính sách đền bù thỏa đáng.


Theo Tin tức