![]() |
Sự quá tải của bệnh viện cũng là một yếu tố để cò phát triển. Ảnh: Anh Tuấn |
"Ai là cò, bảo vệ quen mặt hết, nhưng chỉ có thể ngăn họ vào bệnh viện chứ không cấm được người ta dẫn khách ngoài cổng. Thỉnh thoảng chính quyền địa phương có dẹp nhưng xe đi qua là đâu lại vào đấy" - ông Hoàng Văn Thi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết.
Chị Hằng ở Hà Tây được phát hiện có khối u lạ ở buồng trứng nên đến Bệnh viện K (Hà Nội) để kiểm tra. Vừa bước chân đến cổng, chị đã được một phụ nữ săn đón, đề nghị được "giúp" chị khám và xét nghiệm sớm vì "vào giờ này mà xếp hàng thì mai đến lượt". Trả 50.000 đồng, chị Hằng được cò hướng dẫn đến xếp hàng chỗ này, làm thủ tục chỗ kia. Rốt cục, chị vẫn phải làm hết mọi thủ tục và vẫn phải chờ đến lượt mình vào khám.
Nhiều người khác khi đến Bệnh viện K cũng được "chăn dắt" như vậy. Cứ đến giờ các phòng khám, xét nghiệm mở cửa là đám cò lại tụ tập. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Ở đây, đám cò thường đón người bệnh với xấp sổ y bạ trong tay, và lời hứa hẹn dẫn lối đưa đường từ A đến Z, bệnh nhân chỉ việc cầm lấy hóa đơn vào gặp bác sĩ. Ông Đỗ Việt Hải, Phó phòng tổ chức cán bộ cho biết, đã có nhiều trường hợp cò còn đưa cho bệnh nhân hóa đơn giả. Đến khi vào khám, bác sĩ phát hiện ra và người bệnh lại phải đóng tiền lần nữa. Gần đây, Bệnh viện Mắt phải đánh một ký hiệu riêng vào hóa đơn và yêu cầu các bác sĩ kiểm tra cẩn thận trước khi khám. Nhiều khi cò nhận tiền mà không giúp được, phát sinh cãi cọ, hoặc chuyển sang lôi kéo khách đến các phòng khám tư gần đó.
Sự lộng hành của cò bệnh viện đã khiến Văn phòng Chính phủ gần đây phải ra một chỉ thị, yêu cầu công an, chính quyền và các bệnh viện ở Hà Nội phải nhanh chóng dẹp bỏ hiện tượng này và báo cáo kết quả trước ngày 1/3. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp mới hữu hiệu nào được đề ra.
Ông Hoàng Văn Thi cho biết, ngăn chặn cò là công việc thường xuyên của Bệnh viện K. Ngoài việc ngăn cò vào viện bằng lực lượng bảo vệ, bố trí các bàn đón tiếp, bệnh viện còn cảnh báo cho người đến khám về tệ nạn này trên hệ thống phát thanh, 4-5 lần/ngày. Tuy nhiên, mức cao nhất mà bệnh viện có thể làm là giữ cò lại bên ngoài khuôn viên bệnh viện; và điều này không ngăn cản được các cò hành nghề. "Chúng tôi không có quyền lực gì với những người đứng ngoài, dù có nhìn thấy họ dụ dỗ lừa phỉnh bệnh nhân chăng nữa" - ông Thi nói. Bệnh viện đã có các chương trình phối hợp với chính quyền địa phương để dẹp cò nhưng hoạt động này không được tiến hành thường xuyên. Khi có xe trật tự, đám cò tạm lánh đi rồi sau đó lại trở về chỗ cũ.
Mạnh tay hơn, bệnh viện Mắt Trung ương dán cả ảnh của những cò từng bị phát hiện có hành vi lừa đảo bệnh nhân lên các tờ thông báo xung quanh phòng khám, và thuê cả cảnh sát cơ động giữ an ninh trật tự. Tuy nhiên, theo Phó phòng Tổ chức Đỗ Việt Hải, mọi việc không hề đơn giản. Cò vẫn lọt vào phòng khám, bác sĩ nhận ra nhưng bệnh nhân lại nhận đó là người nhà nên không làm gì được: "Nhiều trường hợp tưởng như bắt quả tang có sự lừa đảo nhưng hỏi bệnh nhân thì họ không tố cáo nên đành chịu. Có khi người bệnh bị cò đưa hóa đơn giả nhưng chấp nhận nộp tiền lần nữa chứ không chỉ mặt cò, chắc vì sợ". Nỗi sợ ấy không phải vô căn cứ, vì đã có lần bảo vệ bệnh viện bị đám cò xông vào đánh hội đồng do dám cản trở họ "làm ăn".
![]() |
Công an phường tại địa bàn Bệnh viện Da liễu TP HCM treo hẳn biển cảnh báo cho người dân về nạn cò mồi, song vẫn nhiều bệnh nhân bị dụ dỗ. Ảnh Mỹ Lan |
Các bệnh viện đều hy vọng, với chỉ thị của Văn phòng Chính phủ, việc phối hợp với chính quyền, công an địa phương để ngăn chặn cò sẽ thường xuyên và chặt chẽ hơn. "Nếu quyết tâm và có sự phối hợp đồng bộ thì chắc chắn sẽ có kết quả" - ông Hoàng Văn Thi nói. Tuy nhiên, ông Phùng Quang Hiển, Đồn trưởng công an phường Nguyễn Du, nơi Bệnh viện Mắt đóng, lại cho rằng không đơn giản như vậy.
Lâu nay, công an phường Nguyễn Du đã tham gia nhiều vào việc ngăn cản những tiêu cực do cò bệnh viện gây ra; tuy nhiên, chưa có một ai bị xử lý với tội danh này. Ông Hiển cho biết, pháp luật không quy định gì về tội "cò mồi" và do đó, không thể ngăn cấm công việc họ làm. Công an chỉ có thể can thiệp khi có đơn thư tố cáo về hành vi lừa đảo khách, nhưng đến nay chưa nhận được lá đơn nào như vậy. "Chỉ khi họ có cãi cọ với khách, chúng tôi mới bắt với lý do gây rối trật tự công cộng, hoặc khi họ bán y bạ trên vỉa hè phố Bà Triệu vì theo quy định thì không được bán hàng rong trên hè phố; và sau đó họ vẫn tiếp tục hành nghề" - ông Hiển nói.
Theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K, ở cơ sở này hoàn toàn không có việc y bác sĩ móc ngoặc với cò mồi để lấy tiền của bệnh nhân; những lời hứa hẹn sẽ nhờ bác sĩ nọ, bác sĩ kia đều không đúng sự thật. Còn Phó phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Mắt Trung ương lại không khẳng định được ở đơn vị này có sự móc ngoặc giữa nhân viên y tế và cò hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, bệnh viện chưa bắt quả tang một vụ nào. |
Theo ông Hiển, để có thể danh chính ngôn thuận dẹp cò, cần có sự rõ ràng về văn bản pháp luật, trong đó khẳng định hành vi này là không được phép, và quy định cả cách xử lý. Mặt khác, theo Trưởng đồn công an phường Quang Trung, cò không thể tồn tại nếu y bác sĩ không tiếp tay cho họ. Vì vậy, các bệnh viện phải giám sát tốt hơn nhân viên của mình.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Mắt, cho rằng sự tồn tại cò bệnh viện có một phần lỗi không nhỏ của bệnh nhân: "Nhiều người bệnh còn thiếu văn minh, đến sau nhưng lại muốn chen ngang lên trước, từ nhu cầu này mới xuất hiện cò, nhiều lúc bị lừa". Ông Hiển cho rằng, nếu người bệnh cứ lịch sự xếp hàng chờ đến lượt mình thì sẽ không có đất cho cò mồi phát triển.
Tại TP HCM, hoạt động lôi kéo, dụ dỗ bệnh nhân diễn ra ồn ào và lộ liễu nhất tại Bệnh viện da liễu TP HCM. Từ sáng đến chiều, trong hay ngoài giờ hành chính, bất kỳ người nào đến Bệnh viện đều được các cò nhiệt tình báo cho biết: "Ở đây giờ này chỉ làm bảo hiểm không thôi, qua ngã tư quẹo trái tới số 81A kìa, ở đó có bác sĩ chuyên khoa da liễu khám cho". Ai nghe theo thì cò sẽ hộ tống tới tận nơi giao tận tay phòng khám rồi mới về. Một ngày, mỗi cò cũng dụ dỗ được khoảng vài chục khách cho nhiều phòng mạch tư khác nhau. Ngay cả Giám đốc bệnh viện da liễu cũng có lần được cò nhiệt tình hướng dẫn qua phòng khám tư. Theo phó giám đốc Nguyễn Văn Thục, Bệnh viện đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn như: thông báo trên loa phát thanh cho bệnh nhân đến khám, phát những tờ bướm hướng dẫn, đề nghị phường hỗ trợ dẹp cò bên ngoài... Công an cũng nỗ lực để hỗ trợ. Song "tình trạng chèo kéo khách vẫn xảy ra, vì thực tế không có một tội danh nào là 'cò' trong luật cả. Vì vậy chỉ có thể xử phạt những người này theo tội danh hành hành chính như tụ tập gây mất trật tự, đậu xe không đúng quy định...chứ không phạt được họ tội làm 'cò'", Ông Vũ Văn Hiển, Phó công an phường 6 quận 3, nơi có Bệnh viện Da liễu đóng, xác nhận. |
Thanh Nhàn - Mỹ Lan
▪ TP.HCM: Chắn rào xây dựng bịt mắt người đi đường (23/02/2006)
▪ 20 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (23/02/2006)
▪ Điều trị tật khúc xạ học đường như thế nào? (23/02/2006)
▪ Tâm huyết với những vấn đề của đất nước (23/02/2006)
▪ Xây dựng Ðảng ta thật vững mạnh (23/02/2006)
▪ Nơi nào còn người nghèo khổ thì người cán bộ NHCSXH cần phải đến với tất cả trách nhiệm và tấm lòng của mình (*) (24/02/2006)
▪ Hãy chấp nhận luật chơi (23/02/2006)
▪ Kon Tum: Khởi công thuỷ lợi Đak Krông (23/02/2006)
▪ Tây Ban Nha giúp Việt Nam nâng cấp ngành điện (23/02/2006)
▪ Hơn 100 học sinh ở Gia Lai bị ngộ độc thức ăn (23/02/2006)